Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Hải Dương
Toàn Phúc - 08/03/2021 09:31
 
Sáng nay (08/03), Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc- xin phòng Covid-19.

Cụ thể, có 3 địa điểm bắt đầu thực hiện đợt tiêm chủng này là bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Hải Dương và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế do các Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn dẫn đầu. 

.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi với ông Kapoor Nitin, giám đốc Astrazenca Việt Nam tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

Đối tượng được ưu tiêm trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên. 

Vắc xin phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin của AstraZeneca, một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Số lượng 117.600 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vắc xin này) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vắc xin được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. 

.
Đội ngũ y tế bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng (Ảnh: Lê Toàn).

Trong thời gian qua, hệ thống dây chuyền lạnh trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng đã được tăng cường, kho vắc xin tuyến tỉnh, huyện được trang bị mới tủ lạnh chuyên dụng TCW4000AC với trung bình 5-6 tủ/tỉnh và 1-2 tủ/huyện có thể bảo quản vắc xin cho các chiến dịch quy mô lớn. 

Với vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp. 

Hiện nay, do nguồn cung vắc xin trên toàn cầu rất hạn chế, để triển khai sớm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vắc xin từ các nguồn. 

Đồng thời, Bộ cũng khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc xin trong nước để đảm bảo tự chủ nguồn vắc xin phòng Covid-19 bền vững.  

.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, 100 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ được tiêm vắc-xin trong ngày hôm nay (Ảnh: Lê Toàn).

Ngay sau khi về đến Việt Nam, vắc xin sẽ được nhanh chóng cung ứng để triển khai tiêm chủng cho người dân theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, hướng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 6/3/2021, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC. 

Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới. Vì vậy, ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra. 

Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. 

.
Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2 (Ảnh: Lê Toàn).

Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. 

Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin. 

Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao. 

.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi Triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. 

Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. 

Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. 

Vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải. 

.
Gần 100 phóng viên đại diện các cơ quan truyền thông báo chí trên địa TP.HCM tham dự, đưa tin buổi tiêm vắc-xin đầu tiên tại Thành phố (Ảnh: Lê Toàn).

Theo các dữ liệu đến tháng 02/2021, vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. 

Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch Covid-19, trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vắc xin đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân (như: bệnh nền, bệnh mạn tính đang điều trị, các thuốc và liệu trình điều trị dùng trong thời gian gần đây, các biểu hiện sức khỏe bất thường gần đây…) để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn. 

Thông tin mới nhất về các điểm tiêm vắc xin Covid-19
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, 8h sáng ngày 8/3, 100 cán bộ, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở hai sẽ được tiêm vắc xin Covid-19...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư