Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 8/1: Xử phạt nhiều cơ sở y tế ngoài công lập; Những đối tượng cần chú ý khi mắc cúm A
D.Ngân - 08/01/2024 09:25
 
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành 14 quyết định xử phạt 14 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập với số tiền 275 triệu đồng.

Xử phạt nha khoa thẩm mỹ Angel Smile

Theo đó, hộ kinh doanh nha khoa thẩm mỹ Angel Smile (địa chỉ D15 khu biệt thự liền kề, đường Xuân La, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) bị xử phạt 32,5 triệu đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trong thời gian 3 tháng và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời gian 3 tháng.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành 14 quyết định xử phạt 14 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập với số tiền 275 triệu đồng.

Lý do là tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở nha khoa không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng với hộ kinh doanh nha khoa thẩm mỹ Angel Smile, Công ty cổ phần Vicpharma Hà Nội (địa chỉ quầy 521, Trung tâm thuốc Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 50 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành phân phối thuốc theo quy định của pháp luật (kinh doanh khi giấy chứng nhận đạt thực hành tốt phân phối thuốc, cơ sở bán buôn thuốc số 1828/GDP do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 11/8/2020 có giá trị đến ngày 11/8/2023).

Quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, Công ty TNHH American Dental Clinic Hà Nội (địa chỉ số 255 Vũ Tông Phan, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 45 triệu đồng.

Cùng mắc lỗi trên, hộ kinh doanh phòng khám tai mũi họng Tuyết Mai (địa chỉ Shop 10 Park 12, số 25 ngõ 13 đường Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai); hộ kinh doanh phòng khám Âu Lạc (số 178 Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ); hộ kinh doanh Mai Thị Lý (địa chỉ số nhà 29 phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) đều bị xử phạt vi phạm mức 22,5 triệu đồng.

Ngoài mức phạt tiền, các cơ sở nêu trên đều bị buộc tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh trên internet.

Ngoài ra, nhà thuốc Thiên An (trực thuộc Công ty cổ phần Thương Mại và Dịch vụ y tế Thiên An), số 48 phố Mã, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.

Công ty cổ phần Trang thiết bị và công trình y tế (địa chỉ số 47, ngõ 139 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); Công ty cổ phần thương mại G&B Việt Nam (địa chỉ tầng 9 C2C, khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); Công ty cổ phần Trang thiết bị & Hóa chất Hà Nội (địa chỉ số 2/10/167 ngõ 521 đường Trương Định, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) đều bị xử phạt vi phạm hành chính mức 15 triệu đồng vì không công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế đã ban hành theo quy định.

Còn Công ty cổ phần đầu tư y tế An Phú (địa chỉ phòng 404, nhà B12 khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 8 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong thời gian 2 tháng và buộc chấm dứt việc đăng tải thông tin cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn với lý do không có phòng kiểm nghiệm để kiểm nghiệm được thành phần và hàm lượng hoạt chất của chế phẩm do cơ sở sản xuất hoặc hợp đồng thuê cơ sở kiểm nghiệm có đủ năng lực theo quy định.

Công ty TNHH Hóa sinh Vinchem (địa chỉ số 148 Yên Bình, phường Phúc La, quận Hà Đông) bị xử phạt 8 triệu đồng do không có trang thiết bị sơ cấp cứu theo yêu cầu ghi trên nhãn của chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, đồng thời bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trong thời gian 2 tháng.

Quầy thuốc Diệp Chi (địa chỉ số 305 đường Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) bị xử phạt 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.

Công ty TNHH MTV Mạnh Khuyên (địa chỉ số 11 hẻm 250/80/144 đường Phan Trọng Tuệ, thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) cũng bị xử phạt 2 triệu đồng do sản xuất hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc theo quy định.

Phát bệnh dại do chủ quan không tiêm vắc-xin

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết tại đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 42 tuổi, vào viện trong tình trạng sợ gió, sợ lạnh, sợ ánh sáng, tăng kích động, thích ở trong bóng tối.

Người nhà cho biết bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân phải cách đây 2 tháng, nhưng do chủ quan nên người bệnh không đi tiêm phòng dại.

Khi phát bệnh dại người bệnh mới được đưa đến bệnh viện nhưng do tiên lượng tử vong cao nên gia đình đã xin dừng điều trị.

Các bác sĩ cho biết bệnh dại hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh.

Bên cạnh đó, khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước... cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.

Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iod; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc-xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh.

Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó cắn tốt nhất trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn.

Những đối tượng cần chú ý khi mắc cúm A

Một tháng trở lại đây, số ca cúm A vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gia tăng nhanh chóng. Hiện cơ sở này đang điều trị cho hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng, trong số đó có 8 bệnh nhân có bệnh lý nền.

Riêng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, có 3 trong số 4 ca cúm A nặng phải thở máy. Đáng chú ý, các ca này đều có bệnh nền.

Theo các chuyên gia, có hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền.

Cụ thể, người mắc các bệnh nền liên quan trực tiếp đến hô hấp là tim mạch (cao huyết áp, bệnh mạch vành…) và phổi (viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính...).

Do đó, cơ địa bệnh nền là một trong những nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân cúm A mà chúng tôi đang điều trị diễn biến nặng rất nhanh.

Theo chuyên gia này, cúm A chỉ mới vào mùa, một phần do diễn biến thời tiết rét muộn của năm nay. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao đã đề cập.

Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm, hạn chế đến nơi đông người, đảm bảo vệ sinh là những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khoẻ trước tình hình cúm A đang có dấu hiệu tăng dần lên.

Cúm A gia tăng, người dân không chủ quan
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như H1N1, H5N7, H7N9… gây nên. Những chủng virus này rất dễ lây lan nên dễ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư