Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Anh Minh - 21/04/2024 09:56
 
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với tổng chiều dài 60 km, trong đó chính tuyến có quy mô 4 làn xe.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành Cảng hàng không Điện Biên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu thi công 3 ca 4 kíp, hoàn thành Dự án trong năm 2026.

Sáng nay (21/4), tại Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát lệnh khởi công Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Tham dự sự kiện quan trọng này có ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mảnh ghép cuối

Thủ tướng nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 có 5.000 km trong đó có tuyến cao tốc chiến lược Bắc – Nam phía Đông; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông.

“Đây là đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông cuối cùng được khởi công, góp phần hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc xuyên Việt từ cửa khẩu Hữu Nghị mới mũi Cà Mau. Dự án này cũng là công trình cao tốc Bắc – Nam phía Đông duy nhất triển khai theo phương thức PPP được Chính phủ giao cho 1 địa phương (UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Theo Thủ tướng, ngoài việc góp phần thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển hạ tầng GTVT đến năm 2030; thực hiện 3 đột phá chiến lược, Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng còn góp phần kết nối thông giữa các nước Asean với Trung Quốc; mở ra không gian phát triển mới cho 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn trong việc kết nối các cụm cửa khẩu tại 2 địa phương này với các cảng biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Lạng Sơn, các bộ, ngành và nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục để triển khai Dự án theo đúng chỉ đạo; đồng thời tiếp tục quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công trình.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Đèo Cả khi tham gia đầu tư vào Dự án. Với uy tín, năng lực đã được khẳng định qua nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, Tập đoàn Đèo Cả sẽ đưa Dự án quan trọng này về đích đúng tiến độ, chất lượng.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các nhà đầu tư cần triển khai Dự án đúng quy định, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm, đảm bảo tiến độ, chất lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường, cùng chính quyền địa phương quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, đặc biệt là những người đã nhường đất cho Dự án.

Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu thi công Dự án cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”,  “không thua đại dịch”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công ‘3 ca 4 kíp’. Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia triển khai dự án, công trình cần đồng tâm hiệp lực, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích.

Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư tỉnh uỷ Lạng Sơn đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của liên danh nhà đầu tư, đặc biệt là Tập đoàn Đèo Cả khi vượt qua nhiều khó khăn để khởi công công trình hạ tầng động lực quan trọng của địa phương.

“Chúng tôi cam kết ưu tiên dành mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các bộ, ngành liên quan hoàn thành Dự án đúng tiến độ, chất lượng vào năm 2026”, ông Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, hồi đầu năm 2024, Thủ tướng cũng tham dự lễ khởi công và có những chỉ đạo quyết liệt tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây cũng là một trong những Dự án điển hình mà Tâp đoàn Đèo Cả “đã biến không thành có, biến khó thành dễ” như lời Thủ tướng đã chỉ đạo.

"Hôm nay, Tập đoàn Đèo Cả và các nhà đầu tư trong liên danh tiếp tục chung tay thực hiện tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Đó vừa là vinh dự, vừa là trọng trách và đặc biệt hơn là việc thực hiện cam kết với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy khi đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Chỉ bàn tiến không bàn lùi

Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, để có thể triển khai Dự án, thật sự là khó khăn cho các Nhà đầu tư vì sau khi hoàn thành Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn rất nhiều điều băn khoăn lo lắng về doanh thu, phương án hoàn vốn kéo dài đặc biệt các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi bỏ đi 1 trạm thu phí, miễm giảm giá vé…

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và sự vào cuộc chia sẻ động viên của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Đèo Cả xác định tiếp tục đồng hành hoàn thành Dự án mới, tháo gỡ các vướng mắc cũ.

Thời gian qua, đã có nhiều kiến nghị của nhà đầu tư gửi đến Chính phủ, Quốc Hội. Đặc biệt, ngày 6/3/3024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo gửi Chính phủ đề nghị xem xét hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Đây cũng chính là động lực đã tiếp sức cho các nhà đầu tư thêm quyết tâm tiếp tục đầu tư Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, việc thực hiện Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của tuyến “cao tốc cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay, là cơ sở để các bên khi tham gia các dự án PPP ý thức được trách nhiệm của mình để khi gặp khó hãy cùng nhau kiên định đồng hành tháo gỡ.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, Tập đoàn Đèo Cả nói riêng và liên danh nhà đầu tư nói chung xin hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”.

“Chúng tôi sẽ lấy công trường Dự án làm nơi thao trường đào tạo thực chiến không chỉ cho Tập đoàn Đèo Cả mà còn cho các doanh nghiệp khác, cùng phát triển khi thực hiện những giải pháp đầu tư PPP++, tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ BIM để quản lý chất lượng và tiến độ Dự án”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài 60km, gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5m.

Dự án được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn làm Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương); vốn Nhà đầu tư thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.

Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện Dự án là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen, trong đó Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh. Đây cũng là nhà đầu tư đã “giải cứu” thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư