Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tham gia TPP, tập trung hỗ trợ DN nhỏ và vừa
Mạnh Bôn - 11/10/2015 09:27
 
Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, cuối cùng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc vào ngày 5/10/2015. Để tận dụng cơ hội này, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cần phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Thưa ông, có khá nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV. Vậy có nhất thiết phải tiếp tục tập trung hỗ trợ?

Không chỉ có cơ chế, chính sách, mà mỗi khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chính quyền các địa phương và hệ thống ngân hàng cùng chung tay, giúp sức, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách và sự giúp đỡ đó chỉ mang tính nhất thời, giải quyết tình thế, chứ chưa có hệ thống, thậm chí nhiều cơ chế còn trùng lắp dẫn đến hiệu quả kém.

Chính vì thế, theo tôi, phải tiếp tục tập trung hỗ trợ DNNVV thông qua việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tháo gỡ toàn bộ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của đối tượng này. Trên thực tế, DNNVV nói chung yếu thế hơn trong cạnh tranh, trong tiếp cận vốn, tiếp cận mặt bằng, đất đai, quản lý, quản trị, điều hành, tiếp cận thị trường… so với doanh nghiệp lớn.

.
TS. Cao Sỹ Kiêm

Đến thời điểm này, 12 hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết hoặc sắp được ký kết, trong đó  TPP vừa kết thúc đàm phán, và hiện chỉ còn đợi Quốc hội 12 nước thành viên phê chuẩn là chính thức có hiệu lực.

Trong bối cảnh này, nếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thức hỗ trợ không có thay đổi cơ bản, không được luật hóa, mà chỉ được giải quyết bằng văn bản dưới luật như nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hay công văn hướng dẫn của các bộ, ngành theo kiểu vướng ở đâu gỡ ở đó, hạn chế chỗ nào xử lý chỗ đó, chứ không có chính sách căn cơ, thì hệ thống DNNVV sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn khi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP và AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) được thực thi.

Đến thời điểm này, công tác xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV đã được triển khai đến đâu?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo, đã và đang tiến hành nhiều cuộc hội thảo, thảo luận lấy ký kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương. Bước đầu, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xác định được những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại cơ bản nhất, chung nhất của DNNVV và cũng đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ trong Dự thảo sơ lược.

Hy vọng các giải pháp, cơ chế, chính sách đó sẽ được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở nguyên tắc chung, định hướng chung đã được luật định, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể, góp phần giải phóng sức sản xuất, hoạt động kinh doanh, nguồn lực và tiềm lực để DNNVV sẵn sàng với sân chơi TPP.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ này liệu có vi phạm cam kết với TPP, AEC và hiệp định thương mại tự do không, thưa ông?

Hoàn toàn không vi phạm, bởi đây không phải là chính sách trợ cấp, mà là chính sách hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ cũng không phân biệt thành phần kinh tế, tức là tất cả doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí là DNNVV đều được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước… để phát huy động lực, phát huy tiềm năng, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trên thế giới, trong đó có cả các nước vừa kết thúc đàm phán TPP cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV bằng nhiều hình thức khác nhau, chứ không riêng gì Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… đều quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thưa ông, Luật Hỗ trợ DNNVV liệu có dẫn tới sự chồng chéo, trùng lắp?

Không hề chồng chéo, trùng lắp. Cụ thể, Luật Đầu tư quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh; Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể của doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế và ưu đãi thuế… mà DNNVV phải tuân thủ. Trong khi đó, Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành tại các luật chuyên ngành và cơ chế, chính sách, tiêu chí, điều kiện hỗ trợ được ban hành tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như khuyến khích thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ phát triển DNNVV; ưu tiên dành quỹ đất và thực hiện các biện pháp khuyến khích xây dựng khu, cụm công nghiệp cho DNNVV thuê làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật…

Tiêu chí để phân loại doanh nghiệp dựa vào quy mô vốn và số lượng lao động. Thưa ông, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu đáp ứng tiêu chí DNNVV thì có được hỗ trợ không?

Tôi cho rằng, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ tiêu chí là DNNVV, hoạt động trong những ngành nghề, địa bàn, lĩnh vực khuyến khích đầu tư, thì họ cũng được hỗ trợ như doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp FDI dệt may hưởng lợi nhất từ TPP
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, dệt may là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư