Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tháo “chì đeo chân” thương mại điện tử
Hữu Tuấn - 24/09/2021 07:40
 
Hỗ trợ đắc lực cho chuỗi cung ứng, sản xuất trong nền kinh tế, nhưng ngành thương mại điện tử (TMĐT) giàu tiềm năng đang như lính cứu hỏa bị đeo chì vào chân.

Phao cứu sinh cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa

TMĐT không chỉ là một ngành kinh tế xương sống của nền kinh tế số, mà còn trở thành “ngành kinh tế tuyến đầu” trong bối cảnh Covid-19. Theo Sách Trắng TMĐT 2021, năm 2020, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 49,3 triệu người (năm 2020 là 44,8 triệu người). Doanh số bán lẻ TMĐT của Việt Nam trong năm 2020 đạt 11,83 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Bộ Công thương dự báo, quy mô thị trường TMĐT sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, tăng bình quân 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2025 sẽ đạt 600 USD/năm, so với mức 240 USD/người/năm trong năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhận xét, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, kênh TMĐT đang góp phần hỗ trợ kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi giảm nguy cơ lây nhiễm.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) chia sẻ, do ảnh hưởng của đại dịch, TMĐT đã đóng góp phần lớn để hàng hóa lưu thông.

Trong dịch Covid-19, khó khăn đặt ra đối với các hoạt động mua bán truyền thống càng làm rõ hơn vai trò của TMĐT. Ngành TMĐT đã trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến. Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều sàn TMĐT như Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… đã đi đầu tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, với sức mua nhóm sản phẩm thực phẩm tươi sống trên các sàn tăng từ 150% đến 300% so với trước dịch.

“TMĐT sẽ bước sang một trang mới. Thời gian tới, sau khi kiểm soát được dịch và có kế hoạch sống chung với dịch, chúng ta sẽ đón nhận làn sóng mới của TMĐT. Điều này phụ thuộc vào sự hỗ trợ về mặt chính sách cũng như thúc đẩy thị trường TMĐT của Trung ương và địa phương”, ông Dũng đánh giá.

Giải bài toán khó

Mặc dù đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế, song ngành TMĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sự sụt giảm của nền kinh tế, gián đoạn trong xuất nhập khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển lưu thông hàng hóa khó khăn do giãn cách… là những khó khăn mà ngành này phải đối mặt. Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp TMĐT đang vướng nhất với việc tổ chức vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh.

Ông James Dong, CEO Lazada Việt Nam, kiêm CEO Lazada Thái Lan cho biết, vấn đề lớn nhất, nan giải nhất hiện nay là logistics và Lazada gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn khi các địa phương giãn cách xã hội.

“Chúng tôi hy vọng sẽ kết hợp 3 bên giữa TMĐT, logistics và cơ quan chức năng trong việc cung cấp hàng hóa”, ông James Dong kiến nghị.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee bình luận, nếu TMĐT bị tắc nghẽn trong khâu giao hàng thì khó khăn rất lớn. Trong tương lai, có thể sẽ có nhiều lần giãn cách xã hội, nên cần có cơ chế đặc biệt cho TMĐT và vận chuyển (shipper) để có thể vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ tốt hơn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đề nghị đẩy mạnh hợp tác công - tư giữa Chính phủ và doanh nghiệp, vận dụng nền tảng công nghệ nhằm duy trì hoạt động chống dịch và đẩy mạnh kinh tế số, TMĐT.

“Cần có sự thống nhất trong việc nhìn nhận về vai trò của vận chuyển trong chuỗi cung ứng. Ở nhiều nước, đội shipper được xem như một lực lượng tuyến đầu. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm đó”, bà Vân nói.

Cùng với các giải pháp tháo gỡ về vận hành và cơ chế đối với doanh nghiệp kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, VECOM và các sàn TMĐT đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương về việc duy trì hoạt động của đội ngũ giao hàng và bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường.

“Chúng tôi mong muốn các chính sách đưa ra mang tính khuyến khích phát triển TMĐT, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp TMĐT. Các văn bản pháp luật nên tạo điều kiện cho các mô hình TMĐT mới được phép thử nghiệm, thay vì hạn chế ngay từ đầu”, ông Dũng chia sẻ.

Cùng với các kiến nghị giải pháp, cơ chế chính sách, để thực sự phát triển bền vững, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, các doanh nghiệp TMĐT cũng cần chủ động ứng phó, có kế hoạch đảm bảo các khâu. Đặc biệt, lực lượng tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp TMĐT cần được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và có các biện pháp hướng dẫn phòng dịch cụ thể. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp ứng phó kịp thời để thay đổi phương án, phù hợp với quy định của các địa phương khi có sự thay đổi rất nhanh theo diễn biến dịch.

Sớm sửa thuế đối với cho thuê nhà và thương mại điện tử
Mặc dù Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, nhưng Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư