Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường nước ép trái cây: Lính mới “ngó” phần đại gia
Thế Hải - 09/03/2016 09:25
 
Có vẻ như sự thống lĩnh nước ép trái cây của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tân Hiệp Phát với hàng chục chủng loại nước ép: nước ép táo, lựu, cà chua, nho, cam, đào… đã bị chấm dứt, khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Cuối năm 2015, CTCP Nafoods Group (Nafoods Group) đã cho ra mắt thị trường nội địa thương hiệu Juice smile, một sản phẩm nước ép trái cây cô đặc.

Juice Smile là dòng sản phẩm nước ép trái cây cô đặc với 5 vị trái cây nguyên chất: chanh leo, dứa, lựu, cam và nho được sản xuất và đóng gói tại nhà máy FTN (Tây Ban Nha), đạt chuẩn chất lượng châu Âu.

.

Dù ra mắt sau các sản phẩm nước ép cô đặc khác trên thị trường nội địa, nhưng ngay trong ngày đầu tiên chào hàng, Juice Smile của Nafoods Group được đánh giá là sản phẩm tiện lợi, dễ sử dụng, tiết giảm nhân công, tiết giảm chi phí nguyên liệu pha chế. Đặc biệt hơn, người sử dụng có thể tự do uống theo sở thích (độ đậm, nhạt, đặc, loãng… tuỳ theo sở thích), với kỳ vọng, sự ra mắt của Juice Smile mang đến cơ hội thưởng thức nước ép trái cây nguyên chất một cách tiện lợi và đảm bảo vệ sinh tuyệt đối cho người tiêu dùng trong nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCP Nafoods Group cho biết, trong khi nhiều sản phẩm trên thị trường là Siro, sử dụng hương liệu và thường chỉ có 10 - 30% là nước hoa quả nguyên chất, thì Juice Smile của Nafoods là dòng sản phẩm 100% nguyên chất, tự nhiên. Đó cũng là sự khác biệt lớn nhất của Juice Smile so với nhiều thương hiệu nước ép hiện có trên thị trường.

Trước đó, Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế cũng đã ra mắt sản phẩm mới Nước Cam Wonderfarm, chiết xuất từ cam thiên nhiên, mang hương vị cam thơm ngon quen thuộc. Sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền Aseptic - công nghệ chiết rót vô trùng Nhật Bản tại nhà máy Kirin Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đang hiện diện trên thị trường.

Thị trường nước giải khát Việt Nam những năm gần đây  tăng trưởng nhanh với xu hướng tiêu dùng tăng mạnh vào nhóm nước giải khát từ các loại hoa quả tự nhiên.

Bộ Công thương dự báo, thị trường nước ép trái cây và rau quả sẽ đạt 6 tỷ lít trong năm 2017, do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nước ép từ hoa quả tự nhiên.

Vfresh của Vinamilk, thương hiệu được đánh giá là dẫn đầu trên thị trường nước ép trái cây tại nội địa khá tự tin trong cạnh tranh, do đặc thù sản xuất sản phẩm đề cao tính tự nhiên, khi nhà sản xuất này khẳng định, để có được 1 lít nước trái cây ép Vfresh, thì điều kiện là phải có 1 kg trái cây tươi

Nếu ở mảng nước giải khát có ga, cơ bản vẫn là sân chơi của hai công ty lớn Coca Cola và PepsiCo, thì sự khác biệt ở mảng nước ép hoa quả là sự thống lĩnh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Tribeco, Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế Wonderfarm đã tung ra thị trường nhiều loại nước trái cây: táo, xoài, nho, mãng cầu... để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, thị trường đầu ra chính của ngành hàng nước giải khát không cồn là thị trường nội địa, với khoảng 85% doanh số toàn ngành. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Nafoods Group… cũng đã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, với doanh thu ngày một gia tăng.

Đơn cử, như Nafoods Group những năm gần đây cũng chuyển đổi khá nhanh từ công ty sản xuất nước giải khát có gas bằng hương liệu sang mô hình doanh nghiệp với ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến xuất khẩu theo chuỗi khép kín. Nếu năm 2010, Công ty đạt doanh thu xuất khẩu  10 triệu USD, năm 2015 cán mốc 25 triệu USD với các sản phẩm chủ lực gồm nước ép trái cây; rau củ quả tươi, đông lạnh; nước uống bổ dưỡng…

Theo khảo sát của VBA, do nhu cầu thị trường nội địa còn rất lớn, nên hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát đều cho biết “sẽ tăng sản lượng trên mức 20% so với năm 2015, đặc biệt với nhóm sản phẩm nước ép hoa quả sử dụng trái cây tươi”.

“Nhóm sản phẩm nước trái cây sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình đạt 17,5%/năm trong vòng 5 năm tới, tuy nhiên, thị phần của các nhà sản xuất lớn vẫn có nguy cơ bị chia sẻ với các nhà sản xuất mới”, VBA dự báo.

Vinamilk cam kết cải thiện thể trạng người Việt
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị khoa học “Dinh dưỡng lâm sàng” do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tại Bệnh viện C Đà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư