Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
TCAF đồng ý hỗ trợ nguồn vốn chi trả lượng giảm phát thải trị giá 40 triệu USD cho Việt Nam
Trúc Giang - 16/10/2024 15:03
 
Quỹ chuyển đổi tài sản carbon (TCAF) của Ngân hàng Thế giới đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ nguồn vốn chi trả lượng giảm phát thải thu được từ kết quả đo thực tế với trị giá khoảng 40 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm huy động nguồn lực để triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác để huy động thêm các nguồn viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật cho Đề án.

Trong đó, viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc ủy thác qua WB với trị giá 1,6 triệu USD, hiện đang được sử dụng hỗ trợ kỹ thuật cho tập huấn, nâng cao năng lực, xây dựng và áp dụng hệ thống MRV trên 7 mô hình thí điểm, hỗ trợ khuyến nông và truyền thông.

Ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị thu hoạch

Đặc biệt, Bộ đã làm việc với Quỹ chuyển đổi tài sản carbon (TCAF) của WB đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ nguồn vốn chi trả lượng giảm phát thải thu được từ kết quả đo thực tế với trị giá khoảng 40 triệu USD. Trong đó, có 20 triệu USD theo cơ chế chi trả dựa trên kết quả (ERPA) không hoàn lại kinh phí hỗ trợ và đảm bảo giữ lại toàn bộ lượng giảm phát thải cho đóng góp tự nguyện quốc gia (NDC) của Việt Nam và 20 triệu USD chuyển giao tín chỉ carbon, ưu tiên cho TCAF quyền mua đầu tiên khi được Chính phủ cho phép.

Nguồn TCAF này hoàn toàn là độc lập, không có điều kiện ràng buộc đối với nguồn vốn vay ưu đãi từ WB.

Mục tiêu của Dự án do Quỹ TCAF hỗ trợ nhằm khuyến khích nông dân canh tác lúa giảm phát thải bằng cách đo đạc, giám sát, chứng nhận và cấp tín chỉ carbon cho các diện tích áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã phối hợp với với các Bộ ngành liên quan làm việc với chuyên gia WB để xây dựng Đề xuất dự án. Hiện Đề xuất dự án này đã được TCAF phê duyệt và Bộ đang tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành chuẩn bị xây dựng Báo cáo thiết kế kỹ thuật để trình Chính phủ xem xét phê duyệt, làm cơ sở cho đàm phán và ký kết thỏa thuận với TCAF trước mắt theo cơ chế chi trả dựa trên kết quả (ERPA) vào tháng 9/2025.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng dự thảo cơ chế chia sẻ lợi ích từ giảm phát thải trong canh tác lúa. Dự kiến, sau khi có kết quả giảm phát thải từ các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh (sau vụ Đông - Xuân năm 2024-2025), Quỹ TCAF có thể sẵn sàng chi trả theo cơ chế chi trả dựa trên kết quả (ERPA) cho sản xuất lúa giảm phát thải.

Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg. Đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Đề án chia làm 2 giai đoạn, gồm Giai đoạn 1 (2024-2025): Tập trung vào 200.000 ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Giai đoạn 2 (2026-2030): Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Sáng 8/8/2024, đã diễn ra Hội nghị Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hợp tác xã vùng ĐBSCL tham gia Đề án “Phát triển bền vững...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư