Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thủy sản Hùng Vương chưa thoát khó
Kỳ Thành - 27/03/2018 13:21
 
Sau nhiều bước tái cơ cấu để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, Công ty cổ phần Hùng Vương có cơ hội lấy lại danh hiệu “vua cá tra” khi thị trường cá tra Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Song việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá kỷ lục lại một lần nữa đẩy Hùng Vương vào thế khó.

Bức tranh tài chính sẽ sáng hơn

Đầu tháng 3/2018, những thông tin đồn đoán về việc Vingroup mua lại trên 50% Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) đã được xác thực. Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển nông nghiệp Vineco - một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Vingroup đã mua 25 triệu cổ phần của VTF, tương đương 24% vốn điều lệ. Vineco sẽ nhận chuyển nhượng thêm tối đa hơn 37,6 triệu cổ phần mà không cần phải chào mua công khai, chiếm 36% vốn nhằm nâng sở hữu lên tối đa 60%.

.
.

VTF được biết đến là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có thị phần lớn, công suất đạt khoảng 1,6 triệu tấn/năm, do Công ty cổ phần Hùng Vương (mã HVG - HOSE) nắm giữ 90% vốn điều lệ. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2017, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch của Thủy sản Hùng Vương tiết lộ, CJ Group cũng có bàn bạc để mua lại VTF nhưng giá đưa ra không như Công ty kỳ vọng khi định giá chỉ 250 triệu USD.

Do đó, dù thương vụ mua bán giữa Vineco và Thủy sản Hùng Vương chưa được tiết lộ con số cụ thể, nhưng giới đầu tư kỳ vọng sau khi bán trên 50% vốn cho Vineco, Thủy sản Hùng Vương sẽ thu về ít nhất 2.500 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ vay đương nhiên giảm được hơn 2.400 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất do VTF không còn là công ty con của Thủy sản Hùng Vương.

Điều này mang lại kỳ vọng về bức tranh tài chính sáng sủa hơn cho Thủy sản Hùng Vương, sau những năm “miệt mài” M&A vào những lĩnh vực dàn trải nhưng không mang lại kết quả như kỳ vọng. Trước đó, nhiều nghi vấn cho rằng, Thủy sản Hùng Vương đã sử dụng dư nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Cơ sở cho những tin đồn trên xuất phát từ việc dư nợ vay của đơn vị này tăng trưởng chóng mặt qua các năm, đặc biệt là nợ vay ngắn hạn với tỷ trọng lúc nào cũng trên 60% tổng nợ Tập đoàn.

Đỉnh điểm là cuối năm 2017, Thủy sản Hùng Vương báo lỗ hơn 713 tỷ đồng, dù trong năm, Công ty đã bán đất, bán công ty con để xoay sở dòng vốn. Đã từng có đánh giá cho rằng, khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng của Thủy sản Hùng Vương đều là các khoản trích lập dự phòng và hoàn toàn có khả năng hoàn nhập dự phòng để ghi nhận lãi trong năm tài chính sau đó. Tuy nhiên đến hết quý I niên độ tài chính 1/10/2017 - 30/9/2018, báo cáo tài chính của Thủy sản Hùng Vương chưa cho thấy dấu hiệu khả quan về việc hoàn nhập các khoản dự phòng này.

Nỗi lo áp thuế kỷ lục

Quyết định bán đi những khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC - HOSE), VTF và thanh lý một số bất động sản đang nắm giữ, Thủy sản Hùng Vương cho thấy quyết tâm tái cơ cấu toàn diện, quay lại tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là cá tra. Ông Dương Ngọc Minh từng chia sẻ, năm 2018, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra và sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

Tuy nhiên, khó khăn dường như chưa buông tha Thủy sản Hùng Vương khi mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay. Đây tiếp tục là đòn giáng nặng nề vào Hùng Vương khi doanh nghiệp này vẫn đang chìm trong khó khăn. Thủy sản Hùng Vương là một trong 9 doanh nghiệp thuộc nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Hoa Kỳ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.

Sau thông tin trên, cổ phiếu HVG đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp trong tình trạng "trắng bên mua. Cả Bộ Công thương lẫn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đều lên tiếng phản ứng về quyết định này của DOC, thậm chí VASEP còn cho biết đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này chỉ giúp cổ phiếu ngành hồi phục nhẹ trong 1 phiên. Trong 2 phiên cuối tuần qua, HVG đã tiếp tục giảm xuống 4.800 đồng/cổ phần.

Tưởng như HVG sẽ tái cơ cấu thành công bức tranh tài chính cũng như lĩnh vực kinh doanh sau khi “đứt ruột” bán đi những khoản đầu tư, nhưng yếu tố khách quan lại một lần nữa đẩy HVG vào tình huống khó khăn.

Dự án 2.000 tỷ có đưa Thủy sản Hùng Vương vào chân sóng?
Những động thái quyết liệt nhằm triển khai khoản đầu tư lên tới 2.000 tỷ đồng của CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) đang được coi là một mũi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư