Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Thực tâm lắng nghe dân
Nguyên An - 18/12/2022 14:16
 
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Công việc khó khăn này chỉ có thể thành công nếu người xin ý kiến thực tâm lắng nghe người được xin ý kiến.

Ngay sau nghỉ Tết Dương lịch, ngày làm việc đầu tiên của năm mới (3/1/2023) cũng là ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo, kéo dài đến hết 15/3.

Công bố dự thảo để lấy ý kiến các đối tượng bị tác động trước khi chính thức trình Quốc hội thì luật nào cũng bắt buộc phải trải qua, song Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành riêng một nghị quyết để thực hiện, thì ngoại trừ Hiến pháp, chỉ có các Bộ luật Hình sự, Dân sự và Luật Đất đai.

Cũng cần nói thêm rằng, phải sau tận 4 lần xin lùi, xin hoãn, đến kỳ họp thứ tư vừa qua, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới chính thức được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Từ dự thảo đầu tiên được công bố lấy ý kiến các đối tượng bị tác động theo quy trình thông thường đến dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/12/2022, ít nhất đã qua 4 lần chỉnh sửa.

Tuy nhiên, hầu hết những điểm mới của lần sửa đổi này vẫn còn đang gây tranh luận với quan điểm nhiều chiều.

Cũng dễ hiểu, bởi sửa Luật Đất đai được xác định là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Bởi vậy, Quốc hội mới quyết định thông qua đạo luật này theo quy trình ba kỳ họp (thông lệ chỉ cần hai kỳ họp). Và ngay từ đầu tháng 10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành riêng một kế hoạch lấy ý kiến nhân dân với yêu cầu ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhưng, để thực hiện yêu cầu này, trước hết phải tạo mọi điều kiện để nhân dân hiểu đầy đủ, sâu sắc về Dự thảo.

Không phải vô cớ, mà cơ quan chủ trì thẩm tra Dự thảo - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cung cấp các tài liệu có liên quan như Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến. Bởi, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu chỉ đưa ra một số nội dung để xin ý kiến thì “ở đây, toàn chuyên gia còn không hiểu như thế nào để góp ý, thì người dân làm sao hiểu để góp ý được”. Vì thế, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội là ở cả 63 tỉnh, thành phố đều cần phải có những người có trách nhiệm và có hiểu biết lĩnh vực đất đai làm báo cáo viên. Những người này phải nêu ra được những vấn đề đang vướng mắc, phương án sửa đổi và những tác động đến người dân, đến doanh nghiệp.

“Có nhiều quy định đọc qua không thấy vấn đề gì cả, nhưng nếu như gợi ý cho người dân hoặc nêu vấn đề tương đối cụ thể thì lại ra nhiều vấn đề”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cách lắng nghe ý kiến của dân.

Tạo điều kiện tối đa để nhân dân có thể hiểu và nêu chính kiến của mình, đó là việc cần nhưng chưa đủ. Để kết quả lấy ý kiến nhân dân có thể đóng góp thiết thực vào việc hoàn thiện Dự thảo, có lẽ điều quan trọng nhất là người muốn xin ý kiến phải thực tâm muốn nghe dân nói, vì chắc chắn sẽ có ý kiến khác nhau, quan điểm trái chiều, thậm chí trái với quan điểm của cơ quan soạn thảo. Chưa kể những bức xúc chất chứa ở khoảng 70% đơn thư khiếu kiện hàng năm (có nội dung về đất đai) cũng có thể được giãi bày.

Nhưng, cơ hội để xóa đi con số nhức nhối khoảng 70% đơn thư khiếu kiện có liên quan đến đất đai liên tục được nhắc đến ở nghị trường cũng phụ thuộc không nhỏ vào việc sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Đất đai hiện hành một cách hợp lòng dân nhất. Mà như thế, thực tâm lắng nghe dân còn cần phải được thể hiện qua việc tiếp thu một cách trung thực, đầy đủ các góp ý xác đáng, chứ không thể chỉ tiếp thu những ý kiến có lợi cho cơ quan nhà nước, như đây đó từng diễn ra.

Thế nên, kết quả lấy ý kiến nhân dân, bên cạnh được tổng hợp gửi về cơ quan soạn thảo, cũng rất cần được gửi về Quốc hội. Bởi suy cho cùng, chỉ có các vị đại biểu Quốc hội mới có thể bấm nút thông qua/không thông qua các đạo luật. Và, để chắc tay bấm nút, các vị đại diện cho dân không thể không thực tâm lắng nghe ý kiến của dân, không chỉ riêng với Luật Đất đai (sửa đổi).

Lấy ý kiến Luật Đất đai: Tránh hình thức, ý kiến một đằng tiếp thu một nẻo
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư