Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thấy gì từ hai phương án cơ cấu lại Saigontourist?
Khánh An - 19/05/2021 09:52
 
Đề xuất chưa cổ phần hóa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và thành lập doanh nghiệp nhà nước mới của TP.HCM được đề nghị thận trọng trong thực hiện.
Saigontourist vẫn đang loay hoay tìm phương án cơ cấu lại
Saigontourist vẫn đang loay hoay tìm phương án cơ cấu lại.

TP.HCM muốn thành lập mới doanh nghiệp nhà nước?

Cuối tuần trước, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp báo cáo đề xuất chưa thực hiện cổ phần hóa Saigontourist.

Trước đó, trong Báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM quý I/2021, nội dung này đã được đưa ra với 2 phương án cụ thể.

Một là, chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP.HCM để tiếp nhận, quản lý 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.

Hai là, chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Như vậy, nếu đề xuất này được chấp nhận, đây là lần thứ ba, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp này được thay đổi.

Saigontourist có tên trong danh sách phải cổ phần hóa năm 2018, cùng với 38 doanh nghiệp khác của TP.HCM, theo Công văn 991/TTg-ĐMDN phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020. Đến năm 2020, danh sách này gần như còn nguyên với 36 doanh nghiệp khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Trong nhiều cuộc họp của Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp nhà nước về thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, TP.HCM luôn là trường hợp đặc biệt vì hầu như không có cải thiện trong tiến độ cổ phần hóa. Khi đó, giải trình về lý do chậm trễ, TP.HCM cho biết có nguyên nhân vì bên liên doanh không đồng tình với phương án nhà nước thoái vốn.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, đề xuất thành lập mới doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM là giải pháp không phù hợp.

“Lĩnh vực du lịch, khách sạn không nằm trong diện được thành lập mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước”, ông Trung giải thích.

Không chỉ vậy, việc thành lập một doanh nghiệp nhà nước mới, với mục tiêu nhận chuyển giao quản lý các khách sạn và phần vốn góp liên doanh của các doanh nghiệp nhà nước do TP.HCM quản lý nếu không được thực hiện cẩn trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các doanh nghiệp, các bên có liên quan.

Thậm chí, theo các chuyên gia, đề xuất này sẽ khiến việc cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp, trong đó có Saigontourist trở nên khó khăn hơn.

Saigontourist là một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, sở hữu hệ thống khách sạn, nhà hàng đa dạng dưới nhiều hình thức cả đầu tư trực tiếp, sở hữu cổ phần, liên doanh với doanh nghiệp trong nước, nước ngoài. Nếu theo phương án thành lập doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM, các khoản vốn trong liên doanh mà Saigontourist đang làm đại diện phần vốn sẽ bị tách ra.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) lo ngại, sức hấp dẫn của doanh nghiệp với các nhà đầu tư sẽ giảm đi khi các tài sản đắc địa không còn, khi đó hiệu quả cổ phần hóa sẽ không cao.

Có nên giữ Saigontourist là nơi nhận giao vốn?

Thực ra, đề xuất chưa cổ phần hóa Saigontourist nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên gia kinh tế. Những khó khăn trong xử lý đất đai có được nhắc đến, nhưng nguyên nhân chính là các hợp đồng liên doanh của Saigontourist chưa kết thúc và nhiều trong số đó là hợp đồng điều khoản chuyển giao không bồi hoàn.

“Thời điểm cổ phần hóa cần cân nhắc thận trọng để tránh thâu tóm”, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ quan điểm.

Trong báo cáo gửi Chính phủ về đề xuất chưa cổ phần hóa Saigontourist, UBND TP.HCM cũng nêu nguyên nhân là Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn (gồm Bến Thành - Rex Hotel, Cửu Long - Majestic Hotel, Hoàn Cầu - Continental Hotel và Kim Đô) có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đặt vấn đề, có nên giữ Saigontourist là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để làm cơ sở cho kế hoạch điều chuyển thêm một số khoản vốn góp liên doanh trong lĩnh vực du lịch, khách sạn về Saigontourist? 

Thực tế, ngoài Saigontourist, các doanh nghiệp do TP.HCM quản lý thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp bằng quyền sử dụng đất trong các liên doanh với nước ngoài. Theo UBND TP.HCM, việc điều chuyển các khoản vốn góp của Nhà nước từ các liên doanh này về Saigontourist sẽ nâng cao thêm vai trò chủ chốt của doanh nghiệp. Trong báo cáo, Saigontourist đang được xác định là đơn vị chủ chốt, quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch và cũng là công ty thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP.HCM.

 “Việc chuyển vốn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác cần phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, cần được tính toán để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Đơn cử, bên cho vay đang nhìn vào khối tài sản của doanh nghiệp để quyết định các phương án về lãi suất, thời gian cho vay, thậm chí các cơ chế ưu đãi... Nếu khối tài sản đó bị giảm đi, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng. Các thành viên, cổ đông nhỏ cũng là đối tượng chịu thiệt”, ông Cung phân tích.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp về thủ tục chia tách doanh nghiệp, chia tách phần vốn góp trong công ty TNHH, việc này cần phải được thông qua tại nghị quyết của công ty với những yêu cầu về nguyên tắc, cách thức thực hiện, cách giải quyết nghĩa vụ của các bên. Nghị quyết này phải được gửi tới các chủ nợ, thông báo cho người lao động...

“Ngay cả khi các phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu, trong trường hợp này là UBND TP.HCM, thì phải được thực hiện đúng luật chứ không thể bằng các văn bản hành chính. Quan điểm của tôi là cần phải có sự đồng thuận trong các doanh nghiệp trước khi thực hiện”, ông Cung đề xuất.

Đặc biệt, ông Cung cho rằng, trong trường hợp TP.HCM muốn gom phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp về một mối thì cũng phải thực hiện theo quy định trên. Khi đó, cũng sẽ có một pháp nhân mới xuất hiện, nhưng là kết quả của hoạt động chia tách doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, chứ không thể thành lập mới một doanh nghiệp để làm nhiệm vụ nhận chuyển giao vốn như phương án của TP.HCM.

“Tư duy kiểu hành chính, thiếu tính thị trường sẽ làm khó doanh nghiệp, không để doanh nghiệp nhà nước hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường”, ông Cung thẳng thắn.

Khó thu hồi đất đã chuyển mục đích sử dụng sau cổ phần hóa
Theo Bộ Tài chính, khó có thể thu hồi và đấu giá đối với diện tích đất được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng khác với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư