Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Xu hướng tăng còn trong… cực ngắn
 
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong cực ngắn, sau đó điều chỉnh và tích lũy, chờ sóng tăng từ quý I/2018. Trong năm 2018, dự báo 3 nhóm ngành chính thu hút dòng tiền là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Ông Trương Hiền Phương
Ông Trương Hiền Phương

Chỉ số VN-Index tăng trên 900 điểm nhưng đà tăng chỉ đến từ một số cổ phiếu trụ cột. Theo ông, diễn biến tiếp theo của thị trường sẽ như thế nào?

Theo tôi, tổng quan thị trường vẫn đang ở kênh tăng giá, nhưng bị nhiễu. Xét thuần về mặt kỹ thuật thì chỉ số đang rất đẹp và hướng tới mốc 1.000 điểm. Các xung lực vẫn cho thấy, chứng khoán còn khả năng tăng điểm, chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua cổ phiếu VNM, VRE... Đợt thoái vốn sắp tới của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể tạo nên động lực mới cho chỉ số.

Tôi cho rằng, sau “hiệu ứng APEC 2017” và SCIC thoái vốn thì đà tăng vẫn còn tiếp tục, nhưng sẽ sớm dừng khi SCIC hoàn tất việc thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn. Thời điểm này sẽ vào khoảng giữa tháng 12/2017. Khi đó, vùng trũng thông tin sẽ rất lớn và dự báo đợt điều chỉnh có thể kéo dài đến cuối tháng 12.

Sau đó, chứng khoán có thể sẽ có nhịp tăng hồi trở lại khi dòng tiền đón kết quả kinh doanh năm của các doanh nghiệp niêm yết.

Cùng với đó,  tháng 2 - 3 hàng năm là khoảng thời gian doanh nghiệp trả cổ tức, đề ra kế hoạch mới, nên sóng tăng sẽ được trợ lực trong giai đoạn này. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý là cuối tháng 1, thị trường thường có sự điều chỉnh nhẹ, vì nhiều người có nhu cầu bán chứng khoán để xử lý các vấn đề tài chính khi hết năm.

Theo tôi, thị trường chứng khoán còn xu hướng tăng trong cực ngắn, sau đó điều chỉnh và tích lũy để chờ sóng tăng trong quý I/2018. Trong đợt điều chỉnh sắp tới, điểm số có thể giảm, nhưng “đau thương” không gia tăng nhiều, bởi gần đây, chỉ số tăng chủ yếu do các mã lớn, nhóm vừa và nhỏ không biến động quá nhiều, nên sẽ không điều chỉnh sâu.

Vậy dòng tiền sẽ tìm đến nhóm cổ phiếu nào, theo ông?

Trong ngắn hạn vẫn là những cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC. Trung hạn (cho năm 2018), dòng tiền sẽ hướng đến 3 nhóm chủ lực là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có nhiều quy định mới hỗ trợ các ngân hàng hoạt động minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thể tiến hành phá sản để cắt đi những hệ lụy trong hệ thống. Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ duy trì đà tăng tích cực để hỗ trợ dòng vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo nên hiệu quả cho các ngân hàng.

Với nhóm chứng khoán, nếu nửa năm về trước, giá trị giao dịch bình quân khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên, thì nửa năm trở lại đây, con số này tăng lên 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên.

Điểm bất ngờ là thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng tốt dù mới mở cửa, mỗi tháng tăng khoảng 20 - 30% giá trị giao dịch, tạo không gian kiếm lời cho nhiều công ty chứng khoán. Giá trị giao dịch tăng thêm sẽ kèm với giao dịch ký quỹ (margin) tăng, nên thu nhập từ hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán cũng sẽ tăng lên, bên cạnh doanh thu môi giới.

Với nhóm bất động sản, điểm rơi lợi nhuận thường vào cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã cán đích kế hoạch năm 2017. Thị trường bất động sản vẫn đang sôi động từ đất nền, căn hộ và những công ty xây dựng có nhiều hợp đồng từ các dự án mới. Về tâm lý, bất động sản vẫn là ngành dễ thu hút dòng tiền.

Giá nhiều cổ phiếu bất động sản đã phản ánh hết thông tin tích cực trong quý II và thực tế quý III, nhóm cổ phiếu này có diễn biến kém khả quan. Vậy cơ sở nào để tin tưởng rằng có cơ hội cho nhóm cổ phiếu bất động sản trong năm 2018?

Thứ nhất, về tổng quan ngành, nhóm bất động sản đang được hưởng lợi về chính sách. Lãi suất thấp có lợi cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Thứ hai, thị trường bất động sản đã qua đáy và đang trên đà đi lên, theo chu kỳ cũng phải nhiều năm sau mới có xu hướng giảm.

Thứ ba, bản thân doanh nghiệp đã chuyên nghiệp hơn, nắm bắt xu hướng, nhu cầu thị trường tốt hơn nên khả năng cung cấp sản phẩm đa dạng và phong phú hơn. Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài và cả dòng tiền từ Việt kiều đang có xu hướng chảy vào các ngành như bất động sản, chứng khoán và sản xuất - kinh doanh, do vậy, bất động sản cũng được hưởng lợi.

Thứ tư, thu nhập người dân tăng lên, đi kèm theo đó là nhu cầu về nhà ở, đầu tư, mở rộng kinh doanh cũng đều tăng lên. Do vậy, các phân khúc từ nghỉ dưỡng, căn hộ, văn phòng cho thuê đều đang phát triển một cách rất tự nhiên.

Các yếu tố trên cho thấy, dư địa tăng lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản vẫn còn, đó là cơ hội để đầu tư cổ phiếu ngành này.

Thị trường chứng khoán: VN-Index có thể suy yếu ở vùng 890 - 900 điểm
Tuần qua, các thị trường cổ phiếu đồng loạt mất giá mạnh trước khi phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần. Thị trường Nhật Bản nổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư