Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Tái cơ cấu quy trình sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội
Nguyễn Linh - 31/07/2024 16:01
 
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 được xem là hành lang pháp lý vững chắc để Hà Nội hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp vẫn luôn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Là Thủ đô, nhưng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội hiện vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên, tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến một nửa tổng dân số.

Những yếu tố trên cho thấy, dù đô thị hoá, công nghiệp hoá của Hà Nội đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, nhưng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như thế nào để vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, vừa gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các nét văn hoá truyền thống là vấn đề rất quan trọng.

Cũng bởi vậy mà lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp, nông thôn được Quốc hội đề cập thành một điều riêng (Điều 32) trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến các vấn đề cơ bản trong định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND và UBND TP. Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn trong thời gian tới.

Sản xuất hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: “Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái theo mô hình bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội. Đây là cách nhìn nhận mới, vượt qua các ràng buộc của định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn và chuyển hẳn sang phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung”.

Để phát triển một nền nông nghiệp như vậy, PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường là đòi hỏi cấp thiết. Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại không chỉ giúp định hình nông nghiệp Thủ đô mà còn thu hút các nguồn lực như vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.

Ở khía cạnh khác, TS. Đặng Kim Sơn nhìn nhận trong xu hướng đô thị hóa ngày một mạnh mẽ, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt, đóng vai trò là động lực thúc đẩy cho các tỉnh, thành phố xung quanh, nhất là trên khía cạnh khoa học và công nghệ - vốn là thế mạnh của Thủ đô. Nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn là con người có kỹ năng và trí tuệ, chứ không còn là sức lao động giản đơn.

Trên cơ sở Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội cần nghiên cứu và đề xuất các chính sách rõ nét và mạnh mẽ trong nông nghiệp, nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị cao, phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa.

Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân, nhằm thúc đẩy các sáng kiến và dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh. Đồng thời, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân… giúp họ nâng cao kỹ năng, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. 

Đồng quan điểm với TS. Đặng Kim Sơn, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng kiến nghị TP. Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố con người và có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Cụ thể, TP. Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”. Đồng thời hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia và trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.

Với những chính sách mới của Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả, đồng thời tạo động lực thúc đẩy các tỉnh, thành phố xung quanh cùng phát triển.

Công nghệ 5.0: “Chìa khóa vàng” mở bung ngành nông nghiệp Việt
Trước làn sóng công nghệ 5.0, hai vấn đề cốt lõi nhất mà doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp cần tập trung vào là con người và kinh tế xanh, kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư