Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 02 tháng 10 năm 2024,
Thu hồi và tiêu hủy sản phẩm RAILEZA không đảm bảo chất lượng
D.Ngân - 02/10/2024 07:56
 
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản thông báo đến phòng y tế các quận, huyện, thị xã, các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thành phố về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm RAILEZA không đảm bảo chất lượng.

Sản phẩm RAILEZA - hộp 1 chai 120ml, số tiếp nhận Phiếu công bố: 94/22/CBMP-HY; số lô: 062024; NSX: 18/03/2024; HSD: 17/03/2027, Công ty cổ phần Oceanpharma (địa chỉ: Ô 45- LK1, KĐTM An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và nhà sản xuất là Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Quang Xanh (địa chỉ: thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Ảnh minh họa

Lý do là mẫu thử không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định; sản phẩm không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm.

Trước đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản 3188/QLD-MP ngày 26/9/2024 thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc sản phẩm RAILEZA nói trên.

Trong văn bản của Bộ Y tế nêu rõ, mẫu sản phẩm RAILEZA do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế lấy mẫu tại nhà thuốc Long Châu 468 (địa chỉ: 198 Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) để kiểm tra chất lượng và cho kết quả mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.

Theo Phiếu công bố: 94/22/CBMP-HY đã được Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cấp cho sản phẩm RAILEZA kê khai thành phần công thức sản phẩm bao gồm “Natri clorid, Sodium cacboxymethyl cellulose, Permethrin 1%, Vitamin E, Propan 1,2,3-triol sodium ether monolauryl sulphat, Coco betain, Acid oleic, Polyquatenium 10, Glycerine, Natri benzoate, Tetra sodium ETDA, Nước tinh khiết”.

Trên nhãn sản phẩm RAILEZA ghi: “Permethrin 1%”, “Đối tượng sử dụng: Người bị ngứa, chấy, ghẻ, ký sinh trùng trên da”. Permethrin, số đăng ký CAS No: 52645-53-1 (Tên hóa học: (±)-3- phenoxybenzyl 3-(2,2-dichlorovinyl)-2,2-dimethylcyclopropanecarboxylate) được sử dụng với vai trò là thuốc diệt côn trùng, thuộc họ thuốc Pyrethroid nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xếp vào nhóm thuốc diệt côn trùng (Mã ATC: P03AC04).

Căn cứ quy định về phân loại sản phẩm mỹ phẩm tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm và Hiệp định Hòa hợp mỹ phẩm ASEAN, sản phẩm RAILEZA nêu trên không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm.

Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội thông báo và yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm nêu trên.

Với phòng y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế đề nghị thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở.

Trước đó, về quản lý sản phẩm mỹ phẩm, Bộ Y tế đã có Văn bản chỉ đạo số 3873/BYT-VPB về vấn đề này, trong đó nêu rõ qua thông tin từ báo chí, thời gian qua phát hiện một số vụ việc liên quan đến việc cơ quan chức năng phát hiện và xử lý một số cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm giả, mỹ phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ được mua, bán trên các trang mạng xã hội gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc thủ tục hành chính về cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm đảm bảo tiến độ về thời gian, không gây phiền hà cho các doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm mỹ phẩm, tập trung về vấn đề nguồn gốc xuất xứ, thông tin quảng cáo.

Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thị trường địa phương thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các trường hợp sản xuất, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm giả, nhái nhãn hiệu hoặc quảng cáo sai lệch, quá phạm vi công dụng được công bố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mỹ phẩm Thuần Mộc không đạt chất lượng, bị thu hồi
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ban hành Công văn số 3137/QLD-MP gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đình chỉ, thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư