Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Thị trường kho lạnh thiếu nguồn cung trầm trọng
Trọng Tín - 15/06/2021 21:06
 
Xu hướng người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở Việt Nam.
.
Một mô hình dịch vụ kho lạnh đang được vận hành tại Việt Nam. Ảnh: ABA.com.vn

Nhu cầu tăng cao

Tháng 6 là cao điểm thu hoạch nhiều loại nông sản tại Long An, trong khi xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang đi chợ trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến tình trạng ùn ứ, quá tải hàng hóa tại các kho lạnh ngày càng trầm trọng.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, dù nhiều giải pháp đã được áp dụng, song vẫn có tình trạng thanh long phải bán đổ, bán tháo, nhất là với các nông dân, hợp tác xã không đủ vốn để đầu tư kho bảo quản riêng.

“Tổng công suất kho lạnh tại Long An đủ cho nhu cầu trữ thanh long, nhưng các chủ kho cũng kinh doanh thanh long, nên nhiều khi, vì lý do cạnh tranh, họ không cho nông dân, hợp tác xã thuê kho để bảo quản”, ông Trịnh nói.

Ngoài nông sản, xuất khẩu thủy sản cũng là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. Hiện nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao JLL thị trường Việt Nam cho biết, do thị trường kho lạnh Việt Nam còn khá phân mảnh, những nhà cung cấp dịch vụ kho lạnh có thị phần tương đối như Emergent Cold, Minh Phú Gemadept, ABA, Hoàng Phi Quân, Lotte, An Việt Cold Storage, Phan Duy, Satra, Meto, Alpha, Transimex… chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ của thị trường, cũng như chưa tích hợp nhiều dịch vụ trong kho lạnh.

Theo bà Trang, dù thị trường đầy tiềm năng, nhưng nguồn cung kho lạnh vẫn bị hạn chế do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn các loại bất động sản hậu cần khác. Việc xây dựng các kho bảo quản lạnh phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, thời hạn thuê thường kéo dài 15 - 20 năm cũng khiến nguồn cung càng khan hiếm hơn.

Bên cạnh đó, ngành này đòi hỏi bên tham gia phải có chuyên môn về bảo quản nhiệt độ, vì mỗi loại hoa quả, rau củ, thịt cá... đều có những quy định riêng về nhiệt độ, cần điều chỉnh phù hợp. Điều này lý giải vì sao trong hàng ngàn công ty tham gia lĩnh vực logistics, chỉ có một số ít nhảy vào chuỗi cung ứng lạnh.

Dư địa còn rất lớn

JLL dự báo, nhu cầu kho lạnh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong ít nhất nửa thập niên tới do người tiêu dùng toàn cầu đang thay đổi hành vi mua sắm kể từ biến động lịch sử đại dịch. Trước tiềm năng to lớn của thị trường, loại hình bất động sản này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư địa ốc, nhiều quỹ đầu tư cũng cân nhắc kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế bất động sản công nghiệp truyền thống tại thị trường Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn Louis Holdings tiếp tục khởi công xây dựng Nhà máy Toccoo tại TP. Tân An, tỉnh Long An về chế biến rau củ quả đông lạnh xuất khẩu, có diện tích hơn 17.000 m2, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Đây là dự án thứ hai doanh nghiệp này đầu tư trong hệ thống nhà máy Toccoo. Dự kiến, sẽ có thêm các kho lạnh nữa được xây dựng theo mô hình này ở An Giang và Bình Thuận.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Quang Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Louis Holdings cho biết, nhà máy sẽ tập trung sản xuất và mang ra thế giới các sản phẩm từ nguồn nông sản chủ lực của tỉnh Long An và vùng lân cận như mít, thanh long, dứa (khóm) và xoài. Với công suất 4 tấn/giờ, dự kiến mỗi năm, nhà máy sẽ cung cấp cho chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu từ 15.000 đến 20.000 tấn sản phẩm.

“Nếu mọi chuyện thuận lợi, nhà máy có thể bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2021. Chúng tôi đã xây dựng nhiều nhà máy thế này rồi, tức là mô hình kinh doanh đã có sẵn. Chúng tôi biết tất cả máy móc công nghệ và dây chuyền hiện đại trong ngành này. Với sự quyết tâm của Tập đoàn, chúng tôi ra quyết định việc đầu tư và xây dựng nhà máy này rất nhanh”, ông Vinh nói.

Cũng bày tỏ lo ngại về tác động của Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu, nhưng ông Vinh cho biết: “Khi mọi người nhìn thấy nguy cơ, thì chúng tôi nhìn thấy cơ hội. Hơn nữa, khách hàng vẫn có và nguyên liệu luôn luôn dồi dào. Chúng tôi rất tự tin với ‘cuộc chơi’ này. Quan điểm là, nếu chúng ta có tài chính và có sự tự tin, thì nên đón đầu”.

VASEP: Doanh nghiệp thuỷ sản đang thiếu kho lạnh trầm trọng
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn số 35/2020 đến Bộ trưởng Bộ NN&PT NT Nguyễn Xuân Cường về việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư