Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Thịt heo an toàn: Ai giám sát từ trại nuôi tới tay người tiêu dùng?
Như Loan - 17/12/2015 12:02
 
Phần lớn thịt heo (thịt lợn) trên thị trường hiện nay vẫn xuất phát từ các hộ nuôi nhỏ lẻ, việc giám sát chất lượng thịt từ chuồng, trại nuôi đến tay người tiêu dùng là nhiệm vụ gần như "bất khả thi".

Mua thịt heo sạch không dễ

TP. HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước có sản phẩm thịt heo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đến được chợ truyền thống (hiện bán tại chợ Hòa Bình, quận 5) sau 5 năm triển khai mô hình này dưới sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP).

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, thịt an toàn là nguồn thịt được giám sát chặt chẽ từ trại nuôi đến tay người tiêu dùng. Theo đó, khác với phương thức chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi phải được tập huấn về kỹ thuật, xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn, ngoài nguồn nước sử dụng cho heo phải sạch thì nguồn nước thải từ vật nuôi cũng phải được kiểm soát qua hệ thống bioga và làm sạch trước khi thải ra môi trường.

Nhiều người khi nghe tin có thịt heo an toàn bán tại chợ truyền thống đã không tiếc công đứng xếp hàng tại các cửa hàng phân phối, chờ đến lượt mua. Rất nhiều người tiêu dùng  khi được hỏi đã cho rằng, họ đến mua không phải vì mức giá ưu đãi, được các doanh nghiệp hỗ trợ bán bằng giá thịt heo trên thị trường mà sản phẩm này giúp họ tránh được nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Nguyễn Hải Yên, ngụ tại quận 6 cho biết, lợi ích từ việc sử dụng thịt heo sạch đối với chị và nhiều bà nội trợ khác là giảm các mối nguy đối với sức khỏe của bản thân và thành viên trong gia đình.

“Nghe nói, khi được bán rộng rãi, giá thịt heo an toàn có thể tăng thêm một vài mức bù chi phí cho người nuôi, nhưng chúng tôi sẵn sàng nếu sản phẩm đó đem lại sự yên tâm vì lợi ích về sức khỏe được đảm bảo…”, chị Yên chia sẻ.

Ông Nguyễn Phước Trung thừa nhận, hiện tỉ lệ heo đạt tiêu chuẩn an toàn còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại Thành phố lên đến vài trăm tấn mỗi ngày. Do đó, nếu có sự tham gia của những doanh nghiệp có mô hình chăn nuôi theo chuỗi với quy mô lớn có thể tháo gỡ được những khó khăn  này. Theo tìm hiểu, hiện Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) đã phát triển hệ thống kiểm soát sản xuất thịt heo khép kín 3F “Feed-Farm-Food” cung cấp nguồn sản phẩm sạch ra thị trường.

Khó giám sát từ trang trại tới bàn ăn

Nguyên nhân khiến tỷ lệ thịt heo sạch đưa ra thị trường còn hạn chế, theo ông Nguyễn Phước Trung, là bởi để tổ chức chuỗi thịt heo an toàn từ trang trại đến bàn ăn không hề dễ dàng, ngay cả tiêu chuẩn VietGAP, dù được hỗ trợ từ LIFSAP nhưng cũng mất khá nhiều năm sản phẩm sạch này mới đến được tay người tiêu dùng. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp giết mổ, phân phối thịt không mặn mà tham gia chuỗi khép kín này, khiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vẫn “hẹp” đầu ra, chấp nhận bán như thịt heo thường.

TS. Kiều Minh Lực, Giám đốc Trung tâm Di truyền giống, Công ty CPV cho rằng, với xu hướng mở cửa thị trường chăn nuôi theo các Hiệp định thương mại, nếu người nuôi vì lợi nhuận trước mắt, đưa những chất cấm (tăng trọng, siêu nạc…) vào thức ăn cho vật nuôi, không chỉ gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng về lâu dài mà còn làm phương hại đến uy tín và năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.

thức ăn chăn nuôi CPV, Công ty CP Việt Nam
CPV đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn có đầy đủ các yếu tố về cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.

 

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cảnh báo, tình hình vi phạm có xu hướng gia tăng cả về phạm vi lẫn mức độ. Khi cơ quan này tăng cường kiểm tra, bộ phận thương nhân đã tìm cách đưa heo ra ngoài giết mổ rồi chuyển thịt về thành phố tiêu thụ nhắm né kiểm soát. Điều đáng ngại là theo số liệu của Cục Thú y, cả nước vẫn còn tồn tại hơn 28 nghìn cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm…Việc khó giám sát chất lượng thịt heo từ trang trại, chuồng nuôi đến bàn ăn của người dân vẫn là hạn chế lớn khiến người tiêu dùng phải chấp nhận "sống chung" với thịt heo không an toàn.

Trong khi đó, dù thịt heo sạch ra đến chợ, nhưng số lượng còn rất hạn chế trong khi nguồn thịt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vẫn  chưa được dẹp bỏ. Lãnh đạo ngành nông nghiệp gọi đó là sự bấp bênh, và muốn thịt an toàn được phổ biến còn phải trông chờ vào sự tiếp nhận từ phía người tiêu dùng, vì trong chuỗi sản phẩm này họ nắm vai trò rất lớn..

Mô hình 3F của CPV: “Feed” là thức ăn chăn nuôi được CPV đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn có đầy đủ các yếu tố về cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua chất thải. “Farm” là trang trại chăn nuôi phát triển theo quy mô công nghiệp, vật nuôi được bố trí trong điều kiện trại kín, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh, sử dụng điều hòa nhiệt độ làm mát nhằm ngăn chặn dịch bệnh và “Food” là heo thịt được quản lý nguồn gốc một cách nghiêm ngặt, hoàn toàn không chứa chất tạo nạc hay bất kì hóa chất nào nằm trong danh mục chất cấm của Cục Chăn Nuôi…
Bộ Nông nghiệp lập đường dây nóng tố giác sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa mở đường dây nóng tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tố cáo về dấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư