Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tăng cường xử lý các điểm buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc quanh trường học
D.Ngân - 11/12/2023 11:40
 
Cơ quan chức năng Quảng Ngãi yêu cầu các trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, Công an, chính quyền địa phương tổ chức xử lý các địa điểm buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc trong và ngoài nhà trường.

Sau vụ hàng chục học sinh Trường TH&THCS Trần Văn Trà (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị ngộ độc phải đi cấp cứu sau khi ăn thạch rau câu xảy ra vào chiều 8/12, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Quảng Ngãi đã có công văn yêu cầu các trường trực thuộc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tránh tình trạng buôn bán thức ăn trong và trước cổng trường học, gây mất trật tự và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn thành phố xuất hiện hiện tượng người lạ đến cổng trường phát thực phẩm không rõ nguồn gốc gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh (đã xảy ra tại Trường TH&THCS Trần Văn Trà), tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra rất phức tạp nhưng thiếu sự kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Quảng Ngãi yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tăng cường tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại các buổi chào cờ đầu tuần, buổi sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm và thức ăn đường phố đối với học sinh với hình thức phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh, không cho học sinh mua, ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc trong trường học.

Bên cạnh đó, các trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, Công an, chính quyền địa phương tổ chức xử lý các địa điểm buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc trong và ngoài nhà trường, tuyệt đối không để hiện tượng buôn báo thực phẩm, các loại nước uống không rõ nguồn gốc xảy ra trong nhà trường, đặc biệt là các căn tin trong trường học.

Tổ chức công tác tuyên truyền đối với học sinh và phụ huynh học sinh về vệ sinh ăn uống, cẩn thận với các thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh và không mua, nhận thức ăn hàng rong trước cổng trường. Cảnh giác với các đối tượng cấp phát thực phẩm không rõ nguồn gốc.

.
Tình trạng buôn bán thức ăn trong và trước cổng trường học, gây mất trật tự và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi (Ảnh minh họa)

Trước đó, khoảng 15h ngày 8/12, Công an xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi nhận tin báo ‎của giáo viên Trường TH&THCS Trần Văn Trà về việc có nhiều học sinh ‎bị ngộ độc phải đi cấp cứu sau khi ăn thạch rau câu (sản phẩm tặng kèm khi mua sữa ‎N, nhãn hiệu N từ 1 nữ nhân viên tiếp thị).

Qua xác minh ban đầu, chị Nguyễn Thị Lệ Th. (SN 1994, trú xã Tịnh Long), nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết, khoảng 12h30 cùng ngày, sau khi nhận yêu cầu từ ông Lê Tấn H. (SN 1988, trú xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa), quản lý sản phẩm N của nhãn hiệu N, Th đến một công ty trên đường Bà Triệu, TP.Quảng Ngãi nhận sản phẩm đến Trường TH&THCS ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm 19 lốc sữa nhãn hiệu N và 1 túi 50 gói thạch (tặng kèm khi bán sữa).

Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau câu thì có gần 30 học sinh sử dụng xuất hiện các triệu chứng bị ngộ độc như đau bụng, buồn nôn…, phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện sản - nhi tỉnh Quảng Ngãi, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp lực lượng Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.

Cũng về vụ việc ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc khu vực trường học, tối 1/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi văn bản tới các phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã; giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; hiệu trưởng các trường học thuộc Sở về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học.

Theo lời kể lại của các em, trên đường đi đến trường, các học sinh này mua một loại kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Sau khi học sinh ăn xong khoảng 45 phút thì có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn.

Trước vụ việc nêu trên, Công an phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cũng vừa tiến hành kiểm tra cửa hàng tạp hoá tại số 19/8 phố Quang Tiến. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 66 gói nylon màu xanh có hình gấu, quả đào, dâu tây, coca, ô mai, bên ngoài bao bì có nhãn hiệu nước ngoài.

Công an phường Đại Mỗ đang chờ trưng cầu giám định. UBND phường Đại Mỗ chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng, không bảo đảm vệ sinh.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại một số trường học tại Hà Nội, cho thấy tại cổng trường dễ dàng nhận thấy các hàng quán hàng, xe đẩy bày bán la liệt nhiều đồ ăn vặt đa dạng mẫu mã khác nhau mời chào học sinh sau mỗi giờ tan học.

Các loại kẹo, bim bim chỉ ghi nhãn mác nước ngoài, giá của mỗi loại từ 5.000 đồng/gói. Đặc điểm chung của các đồ ăn này hoặc là không có nhãn mác, hoặc là có nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, bày bán lộ thiên và được che đậy sơ sài.

Khi được hỏi về nguồn gốc của những que xiên này, người bán hàng cho hay, đồ này không rõ từ đâu do nhập hàng về bán nhiều nên được các xưởng chế biến giao hàng tận nơi.

Tăng truy xuất nguồn gốc, giảm ngộ độc thực phẩm
Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là khâu then chốt để có thể nâng cao hiệu quả quản lý, nâng chất lượng bữa ăn của hàng triệu gia đình Việt,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư