Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thay đổi tư duy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhà nước
Khánh An - 07/11/2021 08:39
 
Sẽ có những thay đổi lớn trong tư duy, cách thức thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 5 năm tới, để doanh nghiệp nhà nước không chạnh lòng...
Nhiều doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn, cổ phần hóa từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong ảnh: Agribank, một đơn vị có tên trong danh sách cổ phần hóa
Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước chính là rào cản lớn khiến khu vực này ít thay đổi.

Tâm tư người trong cuộc

Sự tụt hậu của doanh nghiệp nhà nước không còn là cảnh báo. Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) đã nhận định như vậy khi tham gia góp ý vào Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Không dẫn giải con số về hiệu suất sử dụng vốn, hay giá trị 1,6 triệu tỷ đồng đầu tư của Nhà nước trong khu vực này như các báo cáo, ông Ấn nhắc đến cách ứng xử “nằm trong vùng an toàn” mà phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang chọn để điều hành. 

“Đừng kỳ vọng doanh nghiệp nhà nước sẽ đột phá gì, vì trăm việc làm tốt không ai hay, nhưng một việc dở là hỏng hết”, ông Ấn nói.

Cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước nặng về hành vi, thay vì mục tiêu như các khu vực doanh nghiệp khác đang làm, đã đẩy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vào thế “chỉ làm để kết quả năm sau cao hơn năm trước”.

Thực trạng này đã được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng như nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến từ lâu khi dẫn chứng cho những chậm trễ trong thực hiện mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong 2 năm qua, khi nền kinh tế chịu tác động rất lớn do Covid-19.

Ông Phạm Đức Ấn không chỉ là đại biểu Quốc hội, mà còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và cũng là ngân hàng có tên lâu nhất trong danh sách doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Với tư cách là người trong cuộc, ông Ấn có thể thấy nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước chính là rào cản lớn, sẽ làm khó kế hoạch cơ cấu lại khu vực này trong 5 năm tới nếu không có những thay đổi căn bản.

“Doanh nghiệp nhà nước có muốn thay đổi không, có muốn thực hiện cổ phần hóa không? Tôi tin là có. Ở Agribank cũng vậy, chúng tôi thực sự muốn đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán, để thực hiện chuẩn hóa các hoạt động theo quản trị doanh nghiệp tốt nhất, đúng theo thông lệ quốc tế”, ông Ấn chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư khi được hỏi về những chậm trễ trong tiến độ cổ phần hóa của Agribank.

Trong các báo cáo về sự chậm trễ cổ phần hóa của Agribank, nguyên nhân chính là sự phức tạp trong thủ tục pháp lý với các phần nhà, đất do Agribank sở hữu. Phần lớn doanh nghiệp nhà nước đều rơi vào tình trạng này do quá trình chuyển đổi, chuyển dịch tài sản nhiều năm trước. Mặc dù đã có những hướng dẫn xử lý, nhưng ông Ấn cho rằng, cần cách làm đột phá hơn.

“Việc xử lý đất đai luôn đòi hỏi sự thận trọng, có thể thí điểm những cách làm riêng biệt cho từng trường hợp. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện thí điểm các đột phá này để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa”, ông Ấn nói.

Áp lực từ sự lớn nhanh của khu vực tư nhân

Rất nhiều doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn, cổ phần hóa chưa hoàn tất của những năm trước đang có tâm trạng sốt ruột tương tự Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank.

“Khu vực doanh nghiệp tư nhân những năm qua phát triển rất nhanh, nhiều doanh nghiệp đã thực sự nổi lên trở thành đầu tàu, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhìn các đối thủ cạnh tranh, các đối tác làm việc đổi mới, sáng tạo hàng ngày, chúng tôi chỉ mong hoàn tất kế hoạch thoái vốn như dự kiến, để có thể chủ động hơn trong hoạt động điều hành doanh nghiệp”, lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước đang có tới 97% vốn nhà nước, có tên trong danh sách phải hoàn tất thoái vốn từ năm ngoái, sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ, nhưng giờ vẫn đang phải đợi đại diện chủ sở hữu tiến hành các thủ tục.

Vấn đề là, trong lúc chờ đợi, nhiều chủ trương, quyết sách lớn của doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình xin ý kiến, khiến nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ, kể cả kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

“Chúng tôi chờ đợi kế hoạch thoái vốn được thực hiện đúng lịch trình, nhưng đã chậm quá, nhiều nhà đầu tư nản lòng”, vị lãnh đạo doanh nghiệp (xin phép giấu tên) nói.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã rất tiếc khi nghe doanh nghiệp này tâm sự.

Cho tới thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước hầu như không được quyền tự chủ kinh doanh như các doanh nghiệp khác, chứ chưa nói đến quyền tự do kinh doanh, nên rất khó nói đến cạnh tranh sòng phẳng.

“Giá như lúc này, các đề xuất thay đổi cơ chế, chính sách, thay đổi phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước được triển khai, áp dụng nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế, thì doanh nghiệp nhà nước có thể tự cải thiện năng lực của chính mình, tìm kiếm được cơ hội phát triển, thay vì phải trông chờ vào các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước”, ông Cung nói.

Trong đánh giá những tồn tại của hoạt động cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước giai đoạn vừa qua, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được nhắc đến, từ việc xem xét, xử lý, phê duyệt, chỉ đạo thực hiện các phương án tổ chức lại, cổ phần hóa, thoái vốn chậm, đến việc can thiệp quá sâu vào quản trị doanh nghiệp.

Những vấn đề này cũng đã nói đến nhiều trong suốt kỳ kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 5 năm qua.

5 năm tới, doanh nghiệp nhà nước sẽ được làm gì?

Tình hình sẽ có nhiều thay đổi khi nhìn vào Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ. Ông Nguyễn Đình Cung tin như vậy.

Vì mục tiêu được đặt lên hàng thứ nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới, sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

Các mục tiêu còn lại là cơ bản hoàn thành sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường; nâng cao hiệu lực pháp luật việc công khai, minh bạch thông tin doanh nghiệp nhà nước, đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...

“Cổ phần hóa, thoái vốn sẽ là một trong số các cách thức để thực hiện mục tiêu trên, nhưng quan trọng là cơ chế, chính sách sẽ phải thay đổi để doanh nghiệp quản trị được theo chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nhà nước thực sự thay đổi về chất và cả giá trị trên thị trường”, ông Cung nói.

Để thực hiện được điều này, một loạt nhiệm vụ đã được đặt ra, trong đó trao sự chủ động, gắn với trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ, thời gian thực hiện việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; thực hiện cơ chế lương, thưởng, đãi ngộ theo cơ chế thị trường gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp nhà nước, đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, cơ chế thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với nhau và giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp thuộc thành phần khác sẽ được hoàn thiện.

Điều quan trọng là, theo các doanh nghiệp nhà nước, khu vực này cần được tự chủ hơn, năng động theo quy luật thị trường và tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Khi đó, các doanh nghiệp nhà nước không những không phải chạnh lòng khi nhắc đến tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, mà còn thực sự đóng góp tương xứng với nguồn lực đang sử dụng đối với phát triển kinh tế quốc gia.

Các doanh nghiệp đề nghị, quan điểm, tư duy này cần được làm rõ trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cho các nhiệm vụ, giải  pháp cụ thể.

Một số giải pháp thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025



- Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản liên quan.

- Đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa theo hướng nghiên cứu thí điểm chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ từ hình thức công ty TNHH một thành viên sang hình thức công ty cổ phần, trong đó các cổ đông là tổ chức kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

- Có cơ chế chính sách để doanh nghiệp nhà nước tham gia vào phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới.

- Rà soát, xác định số lượng, phạm vi ngành, lĩnh vực thiết yếu, quan trọng cần có doanh nghiệp nhà nước để xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, bán, giải thể, phá sản, thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xác định rõ các doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước.

- Thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có điều kiện, có quy mô hợp lý, thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

- Thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo đề án đã được phê duyệt để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; thoái vốn danh mục đầu tư theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025...
Lạ và quen trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp nhà nước
Covid-19 là yếu tố "lạ" khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty liêu xiêu, nhưng nhận định rất quen là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư