Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thanh toán điện tử èo uột vì ba bộ bắt tay còn lỏng lẻo
Trần Mạnh - 16/12/2015 14:32
 
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước lên tới trên 4 tỷ USD trong năm 2015 nhưng thanh toán điện tử mới chiếm 5% giá trị mua sắm hàng hoá dịch vụ, đa phần khách hàng vẫn chọn hình thức nhận hàng rồi mới trả tiền. 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử qua kết nối liên thông với các ngân hàng thương mại song số doanh nghiệp thực hiện lại chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự thiếu kết nối và phối hợp giữa các ngành ngân hàng, tài chính và công thương.

Thói quen sử dụng tiền mặt đang làm hại nền kinh tế

Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) diễn ra sáng nay (16/12), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam băn khoăn khi thanh toán bằng tiền vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán. Theo Phó Thủ tướng, các nước trên thế giới đã tiến hành thanh toán điện tử từ lâu. Thậm chí, ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%. Ở nước ta, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy thanh toán trực tuyến nhưng thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn.

“Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó tốt diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó thủ tướng nhận định.

Tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng, đại diện của phía doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo, thói quen sử dụng tiền mặt có thể làm giảm niềm tin của các đối tác, nhà đầu tư với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam đang đứng ở thời điểm có hai cuộc cách mạng quan trọng, đó là cuộc cách mạng FTA (hiệp định thương mại tự do) và cuộc cách mạng online.

“Tham gia vào FTA có nghĩa là chúng ta chơi với các đối tác toàn cầu; chơi với nền kinh tế thế giới. Có nghĩa là một chuẩn của FTA (gần như 100% các thanh toán được thực hiện trên mạng). Các DN Việt Nam mặc dù quy mô vừa và nhỏ nhưng nếu không thanh toán trực tuyến mà thanh toán bằng tiền mặt thì chúng ta sẽ không có lòng tin với đối tác”, ông Lộc nói.  

Kết nối còn lỏng lẻo

Chủ trương thanh tóan điện tử đã được Chính phủ đưa ra từ lâu, trong đó, nộp thuế điện tử là một trong những biện pháp để hiện thực hóa chủ trương này. Tuy nhiên, cho đến nay, dù có tới 98% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử thì thực tế, số doanh nghiệp nộp thuế điện tử còn khá thấp. Tương tự, trong thương mại điện tử, đa phần khách hàng vẫn chọn lựa hình thức nhận hàng rồi mới thanh toán thay vì thanh tóan online.

Lý giải cho tình trạng buồn trên, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhận định, nguyên nhân là do sự thiếu kết nối và phối hợp giữa các ngành ngân hàng, tài chính và công thương.

Để cải thiện tình hình này, theo ông Bùi Quang Tiên, cần có sự đồng bộ, kết nối liên thông giữa hệ thống thông tin dữ liệu của Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng để khách mua hàng, thanh toán trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn.

Liên quan tới mục tiêu phát triển thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ, số lượng POS được lắp đặt đã tăng nhanh, theo dự kiến của Vụ Thanh toán, cuối năm 2015 có thể đạt mục tiêu 250.000 POS nhưng số lượng giao dịch qua POS lại chưa cao. "Để có thể thúc đẩy thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ rất cần có những biện pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là sự phối kết hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để tạo ra động lực cho các điểm bán lẻ tích cực hưởng ứng thanh toán bằng thẻ qua POS lắp đặt tại cửa hàng", ông Tiên cho hay.

Hầu hết các ngân hàng, chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành đều nhận định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ ở nước ta thời gian tới, trong đó thanh toán điện tử là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy thương mại điện tử.

“Các quốc gia khác trong khu vực đều tăng trưởng 2 con số về thương mại điện tử và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Do đó, phải làm sao để thanh toán điện tử sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, hiện đại hóa ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng”, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Thứ trưởng cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Công Thương đối với việc xây dựng chính sách thương mại điện tử toàn diện nói chung, trong đó có thanh toán điện tử với những nội dung, giải pháp rất cụ thể. Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc chứng kiến sự hợp tác liên Bộ giữa ngành Tài chính – Công Thương – Ngân hàng Nhà nước để đẩy mạnh thanh toán điện tử trong thời gian tới.  

Trong khuôn khổ Diễn đàn thanh toán điện tử - VEPF 2015 sáng nay cũng đã diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận ghi nhớ liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”, dưới sự chứng kiến của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Đây là sự cam kết của ba bộ, ngành liên quan trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán biên mậu: Agribank giành thị phần áp đảo
Tiên phong đi đầu, cộng với mạng lưới sâu rộng, thanh toán biên mậu vẫn luôn là lợi thế cạnh tranh của Agribank so với các ngân hàng thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư