Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thu hồi sản phẩm cà phê giảm cân của Hoàng Gia Phát
D.Ngân - 08/04/2022 17:20
 
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu thu hồi sản phẩm cà phê giảm cân của Công ty Hoàng Gia Phát.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cà phê Hoàng Gia, SCB: 0101/TPBS/XNCB/2020. Quy cách: 30 gói/hộp.

Ảnh minh họa.

Đơn vị chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm là Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát, địa chỉ: Khu 11, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình; sản xuất tại Nhà máy Dược mỹ phẩm Lasva, địa chỉ: Kim Sơn, Sơn Tây, Hà Nội.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên tiến hành thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia.

Đồng thời đề nghị UBND huyện Yên Thủy, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình kiểm tra, giám sát việc chấp hành của Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát. 

Chi cục An toàn thực phẩm TP.Hà Nội và Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành kiểm tra, giám sát việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia.

Liên quan đến sản phẩm giảm cân, trước đó, Cục An toàn thực phẩm có quyết định thu hồi 2 sản phẩm quảng cáo hỗ trợ giảm cân là Feo dứa và viên uống thảo mộc Mộc slim do có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.

Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 

Vì vậy, từ tháng 10-2010, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine. 

Hiện tại, Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.

Theo FDA, Phenolphthalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH. Phenolphthalein từng được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng, nhưng hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư. 

Chính vì vậy, chất này đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện nay, chất này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả loại thuốc lưu hành tại Mỹ

Ngoài các sản phẩm giảm cân liên tiếp vi phạm về chất lượng, vấn nạn quảng cáo “thổi phồng” thực phẩm chức năng cũng đang là bức xúc.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay, trong hai năm 2020-2021 đã xử phạt vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm chức năng là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. 

Thậm chí, đơn vị vi phạm còn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh…

Qua thanh tra, kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên bán thực phẩm chức năng trái phép, thậm chí thuê cả người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai sự thật. 

Đại diện Cục An toàn thực phẩm thừa nhận cơ quan chức năng vì thế cũng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm. Cùng với đó là tình trạng một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Về giải pháp hạn chế và xử lý trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm kiến nghị hiện nay có tình trạng chỉ chú trọng giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, còn kiểm duyệt nội dung quảng cáo vẫn lơ là, cơ quan phát hành cần lưu ý.

Theo đó, tới đây, đề nghị khi sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính cần quy định, nếu doanh nghiệp nào đang vi phạm về quảng cáo thì tạm dừng tiếp nhận hồ sơ công bố, quảng cáo mới.

Một số chuyên gia thì đề xuất cần quy định trong luật rõ ràng trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nếu quảng cáo đó không phải do đơn vị làm thì khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan quản lý, tránh trường hợp khi kiểm tra thì lại báo là do ai đó quảng cáo chứ không phải mình, trong khi sản phẩm bán đi thì cũng nhận lợi nhuận.

Quảng cáo thực phẩm chức năng: Tâm địa của sự xảo trá và dối lừa - Bài 1: "Siêu thực phẩm" hay "siêu nổ"?
Thị trường thực phẩm chức năng hiện nay giống như một ma trận, trong đó ngập tràn những lời quảng cáo “siêu nổ”, thậm chí là xảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư