Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng duyệt tăng vốn Nhà nước xây cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 9.800 tỷ đồng
Anh Minh - 20/11/2024 20:15
 
Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) sau điều chỉnh sẽ lên tới 68,76% tổng mức đầu tư công trình.
Thi công hầm số 2 trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Thi công hầm số 2 trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1436/QĐ – TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức PPP đã được phê duyệt tại Quyết định số 20/QĐ – TTg ngày 16/1/2023.

Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 của Dự án là 14.114,781 tỷ đồng;  tổng mức đầu tư giai đoạn 2 sẽ được tính toán chính xác khi xác định được thời điểm bắt đầu thực hiện.

Thủ tướng cũng quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư Dự án giai đoạn 1. Theo đó, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác) là 4.314,781 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước tham gia là 9.800 tỷ đồng (trước đó là 6.580 tỷ đồng).

Nguồn vốn Nhà nước sẽ gồm vốn hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm cho toàn bộ Dự án).

Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 5.720 tỷ đồng (gồm 2.500 tỷ đồng giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và 3.220 tỷ đồng thuộc giai đoạn 2026 - 2030); vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dự án cũng được điều chỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện, trong đó giai đoạn 1 là từ 2020 đến năm  2026; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 22 năm 4 tháng. Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện sau năm 2026.

Nhà đầu tư được sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc.

Mức phí của Dự án sẽ thu theo các quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng, nhà đầu tư. Phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án thực hiện theo Điều 69, Điều 70 Luật PPP.

Dự kiến giá vé trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với hình thức thu phí kín, mức giá vé 5 nhóm phương tiện lần lượt là: 2.000 - 2.860 - 3.520 - 5.710 - 7.710 (đồng/km), định kỳ sau 3 năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có đánh giá để xem xét điều chỉnh giá vé sử dụng đường bộ của Dự án.

Thủ tướng cho phép Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo phụ lục III (dự án đường bộ qua các địa phương giao một địa phương làm cơ quan chủ quản) và phụ lục IV (dự án áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) của Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc Hội.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 và Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Cao Bằng chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh theo quy định và tiếp thu ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền và rà soát việc lựa chọn nhà đầu tư khi Dự án có điều chỉnh chủ trương đầu tư, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát các nội dung đã đàm phán ký kết Hợp đồng giữa các Bên, điều chỉnh hợp đồng Dự án BOT theo đúng quy định của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người dân.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà đầu tư), tính đến giữa tháng 11/2024, tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 87,4 km/93,35 km (tương đương 93,6%) trong đó tỉnh Cao Bằng đạt 41,1/41,55 km (tương đương 99%), tỉnh Lạng Sơn đạt 46,3/51,8 km (tương đương 90%).

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công “3 ca 4 kíp”, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao.

Hiện Dự án đã giải ngân được 1.429 tỷ đồng các nguồn vốn bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước, vốn nhà đầu tư huy động và 120 tỷ đồng vốn tín dụng.

Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư