Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thiên Nam lợi nhuận giảm, nặng gánh nợ vay
Lâm Vũ - 07/06/2021 09:50
 
Các sản phẩm sắt thép giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam (mã TNA) lại kém khả quan trong quý đầu năm.
Thép dây wire rod – mặt hàng chủ lực của Thiên Nam Group
Thép dây wire rod – mặt hàng chủ lực của Thiên Nam Group.

Lợi nhuận giảm, dòng tiền âm

Kết thúc quý đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Thiên Nam cho biết, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thu về vỏn vẹn 5,4 tỷ đồng, giảm đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện 0,44 điểm phần trăm, lên 5,17%, giúp lợi nhuận gộp thu về đạt 57,2 tỷ đồng, tăng 10,2% so với quý I/2020. Tuy vậy, các khoản chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng vọt khiến lợi nhuận trước thuế giảm đến 41,46% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt vỏn vẹn 7,2 tỷ đồng.

Không chỉ giảm lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh của Công ty trong quý đầu năm cũng không mấy khả quan khi ghi nhận âm gần 45 tỷ đồng do nhu cầu vốn lưu động gia tăng tại các khoản mục phải thu, tồn kho khiến Công ty phải gia tăng vay nợ ròng thêm gần 67 tỷ đồng.

Hoạt động trong 5 lĩnh vực là kinh doanh sắt thép, phân phối thực phẩm ngoại nhập, bất động sản, điện máy, đầu tư giáo dục, trong đó, mảng kinh doanh sắt thép vẫn là lĩnh vực kinh doanh chính, đóng góp trên 90% doanh thu hàng năm. Kết quả kinh doanh của Thiên Nam trong quý đầu năm không mấy khởi sắc với doanh thu đi ngang, lợi nhuận sụt giảm, trái ngược với sự khởi sắc trong kết quả kinh doanh của một loạt doanh nghiệp cùng ngành trong bối cảnh giá các loại sắt thép liên tục tăng nóng suốt từ đầu năm.

Các lĩnh vực kinh doanh khác được Công ty phát triển nhằm giúp cải thiện mức biên lợi nhuận gộp vốn khá mỏng của mảng thương mại cũng như đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là mảng bất động sản được tập trung mở rộng bằng cách thuê và cho thuê lại mặt bằng văn phòng, tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án, hợp tác đầu tư phát triển dự án bất động sản với một số đối tác, nhưng đến nay đóng góp vào kết quả kinh doanh vẫn chưa đáng kể.

Trước đó, trong năm 2020, kết quả lợi nhuận trước thuế của Thiên Nam cũng đã giảm 66% so với năm 2019, chỉ đạt 57 tỷ đồng. Dù có lợi nhuận, nhưng dòng tiền kinh doanh của Thiên Nam trong năm 2020 cũng âm đến 247 tỷ đồng do các khoản phải thu và tồn kho tăng vọt, khiến một mặt Công ty phải vay nợ ròng tăng thêm gần 200 tỷ đồng, mặt khác là số dư tiền và tiền gửi các loại giảm mạnh hơn 50% so với đầu năm.

Áp lực nợ vay lớn

Tính đến cuối quý I/2021, báo cáo tài chính của Thiên Nam cho biết, quy mô tổng tài sản đạt 2.297 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm, chủ yếu do sự gia tăng giá trị tại khoản mục phải thu và tồn kho. Cơ cấu tài sản khá mất cân đối, khi tài sản ngắn hạn là 2.038,5 tỷ đồng, nhưng tài sản dài hạn chỉ có 258,8 tỷ đồng, chiếm 17%.

Giá trị hàng tồn kho của Công ty là 1.050,3 tỷ đồng, chiếm 45,7% tổng tài sản và tăng 13,4% so với đầu năm. Trong đó, tồn kho hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 931 tỷ đồng. Đối với khoản phải thu, giá trị phải thu ngắn hạn hiện đạt 887,6 tỷ đồng, chiếm 38,5% tổng tài sản (trong đó có 691,3 tỷ đồng phải thu của khách hàng).

Với việc giá các sản phẩm thép trên thị trường liên tục tăng thời gian qua, giúp các doanh nghiệp tồn trữ được hàng hóa, nguyên vật liệu giai đoạn giá thấp hưởng lợi nhờ chêch lệch giá đầu vào thấp, trong khi giá bán trên thị trường tăng, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp, thì tại Thiên Nam điều này dường như chưa được phản ánh vào lợi nhuận. Trong khi đó, rủi ro ngày càng gia tăng nếu xu hướng tăng giá thép đảo chiều, Công ty sẽ có nguy cơ phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Đối với giá trị khoản phải thu lớn hơn nhiều các khoản phải trả (cụ thể là phải trả người bán) đang không chỉ khiến Công ty bị chiếm dụng lượng vốn lớn, mà hệ quả là phải đẩy mạnh vay nợ ngắn hạn để tài trợ, dẫn đến tốn kém chi phí lãi vay mà còn tiềm ẩn nguy cơ về khả năng các khoản nợ bị chuyển đổi thành nợ xấu ăn mòn lợi nhuận vốn đã khá mỏng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối quý I/2021, cơ cấu vốn của Thiên Nam đang nghiêng về phía nợ phải trả với giá trị 1.727,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 75,2%. Trong đó số dư nợ vay lên đến 1.205,1 tỷ đồng, chiếm 52,5% cơ cấu nguồn vốn với gần như toàn bộ là các khoản nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên đến 2,1 lần.

Trong khi việc lập dự phòng phải thu, tồn kho vẫn còn là nguy cơ trong tương lai, thì trước mắt, chi phí lãi vay đang là gánh nặng hiện hữu của Thiên Nam. Riêng trong quý đầu năm nay, chi phí lãi vay của Công ty là 20,8 tỷ đồng, chiếm 2/3 lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa gồm hoạt động tài chính tạo ra). Trong năm 2020, tỷ lệ này cũng lên đến 68,3%.

Trung Quốc thay đổi chính sách thuế với sắt thép: Ngành thép Việt Nam có hưởng lợi?
Khi nhu cầu tiêu thụ thép nội địa được dự báo tiếp tục tăng cao, cùng với việc Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu sắt thép sẽ làm lợi chung cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư