Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Thủy sản, nông sản, đồ gỗ... rộng đường xuất khẩu sang UAE
Thế Hải - 29/10/2024 09:49
 
Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA), UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, điển hình như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng...
Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất UAE là 1 trong những khách hàng tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam.
UAE là 1 trong những khách hàng tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE (CEPA) được ký kết chỉ sau hơn 1 năm đàm phán đã mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu cho nhiều ngành hàng lợi thế của Việt Nam sang UAE và các nước Trung Đông.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu khi có FTA, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: "Ngay khi CEPA có hiệu lực sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. Theo đó, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu".

Mặt hàng lợi thế đầu tiên là nông sản. Các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.

Thứ hai là hàng tiêu dùng bao gồm dệt may, da giày, điện tử... vốn là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE.

Thứ ba là hàng thủy sản. Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho hay: UAE là 1 trong những khách hàng tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam. Việt Nam đồng thời là nguồn cung cá tra lớn nhất tại thị trường này, chiếm 40 - 50% thị phần tại UAE, chủ yếu là phile cá tra đông lạnh

UAE có hàng loạt những yếu tố phù hợp để trở thành 1 trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như: Đứng hàng đầu về kinh tế trong các nước Ả rập và đứng thứ 17/61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của thế giới, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1%, do đó đến 90% lượng thủy sản tiêu thụ của quốc gia này đến từ việc nhập khẩu.

Đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Bộ Công thương tính toán, đây là mặt hàng cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CEPA. Hầu hết các mặt hàng gỗ, đồ trang trí nội thất tại UAE đều phải nhập khẩu. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.

Thương vụ Việt Nam tại UAE, doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này lên tới 4 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,12% (giai đoạn 2023-2027). Trong đó, phân khúc lớn nhất là nội thất phòng khách, trị giá lên đến 1,08 tỷ USD năm 2023.

Hiện Việt Nam đang xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang UAE, sau các doanh nghiệp Trung Quốc, Đức, Ấn Độ...

Với việc hai bên có CEPA, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên, là cơ hội để doanh nghiệp Việt đuổi kịp, thậm chí là vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.

Thị trường Trung Đông có quy mô lên tới 2.000 tỷ USD, tạo dư địa lớn cho các ngành hàng xuất khẩu khai thác. Nhưng Bộ trưởng Diên lưu ý: "Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung. Đặc biệt, với các nước Ả-rập thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng".

Để hiện thực hóa các cam kết trong CEPA Việt Nam - UAE, Bộ Công thương dự kiến sẽ xây dựng chi tiết Kế hoạch thực thi Hiệp định CEPA, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu:

Bao gồm: tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CEPA, nội dung cam kết của hiệp định, Bộ sẽ tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về các cam kết cụ thể của CEPA, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng về nội dung và cách áp dụng các cam kết, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả. 

Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, thể chế: Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã cam kết trong Hiệp định CEPA, trong đó bao gồm Nghị định của Chính phủ về ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của CEPA để áp dụng cho UAE, Thông tư về quy tắc xuất xứ trong CEPA. 

Về công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới trong khu vực và đáp ứng các yêu cầu tại nước nhập khẩu trong đó có chứng chỉ Halal. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư