Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Thuốc hiếm, vì sao luôn thiếu?
D.Ngân - 25/03/2023 09:29
 
Thời gian qua, liên tục các trường hợp thuốc hiếm không được cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh, vì sao lại như vậy?

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm hoặc bị rắn độc cắn gần đây có một đặc điểm chung là khan hiếm thuốc giải độc. Thực trạng này, theo các chuyên gia y tế, đang làm mất thời gian vàng điều trị, trực tiếp đe dọa sinh mạng của người bệnh.

Thời gian qua, liên tục các trường hợp thuốc hiếm không được cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh, vì sao lại như vậy?

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Đơn vị Hồi sức chống độc kiêm Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, khu vực phía Nam hiện chỉ còn 2 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent.

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent là loại thuốc quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà hiếm cả trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ. Không những đắt đỏ mà thuốc còn rất hiếm, hiện trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất. Trước năm 2020, Việt Nam không có thuốc giải botulinum.

Chỉ đến khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người rơi vào nguy kịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới hỗ trợ thuốc cho Việt Nam.

Đến năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy nhập về 6 lọ BAT từ Canada (trong tổng số 30 lọ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu). Năm lọ thuốc điều chuyển ra Quảng Nam vào ngày 18/3 là số thuốc cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy và khu vực phía Nam. Như vậy, nếu tiếp tục xảy ra các ca ngộ độc Botulinum, sẽ rất khó khăn để tìm thuốc giải.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, hiện nay thuốc phải nhập khẩu, giá của thuốc rất đắt đỏ trong khi người bệnh cần điều trị khá hạn chế. Vậy ai là người sẽ nhập thuốc này? Nếu không dùng, khi hết hạn sử dụng, ai chịu trách nhiệm?

Theo phản ánh, có bệnh viện nhập thuốc giải độc ngộ độc nấm, nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, số ca ngộ độc nấm trong năm đó giảm, bệnh nhân nhập viện ít, không sử dụng đến thuốc giải, thuốc mua về hết hạn phải bỏ đi, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, có những loại ngộ độc rất hiếm xảy ra như ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum (ngộ độc Patê Minh Chay) vào năm 2020, khiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, nhưng không có thuốc giải. Mà thuốc giải độc này càng sử dụng sớm càng hiệu quả, để muộn tác dụng rất thấp.

Lý giải về tình trạng khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đối với một số thuốc hiếm theo Bộ Y tế, hiện việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. 

Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm).

Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.

Các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Y tế cho hay cơ quan này đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế sau: Có cơ chế đặc thù về tài chính như: Bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ để 1 số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhên dẫn đến thuốc hết hạn.

Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Ngoài việc khan hiếm các loại thuốc hiếm, khi mà các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, ngành Dược hiện có chú trọng sản xuất các sản phẩm điều trị cho các nhóm bệnh đó không, theo đại diện Bộ Y tế, trong thời gian qua, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Theo đó, thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng, ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan,... thuốc sản xuất trong nước phủ được 27 trên 27 nhóm tác dụng dược lý.

Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc xin, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam trong thời gian tới. 

Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể như sau:

Về mục tiêu, đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường.

Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Bộ Y tế sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. 

Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc-xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.

Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc-xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Song song với các định hướng, chính sách ưu đãi trên, Bộ Y tế cũng đang rà soát, hoàn thiện và trình các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản từ Luật Dược, Nghị định hướng dẫn đến các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công khai, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam trong thời gian tới.

Cấp bách giải “cơn khát” thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng
Thuốc đang thiếu và còn tiếp tục thiếu nếu các rào cản về chính sách không được tháo gỡ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư