Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Tăng sự hài lòng của người dân khi đến cơ sở y tế
Dương Ngân - 28/02/2024 07:28
 
Nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đang được triển khai nhằm tăng sự hài lòng của người dân khi đến cơ sở y tế.
Các cơ sở y tế ngày càng được đầu tư hiện đại để phục vụ bệnh nhân tốt hơn
Các cơ sở y tế ngày càng được đầu tư hiện đại để phục vụ bệnh nhân tốt hơn

Những thay đổi lớn

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành có nhiều quy định tác động lớn đến công tác khám chữa bệnh.

Cụ thể, Luật quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử. Các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng với đó, Luật cũng có các quy định về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành định kỳ hàng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá, cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện Bộ Y tế tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để sửa đổi Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, Luật Giá, Luật Dược 2016, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu…

Bộ cũng tiếp tục xây dựng và ban hành các thông tư thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT; thông tư thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BYT; các thông tư hướng dẫn nội dung y tế trong Luật Đấu thầu mới. Việc sửa đổi các văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; đồng thời tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu và cán bộ y tế yên tâm thực hiện.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, Luật bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở, tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn.

Theo đó, cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh, nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mãn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.

Về phía cơ sở y tế, Luật cởi trói nội dung đấu thầu khi bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành…

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư

Với vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, thực hiện Nghị quyết 80/2023/QH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đã có 8 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2023, với tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố là 11.703.

Bộ cũng tiến hành cấp mới/gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược 2016 cho 4.087 thuốc; trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp, gia hạn cho gần 1.200 thuốc, giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung.

Đồng thời, ưu tiên giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế. Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021, trong đó cho phép kéo dài hiệu lực đến ngày 31/12/2024 đối với 12.500 giấy phép nhập khẩu đã được cấp. Bộ cũng công bố 32.108 hồ sơ trang thiết bị loại A; 17.538 hồ sơ trang thiết bị loại B; tiếp nhận 12.011 hồ sơ trang thiết bị loại C, D (xử lý xong 3.710 hồ sơ).

Đến nay, có trên 64.000 hồ sơ (trên 100.000 chủng loại) thiết bị đã được gia hạn, cấp phép đang còn hiệu lực. Với việc tăng cường công tác cấp phép lưu hành, gia hạn giấy phép lưu hành, đến thời điểm hiện tại, cơ bản giải quyết được vướng mắc của các cơ sở y tế trong việc thiếu thuốc do hết hạn số đăng ký lưu hành, cấp phép trang thiết bị, góp phần bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Về các giải pháp khác, theo ông Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế phối hợp với những đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan.

Bộ cũng thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ. Đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá. Tăng cường công bố các thông tin phục vụ đấu thầu. Phối hợp với các địa phương và cơ sở y tế rà soát vướng mắc liên quan tới việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế để tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời kiến nghị theo thẩm quyền.

Tin mới y tế ngày 8/1: Xử phạt nhiều cơ sở y tế ngoài công lập; Những đối tượng cần chú ý khi mắc cúm A
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành 14 quyết định xử phạt 14 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập với số tiền 275 triệu đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư