Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thời điểm “vàng” cho đầu tư phát triển du lịch nội địa
Hồng Phúc - 23/01/2021 15:30
 
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, trong khi thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì đây là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa.

Kỳ vọng thị trường du lịch nội địa sôi động hơn giai đoạn trước dịch

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020 về liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021 vừa được tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức, bà Phan Thị Thắng cho biết, thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến TP.HCM hàng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành ĐBSCL. 

Theo cơ cấu tổng thu từ khách du lịch đến TP.HCM năm 2019, mặc dù chi tiêu khách quốc tế bằng 1,8 lần chi tiêu của khách nội địa, song, thu từ khách du lịch nội địa chiếm gần 60% trong tổng thu từ khách du lịch của Thành phố. 

Đối với du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì đây vẫn là nguồn thu chính. 

.
Du khách tham quan cầu đi bộ đầu tiên của thành phố Cần Thơ nối liền bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế (Ảnh: Hồng Phúc).

TP.HCM và cách tỉnh ĐBSCL đã xây dựng được thương hiệu du lịch vùng thống nhất về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, giá trị bản sắc thương hiệu du lịch liên kết vùng, thiết kế biểu tượng (logo) và tiêu đề thương hiệu (slogan).

“Cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa trong năm 2021 sôi động trở lại, thậm chí phải đặt mục tiêu sôi động hơn cả giai đoạn trước dịch. Bởi lúc này không có sự cạnh tranh với các thị trường nước ngoài mà chỉ là làm thế nào “để mỗi người dân đều muốn bước ra khỏi nhà, đi du lịch đây đó ở Việt Nam””, bà Phan Thị Thắng đề nghị.

Tiếp tục xin chủ trương lập Hội đồng vùng liên kết phát triển du lịch 

UBND TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xin chủ trương thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng, với 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá cao sáng kiến thành lập Hội đồng Vùng và thống nhất để “TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thành lập Hội đồng liên kết phát triển du lịch”. 

Đồng thời, đơn vị này khẳng định sẽ phối hợp với Hội đồng triển khai các hoạt động phát triển du lịch vùng theo kế hoạch. 

Do việc thành lập Hội đồng Vùng là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ (Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Vùng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân 13 địa phương), nên Tổ trưởng Tổ giúp việc/Sở Du lịch TP.HCM đã gửi dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiếp tục lấy ý kiến của UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL. 

Đồng thời, xin ý kiến các Thành viên về cách thức ký ban hành Quyết định thành lập Hội đồng và ban hành Quy chế Tổ chức, hoạt động của Hội đồng Vùng.  

.
Du khách mua trái cây tại chợ nổi Cái Răng- Cần Thơ (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngoài ra, TP.HCM đã chủ trì xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến quốc tế mời gọi đầu tư du lịch vào Thành phố và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch đại dịch nên việc mời các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa thể thực hiện được. 

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. ĐBSCL còn phải gánh thiệt hại “kép” từ dịch bệnh và khô hạn. 

Năm qua là giai đoạn hết sức khó khăn của cả nước, trong đó có TP.HCM và ĐBSCL nói riêng. 

“Tuy trong hoàn cảnh khó khăn nhưng phải thấy rằng các doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời luôn ở tinh thần sẵn sàng vào cuộc để chia sẻ công tác phòng chống dịch và tinh thần “bật trở lại” mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới”, bà Phan Thị Thắng chia sẻ và gợi ý 7 giải pháp phát triển thị trường du lịch nội địa.

Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp lữ hành, các khu điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch đánh giá các sản phẩm du lịch liên kết vùng đã triển khai thực hiện cũng như việc thực hiện các chính sách kích cầu du lịch. 

Từ đó, kịp thời báo cáo những vướng mắc cho cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương để cùng tháo gỡ, tránh sự “đứt gãy” trong chuỗi giá trị, thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. 

Các doanh nghiệp du lịch lớn như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Du lịch Bến Thành, Vietravel,... cần xúc tiến rộng hơn các chương trình liên kết và đầu tư nâng chất điểm đến trong chùm tour, hoạt động hiệu quả hơn để tạo sức lan tỏa. 

Đồng thời, các “đầu tàu” trong ngành cần động viên các doanh nghiệp khác cùng thực hiện, góp phần tăng lượt khách đến với Thành phố và các tỉnh, thành ĐBSCL. 

Ngoài ra, cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, theo dõi tình hình dịch các nước là thị trường trọng điểm; kết hợp với các đơn vị phân tích dữ liệu quốc tế như Google, Euromonitor để nắm bắt kịp thời tâm lý của du khách quốc tế. 

Đối với những quốc gia đã có sự kiểm soát tốt dịch cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL là vùng du lịch an toàn và vẫn đang sống động. 

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh cần phát huy tối đa vai trò “đầu mối” - nhận khách đến và đưa về các địa phương thông qua các chương trình tour liên kết. 

Bên cạnh các hoạt động thu hút khách, trong tình hình dịch bệnh mặc dù đã được kiểm soát nhưng cũng không thể chủ quan, lơ là. 

Do vậy, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng như tổ chức các buổi làm việc trực tuyến, trao đổi, chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời.  

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: Thị trường du lịch đã bắt đầu ấm lên
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận định, thị trường du lịch đã bắt đầu ấm lên, chứng tỏ hiệu ứng tích cực của chương trình kích cầu du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư