Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tiếp tục tranh luận về quy định cấm tuyệt đối lái xe khi có nồng độ cồn
Nguyễn Lê - 27/03/2024 11:09
 
Bên cạnh một số vị đại biểu ủng hộ hoàn toàn phương án cấm tuyệt đối lái xe khi có nồng độ cồn thì một số vị khác cho rằng nên có phương án mềm dẻo, linh hoạt hơn.
.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng không nên cấm tuyệt đối. 

Sáng 27/3, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Dự thảo) được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn lại tiếp tục gây tranh cãi.

Tại báo cáo gửi đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thống nhất với phương án để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy là tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Bên cạnh một số vị đại biểu ủng hộ hoàn toàn phương án này thì một số vị khác cho rằng nên có phương án mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói rõ là ông có quan điểm khác với cơ quan thẩm tra, không nên cấm tuyệt đối mà đề nghị chấp nhận một ngưỡng nhất định nồng độ cồn, như phương án 2.

Phương án này quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Lý do ông Hòa nêu là, lượng người lao động ở nông thôn hiện rất nhiều, gấp đôi người ở thành thị. Những người ở thành thị hay những người có điều kiện có lái xe, nhưng đồng bào ở những vùng khó khăn như Tây bắc hay đồng bằng sông Cửu Long không có điều kiện đi xe dịch vụ sau khi sử dụng rượu bia. Vì thế, nếu quy định dập khuôn theo hướng cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe sẽ không khả thi.

Có trường hợp sử dụng rượu bia từ tối hôm trước, sáng hôm sau vẫn còn tồn dư nồng độ cồn nhỏ trong máu/ hơi thở, nhưng không ảnh hưởng đến khả năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn mà vẫn bị phạt thì rất vô lý, ông Hòa nói.

Vị đại biểu Đồng Tháp bày tỏ, không phải ông cố chấp mà “bản thân tôi nếu uống 1 lon bia hay1,2 chén rượu nhỏ thì tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn ổn”, ông Hòa nói.

Bày tỏ đồng tình với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế, song theo đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) để luật đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn, có sức thuyết phục khi thông qua thì cần rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình, từng bước theo thời gian để tạo thành ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.

Nêu thực tế như ở Hà Giang thì việc sử dụng rượu là nét văn hóa của đồng bào, ở các vùng nông thôn và điều kiện của người dân khi tham gia giao thông chưa thể thực hiện triệt để việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

"Chẳng hạn ở nông thôn dịp Tết đi chúc Tết từ làng này sang làng kia mà có uống chén rượu, cốc bia và bị thổi nồng độ cồn thì đương nhiên vi phạm. Nhưng việc này có ảnh hưởng, liên quan đến tai nạn giao thông hay không thì cần đánh giá. Do đó, chúng tôi đề nghị cần rà soát mức xử phạt, hình thức xử phạt theo lộ trình để dần trở thành ý thức của người dân khi tham gia giao thông và thực hiện được, đúng yêu cầu pháp luật", bà Lan phát biểu.

Vị đại biểu Hà Giang cũng cho rằng, khi áp dụng luật thì cơ quan chức năng cần tránh lạm dụng quy định để xử phạt, kiểm tra, gây sự phản cảm của người dân với lực lượng chức năng.

Bà Lan dẫn lại việc vừa qua trên mạng xã hội có đưa nhiều hình ảnh dịp Tết, lực lượng chức năng đi vào các vùng nông thôn, nơi rất khó khăn để kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt với người dân. Như vậy gây sự phản cảm, do đó, theo bà, việc xử phạt, kiểm tra nên có sự mềm dẻo hơn,

"Cộng đồng mạng, người dân rất ủng hộ giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh khi tham gia cùng tổ kiểm tra, kiểm soát gặp người dân sử dụng rượu bia về đã tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận. Vì vậy nên xem xét lộ trình xử phạt hợp lý khi áp dụng cấm tuyệt đối này", bà Lan góp ý.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) tán thành phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, dù thừa nhận quy định này sẽ tác động nhất định đến một số vấn đề như nét văn hóa của người dân, nguồn thu ngân sách từ rượu, bia…

Đồng tình phương án cấm tuyệt đối, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhấn mạnh vừa qua, cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn một cách nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, ông Thắng đề nghị xem xét cần quy định ngưỡng khi xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nhưng sau khi nghiên cứu toàn diện về ưu, nhược điểm giữa hai phương án đề xuất, vị đại biểu ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

“Quy định ngưỡng trong xử lý nồng độ cồn, nhưng khi đã ngồi vào bàn rượu rồi, làm sao xác định được thế nào là uống trong ngưỡng, thế nào là vượt ngưỡng”, ông Thắng đặt vấn đề và đề nghị xử lý nghiêm để hình thành văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư