Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tasa Duyên Hải thâu tóm Gavi: Cá bé nuốt cá lớn?
Kỳ Thành - 14/10/2021 08:18
 
Dù tổng tài sản và vốn điều lệ của Tasa Duyên Hải khá khiêm tốn so với Gavi, nhưng cú thâu tóm này không đơn giản là cá bé nuốt cá lớn.
Tasa Duyên Hải lên kế hoạch mua 51% cổ phần của Gavi.

Vốn đi thâu tóm gấp hơn 2 lần tổng tài sản

Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 9 vừa qua của Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Duyên Hải (Tasa Duyên Hải, mã TCO - HoSE) đã thông qua việc sử dụng gần 602 tỷ đồng để mua lại 20,4 triệu cổ phần - tương đương 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty cổ phần Gavi.

Việc đầu tư này nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Tasa Duyên Hải ra khu vực miền Nam, đa dạng hóa sản phẩm sang lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như lúa, gạo và các sản phẩm khác từ gạo.

Gavi được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo, có trụ sở tại tỉnh An Giang, vốn điều lệ 400 tỷ đồng.

Nhà máy Gạo Gavi hiện có công suất cung ứng 250.000 tấn gạo mỗi năm. Riêng trong năm 2020, Gavi đã tiêu thụ 153.156 tấn ở thị trường nội địa và xuất khẩu 17.500 tấn, đạt doanh thu tương ứng 1.754 tỷ đồng và 9,53 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2021, Gavi đạt hơn 950 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 35%.

Trong năm 2021, Gavi dự kiến thu về 2.170 tỷ đồng doanh thu và gần 106 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Đáng chú ý, Gavi đang triển khai Dự án Nhà máy Xay xát và Kho dự trữ lương thực - một phần giai đoạn II, với quy mô hơn 2,8 ha tại tỉnh An Giang.

Đơn vị này cũng đã hoàn thiện 70% dây chuyền sản xuất mở rộng với công suất thiết kế 250.000 tấn/năm. Như vậy, từ năm 2022 trở đi, Gavi sẽ đạt năng lực cung ứng tới 500.000 tấn gạo/năm, phục vụ nhu cầu của cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, tham vọng vào Top 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo toàn quốc.

So sánh với các chỉ tiêu tài chính của Tasa Duyên Hải, có thể thấy, Gavi có sự nổi trội đáng kể.

Báo cáo tài chính của Tasa Duyên Hải trong giai đoạn 2017-2020 cho thấy, doanh thu của Công ty duy trì quanh mức 160-170 tỷ đồng/năm, lợi nhuận ròng ở mức 15-18 tỷ đồng/năm. Nửa đầu năm 2021, Tasa Duyên Hải đạt doanh thu thuần 23,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 11,9 tỷ đồng, tăng 80% và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Tasa Duyên Hải đạt gần 268 tỷ đồng, vốn điều lệ 187 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với con số 400 tỷ đồng vốn điều lệ của Gavi.

Nguồn: Tasa Duyên Hải

Lộ diện “cá mập” đứng sau

Để bố trí vốn cho thương vụ “nuốt cá lớn”, cũng tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, Tasa Duyên Hải đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và chào bán riêng lẻ cho 2 nhà đầu tư.

Cụ thể, Tasa Duyên Hải sẽ phát hành hơn 8 triệu cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 43%, sau đó chào bán cho cổ đông hiện hữu tổng cộng 26,76 triệu cổ phần với giá 11.000 đồng/cổ phần. Mức giá mà Tasa Duyên Hải đưa ra khá hấp dẫn, bởi cổ phiếu TCO đang giao dịch quanh mốc 30.000 đồng/cổ phiếu.

Gần 16 triệu cổ phần chào bán riêng lẻ với giá 11.000 đồng/cổ phần đã có 2 nhà đầu tư được xác định là ông Trần Hoàng Tuấn Anh, thành viên HĐQT Tasa Duyên Hải và HQ Investment Group - một nhà đầu tư từng là cổ đông lớn của Tasa Duyên Hải.

Tasa Duyên Hải dự kiến thu được 470 tỷ đồng từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ, cộng thêm 131,6 tỷ đồng vốn tự có của Công ty để huy động đủ gần 602 tỷ đồng cho cú thâu tóm Gavi.

Báo cáo tài chính của Tasa Duyên Hải cho thấy, tài sản dài hạn của Công ty chỉ chiếm 8% tổng tài sản, do tài sản cố định gần như đã khấu hao hết. Sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi các công ty con, Tasa Duyên Hải trở nên rủng rỉnh hầu bao và dùng 120 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thương mại TTRICE và Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát vay. Với mỗi khoản cho vay 60 tỷ đồng, Tasa Duyên Hải sẽ thu về cả gốc lẫn lãi vào cuối tháng 10 và đầu tháng 12 năm nay, với lãi suất cho vay 1,2 - 1,5%/tháng. Như vậy, nhiều khả năng, đây là nguồn vốn được Tasa Duyên Hải thu xếp cho khoản đầu tư trên.

Đáng chú ý nhất trong đợt thu xếp vốn này là nhà đầu tư Trần Hoàng Tuấn Anh dự kiến mua 15,6 triệu cổ phần, đồng nghĩa với việc ông Tuấn Anh phải bỏ ra 171 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nhất của Tasa Duyên Hải.

Ông Trần Hoàng Tuấn Anh tham gia Hội đồng Quản trị của Tasa Duyên Hải sau khi nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông cuối tháng 9 vừa qua. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hoàng Tuấn Anh sinh năm 1981, là Chủ tịch của 4 công ty, gồm TaZon, Oriental Cove, AllFarm, DeliFarm. Các doanh nghiệp này liên quan đến hệ sinh thái Tín Thương - một doanh nghiệp thành lập năm 2011 và cũng hoạt động trong ngành kinh doanh gạo.

Được biết, Tín Thương hiện có 2 nhà máy tại An Giang và Long An, công suất 20.000 - 30.000 tấn/tháng. Trong đó, nhà máy An Giang có công suất 170.000 tấn/năm, nằm trong Cụm công nghiệp Tân Trung - cùng trong khu vực mà Gavi đặt “đại bản doanh”.

Có thể nói, sự xuất hiện của ông Trần Hoàng Tuấn Anh đã cho thấy, thương vụ Tasa Duyên Hải thâu tóm 51% vốn tại Gavi không chỉ đơn giản là cá bé nuốt cá lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư