Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thời trang xa xỉ cứu vãn tình thế nhờ kênh online
Anh Hoa - 07/07/2020 09:40
 
Các hãng thời trang xa xỉ trên toàn cầu đang tìm mọi cách làm thỏa mãn “cơn khát” mua sắm thỏa thích của giới siêu giàu với các giao dịch online.
Với sự phát triển của công nghệ, các tín đồ thời trang có thể trải nghiệm sản phẩm trực tuyến như trên không gian thực khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.
Với sự phát triển của công nghệ, các tín đồ thời trang có thể trải nghiệm sản phẩm trực tuyến như trên không gian thực khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.

Bước đi mạnh mẽ với thương mại điện tử

Vũ Quỳnh Hương một “yêu nữ hàng hiệu” nổi tiếng ở Hà Nội. Hồi đầu tháng 4, thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, cũng như nhiều tín đồ hàng hiệu xa xỉ khác, Hương không thể ra ngoài mua sắm, nhưng không ngừng bị ám ảnh bởi đôi bông tai với vòng tròn đính kim cương, gói gọn vẻ đẹp biểu tượng của thương hiệu xa xỉ đến từ Italia - Bvlgari.

Ngày 21/5, Hương là một trong những khách hàng đầu tiên chọn mua sản phẩm đó khi Bvlgari công bố ra mắt cửa hàng trực tuyến. Với trải nghiệm 360 độ độc quyền và thu hút mọi mặt, cửa hàng online của Bvlgari cung cấp các dịch vụ tương đương với cửa hàng thực đang phải đóng cửa do phong toả.

Nền tảng thương mại điện tử mới của Bvlgari là một trong những bước đi mạnh mẽ để cứu vãn tình thế. Cửa hàng trực tuyến của hãng này sử dụng hình ảnh sản phẩm định dạng 3D và các tính năng thực tế ảo tăng cường (AR), cho phép người tiêu dùng cảm nhận kích thước chuẩn của túi Bvlgari như trên không gian thực.

Việc các thương hiệu cao cấp cho ra mắt cửa hàng ảo không phải là một xu hướng mới. Từ năm 2018, Valentino đã ra mắt một cửa hàng ảo dưới định dạng 3D trên Tmall, mô phỏng một cửa hàng pop-up của Hãng tại Bắc Kinh. Đầu năm nay, Burberry cũng ra mắt tính năng mua sắm sử dụng công nghệ AR thông qua Google Search.

Các nhân viên của thương hiệu thời trang đình đám Louis Vuitton cũng duy trì kết nối với khách hàng thông qua việc chia sẻ các chương trình khuyến mãi độc quyền nhờ mã QR, giúp giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh số bán hàng. Louis Vuitton cũng chuyển các dịch vụ tư vấn và hậu mãi lên nền tảng trực tuyến để duy trì trải nghiệm mua sắm xuyên suốt cho người tiêu dùng. Ngoài ra, Hãng còn hợp tác với SF Express để đảm bảo việc giao hàng diễn ra thuận lợi.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) - thành viên của IPPG tiếp tục chứng tỏ vị thế độc tôn của mình trong ngành thời trang xa xỉ tại Việt Nam khi đưa Jacqueline Boutique online vào hoạt động. IPPG đang chiếm lĩnh 70% thị phần hàng hiệu cao cấp và phân phối cho hơn 100 thương hiệu nổi tiếng thế giới với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 20%/năm.

Những cái tên “hot” nhất làng mốt hiện nay như: Dolce&Gabbana, Burberry, Balmain,  Oscar de la Renta, Marchesa, Marchesa Notte, Zuhair Murad, Zimmermann, Stella McCartney, Versace, Roberto Cavalli, Jimmy Choo, Bally, Emporio Armani, Giuseppe Zanotti, Salvatore Ferragamo, Missoni… sẽ được Jacqueline Boutique online tập trung khai thác.

IPPG chưa tiết lộ cụ thể về chiến lược hoạt động của Jacqueline Boutique online, nhưng có thể nói, việc đầu tư công nghệ online, với ý tưởng tạo ra trải nghiệm cá nhân độc đáo cho giới nhà giàu của các hãng thời trang, phụ kiện xa xỉ là bước đi thông minh và hợp thời. Bởi, Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của các tín đồ thời trang, khiến người dùng quan tâm nhiều hơn đến các kênh mua sắm online.

“Giữ chân” người dùng cũng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các thương hiệu thời trang xa xỉ, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển chậm dần do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid -19. Mặc dù thị trường Mỹ vẫn chiếm khoảng 44% doanh số hàng xa xỉ toàn cầu, nhưng theo Bain & Co., châu Á, thậm chí khu vực Đông Nam Á đang trở thành động lực tăng trưởng mới của các thương hiệu này.

Trên thực tế, nhiều thương hiệu hàng xa xỉ đã hợp tác với các hãng thương mại điện tử Trung Quốc để cung cấp dịch vụ giao hàng sang chảnh, điều hiếm thấy ở Mỹ. Họ hy vọng thu hút những người tiêu dùng trẻ tuổi, đối tượng bắt đầu tìm kiếm trang sức, quần áo thiết kế riêng hoặc phụ kiện.

Đầu năm 2019, JD.com và Farfetch Ltd. đã ký thỏa thuận sáp nhập trang bán hàng xa xỉ Toplife của JD với Farfetch (Trung Quốc). Thỏa thuận này cho phép các khách hàng của JD tiếp cận hơn 1.000 thương hiệu xa xỉ đang bán trên hệ thống của Farfetch.

Giới phân tích nhận định, hành vi chi tiêu của giới siêu giàu có thể thay đổi ngoạn mục trong một hoặc hai năm tới.

Claudia D’Arpizio, nhà phân tích cấp cao của Công ty Nghiên cứu thị trường Bain cho rằng, trong tương lai gần, thay vì dành tiền cho các trải nghiệm như du lịch, phi cơ, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng đông đúc, giới siêu giàu sẽ tập trung mua hàng thực. Đáng chú ý, phụ kiện xa xỉ như giày thể thao, túi xách vẫn là những sản phẩm được giới siêu giàu đặt mua với giá “không tưởng” trong tình hình suy thoái kinh tế.

Thậm chí, các tín đồ liên tục mua, sưu tầm hàng hiệu cũ nhằm thỏa mãn sở thích. Ông Tạ Xuân Hiển, Giám đốc điều hành Joolux (chuyên trang trao đổi, mua bán hàng hiệu đã qua sử dụng) cho rằng, các giao dịch trên trang tăng do người trẻ, giới thượng lưu có nhiều thời gian chăm sóc tủ đồ của mình trong kỳ giãn cách xã hội. Họ bán những chiếc túi không dùng để có chỗ cho những món hàng mới.

“Nhận dạng” giới siêu giàu khi sở hữu hàng xa xỉ

Các tín đồ hàng xa xỉ đang có xu hướng “canh” các chiến dịch flash-sale - một hình thức giảm giá chớp nhoáng trên các trang web bán hàng hiệu sale uy tín với thời gian giới hạn. Diễn ra trong 1 - 2 ngày với mức giảm giá đến 80%, flash-sale đã khiến ước mơ sở hữu những sản phẩm cao cấp của các tín đồ thời trang không còn quá xa vời.

Các trang web bán hàng hiệu sale nhận hàng từ nhà thiết kế và các thương hiệu nổi tiếng sau khi đợt giảm giá chính thức của họ kết thúc. Khách hàng chỉ cần đăng ký tài khoản và thanh toán bằng thẻ visa quốc tế. Hạn chế duy nhất từ các trang web này là thời gian giao hàng có thể lên đến 4 tuần. Tuy nhiên, điều đó không quá quan trọng với những tín đồ mua sắm. 

The Ounet, The Secret Sales, Cocosa, Net-a-Porter, Ssense là các trang web bán hàng hiệu sales được các tín đồ thời trang rất tín nhiệm. Theo một nghiên cứu, có hơn 60% khách hàng cho rằng, hàng xa xỉ là phải đắt tiền, nhưng phải cho họ hưởng ưu đãi rất cao để mang lại cho họ cảm giác chiến thắng. Các thương hiệu xa xỉ  không giảm giá, nên người mua hàng xa xỉ thường có được cảm giác chiến thắng vì nhiều người khác không mua được sản phẩm đó. Đương nhiên, những người siêu giàu thường rất thích là người chiến thắng.

Vậy nên, những trang web săn hàng giảm giá này sẽ là các đối thủ chính của các trang web bán online chính thức của các hãng thời trang.

Việc nghiên cứu động lực mua sắm của người tiêu dùng ở các quốc gia là rất cần thiết, giúp những nhà sản xuất hàng xa xỉ và các thương hiệu thời trang vạch ra mục tiêu, chiến lược phù hợp với từng khu vực cụ thể.

Chẳng hạn, ở Mỹ, chủ nghĩa hưởng thụ là trên hết, khách thường mua hàng hóa để tự thỏa mãn sự đam mê, yêu thích, chứ không phải để làm hài lòng người khác. Các yếu tố khác như chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã của mặt hàng xa xỉ không phải là mối bận tâm của họ, vì họ mua để vui là chính. Điều này cũng diễn ra tương tự ở các nước có nền kinh tế phát triển như Brazil, Ấn Độ.

Ngược lại, người tiêu dùng ở Đức, Italia, Hungary và Slovakia lại mua sắm hàng hiệu vì chức năng, tiêu chuẩn, chất lượng của món đồ, dựa trên uy tín của thương hiệu.

Trong khi đó, khảo sát ở Pháp lại cho thấy, người tiêu dùng đánh giá cao các mặt hàng xa xỉ vì chúng đắt tiền và độc quyền. Hầu hết câu trả lời là: “rất ít người sở hữu một sản phẩm sang trọng đích thực” hay “các sản phẩm cao cấp thực sự không thể được sản xuất hàng loạt”. Đó cũng là lý do các món đồ phiên bản giới hạn thường có nguồn gốc từ Pháp. Di sản văn hóa lâu đời, niềm tự hào về tay nghề thủ công cao cấp và lối sống xa hoa của các tầng lớp quý tộc đã khiến họ cảm thấy sự sang trọng không phải dành cho tất cả mọi người.

Trong khi đó, người châu Á lại mua hàng hiệu vì thích thể hiện. Các nền kinh tế đang phát triển chiếm hơn một nửa sức mua toàn cầu của các mặt hàng cao cấp, dẫn đầu là Trung Quốc, nơi dân số đã vượt 1,4 tỷ người.

Động cơ thúc đẩy người tiêu dùng tiếp cận các thương hiệu xa xỉ chính là mong muốn được chú ý. Một chiếc túi xách Louis Vuitton hay logo của Gucci chính là biểu tượng của sự thành công, là cách mà người giàu công khai “tôi là ai”.

Các dịch vụ mua hàng xa xỉ qua mạng tại châu Á, Đông Nam Á ngày càng thịnh hành. Sự phát triển của công nghệ và việc xuất ngoại dễ dàng mang lại cho người châu Á một số kinh nghiệm mua sắm khác nhau, từ đó dẫn đến những thay đổi nhất định trong nhận thức. Hiện nay, sự sang trọng không chỉ là yếu tố gây chú ý bên ngoài, họ đang cố gắng biến nó thành biểu hiện cá nhân xuất phát từ giá trị bên trong.

Doanh số thương mại điện tử đang tăng cao là điều không ai chối bỏ, nhưng để thương hiệu có thể tồn tại, các hãng luôn phải lựa chọn đối tác một cách thận trọng. Chẳng hạn, thông thường, các hãng luôn có quan điểm không nhảy vào bất cứ cơ hội nào sẵn có, nhưng sẽ có mặt ở nơi mà người tiêu dùng muốn mua sắm bằng nhiều cách. Trong đó, đáp ứng nhu cầu thỏa mãn cơn khát hàng xa xỉ của giới nhà giàu, siêu giàu qua việc tung ra giải pháp mua sắm online được cho là một bước tiến đáng ngạc nhiên, bởi xưa nay, các hãng thời trang, trang sức và đồng hồ xa xỉ rất chậm tiếp thu những gì kỹ thuật số mang lại.

Khách hàng giàu và siêu giàu cực kỳ khó tính, nhưng nhờ sự khó tính ấy, các hãng thời trang xa xỉ có cơ hội đáp ứng để trở thành khác biệt, bởi họ mang lại lợi nhuận siêu lớn.

Doanh số ngành xa xỉ phẩm toàn cầu suy giảm

McKinsey mới đưa ra tính toán, doanh số của ngành xa xỉ phẩm toàn cầu giảm 25 - 30% trong quý đầu tiên của năm 2020.

Về dự báo cho cả năm 2020, theo McKinsey, ngành xa xỉ phẩm toàn cầu cũng sẽ đi theo 3 kịch bản chung của thị trường, với các mức độ giảm sút được dự đoán là 15 - 18%, 22 - 25% và 30 - 35%.
Cuộc lột xác đầy ngoạn mục nhờ bán hàng đa kênh của thời trang Elise
Việc tập trung vào phát triển bán hàng đa kênh sẽ nâng tỷ lệ doanh thu bán hàng trực tuyến của Elise lên 10%, từ mức chỉ chiếm khoảng 1% như hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư