Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thận trọng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ
Dương Ngân - 13/02/2022 17:29
 
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là cấp thiết khi trường học mở cửa, song trước những băn khoăn, lo lắng của nhiều phụ huynh, việc này vẫn cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cấp thiết

Thống kê của ngành y tế cho thấy, đến nay, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 và số ca bệnh diễn biến nặng thấp, nhưng vẫn có trường hợp tử vong. Khi 20 triệu học sinh đến trường, số trẻ mắc Covid-19 có thể tăng lên, bởi thực tế, trẻ em khó tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp 5K.

Đáng chú ý, hiện nay, các loại thuốc điều trị Covid-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em. Bởi vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ mắc bệnh cùng lúc.

Thời điểm hiện tại, việc triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là rất cần thiết. Chính phủ đã có nghị quyết mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho nhóm trẻ trong độ tuổi này.

Thông tin từ Bộ Y tế, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong quý I và quý II/2022. Bộ Y tế sẽ tiêm cho trẻ em có yếu tố nguy cơ trước, sau đó tiêm đại trà.

PGS-TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tiêm chủng, trong đó đặc biệt lưu ý tới vấn đề an toàn tiêm chủng. Theo đó, trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng sẽ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi vừa qua.

Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, tác dụng phụ của vắc-xin Pfizer (loại vắc-xin được nhiều nước chấp thuận tiêm cho trẻ nhỏ) cũng giống với các vắc-xin cơ bản mà trẻ tiêm vào những tháng đầu đời. Phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài.

Trẻ đi học sẽ được tiêm vắc-xin ở trường. Những bé không đi học được tiêm ở trạm y tế xã. Những bé có bệnh lý nền, mãn tính sẽ được tiêm ở bệnh viện để bảo đảm an toàn tiêm chủng. “Bộ Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, cụ thể các phản ứng sau tiêm chủng cũng như theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm. Chúng tôi cũng khuyến cáo để phụ huynh đồng hành với ngành y tế theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm”, PGS-TS. Hồng nói.

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trước khi triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Chương trình sẽ phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai tập huấn lại cho cán bộ tiêm chủng các tuyến. Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ tìm hiểu kinh nghiệm của các nước đã triển khai tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nắm rõ các phản ứng sau tiêm hay gặp để sớm đưa ra khuyến cáo.

Mũi tiêm an toàn cho trẻ

TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, theo hướng dẫn từ hãng Pfizer, trẻ từ 5 đến 11 tuổi sử dụng vắc-xin với liều 10 microgram, bằng một phần ba so với người lớn và thanh thiếu niên. Liều thứ hai tiêm sau liều đầu tiên ít nhất 8 tuần.

Trẻ em từ 5 đến 11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. “Tiêm cho trẻ em liều 10 microgram gần như không có các phản ứng phụ bất lợi, nên được đánh giá là mũi tiêm an toàn”, bác sĩ Thái nói.

Về vấn đề tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ sẽ gây viêm cơ tim như nhiều phụ huynh lo ngại, bác sĩ Thái nhấn mạnh, với liều tiêm 10 microgram ở trẻ nhỏ, gần như không thấy trường hợp nào gặp phải vấn đề với cơ tim.

“Ngoài sốt, sưng đau tại chỗ, mệt mỏi 1 - 2 hôm, tại các nước đã tiêm vắc-xin cho đối tượng trẻ độ tuổi này, không có trường hợp gặp biến cố bất lợi nào ghê gớm hay viêm cơ tim. Đó là lý do vì sao vắc-xin được tiêm giảm liều một cách an toàn, nhưng vẫn có hiệu lực bảo vệ”, bác sĩ Thái giải thích thêm.

Tuy nhiên, bác sĩ Thái lưu ý, trẻ em sau khi tiêm có thể đau, khóc, nhưng do mải chơi mà không thông báo cho người lớn về các phản ứng của cơ thể. Do đó, khi tiêm cho trẻ, các nhân viên y tế cần cẩn trọng hơn, dặn dò gia đình theo dõi dấu hiệu triệu chứng sau tiêm.

Trước một số ý kiến cho rằng, trẻ em nhiễm Covid-19 chỉ như mắc cúm, không có triệu chứng đặc biệt, nên từ chối tiêm cho con, TS. Phạm Quang Thái cho biết, không chỉ người lớn, mà ngay cả trẻ em cũng gặp những vấn đề hậu Covid-19. Trẻ em nhiễm Covid-19 ít biến chứng nặng dẫn tới tử vong, nhưng những tác dụng kéo dài liên quan Covid-19 khá phổ biến trên thế giới, ảnh hưởng tới việc học của trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ em khi nhiễm Covid-19 có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm và lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc-xin Covid-19 như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai... Đó là sự nguy hiểm của chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Riêng trẻ béo phì, có bệnh nền là đối tượng càng cần phải tiêm sớm, tiêm trước trong bệnh viện, vì có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19.

Với những ý kiến băn khoăn rằng, trẻ tiêm liều bằng 1/3 người lớn liệu có đủ hiệu lực bảo vệ hay không, hoặc có nên chờ con qua mốc 12 tuổi để tiêm liều bằng người lớn, chuyên gia cho hay, việc quy định tuổi chỉ mang ý nghĩa nhất định vì có những trẻ 10 - 11 tuổi đã phát triển tương đương trẻ 13 - 14 tuổi. Thực tế là, liều 10 microgram đã có thể tạo ra miễn dịch. Ngoài ra, khi trẻ qua mốc 12 tuổi có thể được tiêm mũi tăng cường với liều như của người lớn.

“Người lớn đang có tâm lý lo ngại với vắc-xin phòng Covid-19, trong khi nhiễm virus SARS-CoV2 còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Do đó, các bậc phụ huynh không nên do dự trước việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho con mình, kể cả ở nhóm tuổi nhỏ”, bác sĩ Thái nói.

Tin mới về Covid-19 ngày 9/2: Hơn 60% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin cho trẻ
60,6% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư