Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thiết kế thủ tục đặc biệt dành cho các nhà đầu tư chiến lược
Khánh An - 31/08/2024 09:22
 
Một thủ tục đầu tư đặc biệt dành cho các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đặc biệt quan trọng với nền kinh tế đang được thiết kế.
Các dự án công nghệ cao có thể được thực hiện cơ chế thủ tục “luồng xanh”.  Ảnh: Đức Thanh

Rất cần cơ chế “luồng xanh”

Có nhà đầu tư đang muốn triển khai giai đoạn II của dự án, nhưng khá nhiều vướng mắc về thủ tục trong giai đoạn I khiến họ không khỏi ngần ngại. Nhưng có thể sắp tới, nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn, chiến lược trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao… sẽ rất thuận lợi.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh chia sẻ như vậy khi tiếp cận các đề xuất cụ thể đầu tiên về thủ tục đầu tư đặc biệt mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thiết kế nội dung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu.

Theo đề xuất đang được thảo luận, hoàn thiện, các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, như công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, công nghệ mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch… có thể được thực hiện cơ chế thủ tục “luồng xanh”.

Cụ thể, các dự án thuộc diện “được chọn” sẽ không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp nhận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Có nghĩa, nếu tính trung bình, thời gian tiết kiệm được so với việc thực hiện đầy đủ các thủ tục ít nhất là 250 ngày và nhiều nhất là… không tính được.

Theo quy định hiện hành, mỗi thủ tục yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện, như thủ tục xây dựng; một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.

Như vậy, theo các ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, việc cắt giảm được lượng thời gian “không biết bao nhiêu là nhiều nhất” này không chỉ là giảm chi phí, mà còn giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực đòi hỏi rất cao về thời gian.

“Quan trọng là các nhà đầu tư sẽ tin tưởng, thấy rõ sự hỗ trợ, ủng hộ của cơ quan quản lý nhà nước với các dự án mà nền kinh tế Việt Nam đang cần”, ông Long nhấn mạnh.

Vẫn đang đợi lời giải

Giải trình về các thiết kế được cho là rất đột phá, ông Đặng Xuân Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm rõ, cơ chế “tiền đăng - hậu kiểm” không dành cho tất cả dự án. Các dự án được lựa chọn thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt cần thu hút đầu tư, nhưng các dự án này phải thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.

“Đây là địa bàn đã được đầu tư đầy đủ, thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường…), đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy; có quy hoạch chung về xây dựng… Những rủi ro của việc rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư được kiểm soát và hạn chế tối đa”, ông Quang làm rõ.

Bà Nguyễn Mỹ Ngọc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đề nghị, bên cạnh giải quyết nhanh về quy trình, thủ tục, các nhà đầu tư thuộc nhóm cần đặc biệt mời gọi quan tâm đến các yêu cầu về hạ tầng, như năng lượng sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hơn thế, các nhà đầu tư sẽ phải thực hiện cam kết về mục tiêu, quy mô, công nghệ, tiến độ thực hiện dự án, việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, công nghệ, phòng cháy, chữa cháy…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung đang được thảo luận, làm rõ trong các điều khoản cụ thể, đặc biệt là cơ chế giám sát, hậu kiểm các dự án đã vào theo “luồng xanh” như thế nào; việc phối hợp thực hiện hậu kiểm ra sao khi các nội dung cần hậu kiểm thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý nhà nước…

Về nội dung này, ý kiến từ các ban quản lý các khu công nghiệp cho rằng, cần có “cam kết mẫu” để các nhà đầu tư không “cam kết thiếu” so với mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước và cũng không cam kết thừa. Sự khác biệt về tiêu chí, tiêu chuẩn - như tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy của các nước G7 cao hơn của Việt Nam, nhưng không được chấp nhận vì không đúng với tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ xử lý thế nào…

Đặc biệt, một số chuyên gia đề xuất cơ chế cánh bảo sớm cho các nhà đầu tư cũng như cơ chế để các nhà đầu tư khắc phục các vi phạm không nghiêm trọng, tránh tình trạng bị dừng hoạt động. “Cơ chế giám sát, hậu kiểm không chỉ để thực hiện trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, mà còn để bảo vệ chính các nhà đầu tư mà chúng ta cạnh tranh để thu hút được”, đại diện Bộ Tư pháp góp ý.

Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng rất quan tâm. Bà Nguyễn Mỹ Ngọc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc một mặt chờ đợi thủ tục được minh bạch, rõ ràng, mặt khác đang đề xuất những yêu cầu cụ thể hơn.

“Việc thực hiện các thủ tục nhanh gọn rất phù hợp với các dự án có hàm lượng công nghệ cao, nhưng cần đảm bảo việc thực hiện. Có thể có một tổ hỗ trợ nhà đầu tư 24/7 tại các ban quản lý để đảm bảo các vấn đề, vướng mắc, nếu có, đều được hỗ trợ ngay”, bà Ngọc đề xuất.

Vốn đầu tư từ Đài Loan: Hết “đại bàng”, chờ đón “chim sẻ”
Nhiều “đại bàng” Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Giờ là lúc có thể tận dụng cả “bồ câu và chim sẻ”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư