Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Thị trường vàng "bình ổn" sau tuần lễ giảm giá sâu
Phạm Anh - 13/11/2023 12:55
 
Cả vàng trong nước và quốc tế đều không có nhiều biến động trong phiên giao dịch đầu tuần. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 12 triệu đồng/lượng.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 69,5 - 70,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chiều mua vào tăng 200 nghìn đồng/lượng so với tuần trước. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán được rút ngắn ở khoảng 800 nghìn đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 12 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng không có nhiều biến động và vẫn giữ ở mức thấp, dưới cột mốc 1.950 USD/ounce trong phiên giao dịch đầu tuần này.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,14% xuống 1.934,76 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,07% lên 1.939,1 USD/ounce.

Theo đó, giá vàng đã giảm sâu sau khi đón nhận thông tin Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ triển vọng nợ công của Mỹ từ mức "ổn định" xuống mức "tiêu cực," dù vẫn giữ xếp hạng của nước ở mức cao nhất là AAA.

Nguyên nhân được đưa ra là do Moody's dự đoán thâm hụt tài chính của Mỹ vẫn sẽ rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ khi Mỹ chưa có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc tăng doanh thu của chính phủ trong bối cảnh lãi suất ở mức cao.

Sự việc diễn ra sau khi Bộ Ngân khố Mỹ bán ra số trái phiếu kỳ hạn 30 trị giá 24 tỷ USD trong một cuộc đấu giá đáng thất vọng.

Đây là lần thứ 2 trong năm Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Hồi tháng 8/2023, Fitch hạ xếp hạng của nước này từ -AAA xuống AA+ còn Standard & Poor's đã đánh giá ở mức AA+ từ năm 2011. Không chỉ thế, niềm tin của người Mỹ về nền kinh tế đang trở nên u ám hơn khi lãi suất đang ở mức cao nhất trong 22 năm và tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ chậm lại. Đây là tháng thứ tư liên tiếp niềm tin trở nên “tồi tệ” sau bước cải thiện trong mùa Hè.

Kỳ vọng của người Mỹ về tỷ lệ lạm phát trong năm tới đã tăng lên 4,4% trong tháng 11 - tăng so với mức 4,2% của tháng 10. Con số này tăng rõ rệt so với mức 3,2% của tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Đây là dấu hiệu đáng lo ngại với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi mà kỳ vọng lạm phát dài hạn đã tăng lên 3,2% trong tháng này, mức cao nhất từ năm 2011. Đồng nghĩa Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa, mặc dù chưa rõ khi nào khả năng đó có thể xảy ra.

Nỗi lo lạm phát cùng với dữ liệu về bán lẻ nếu như yếu hơn so với dự kiến có thể sẽ là cơ hội khiến cho tác dụng trú ẩn của vàng có cơ hội phát huy.

Barbara Lambrecht, nhà phân tích hàng hóa tại Commerzbank, cho rằng mặc dù lạm phát nóng hơn dự kiến có thể đè nặng lên vàng, nhưng bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào cũng có thể được coi là cơ hội mua vào.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,06% xuống 105,8 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 13/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.015 đồng/USD, tăng 1 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.813 - 25.215 đồng/USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.150 đồng/USD (mua vào) và 24.520 đồng/USD (bán ra), tăng 50 đồng/USD so với cuối tuần. 

Giá vàng miếng SJC “tụt” sâu, chênh giá mua - bán cả triệu đồng
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi lên, đảo ngược xu hướng của tuần trước đồng thời "dìm" giá vàng xuống dưới 1.980 USD/ounce. Đồng USD...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư