Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin Covid-19 mới nhất ngày 8/8: Hơn 8 triệu người đã tiêm vắc-xin; 63.863 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; Hà Nội có 12 ca mắc mới
D.Ngân - 08/08/2021 08:36
 
Số ca nhiễm từ 27/4 đến nay là 201.743, trong đó, 63.863 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Tăng hơn 2.300 ca mắc so với ngày 7/8

Tối 8/8, Việt Nam có thêm 4.947 ca Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân được công bố trong ngày lên 9.684.

Từ 6h đến 18h30 ngày 8/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.949 ca nhiễm mới gồm 2 trường hợp nhập cảnh và 4.947 bệnh nhân trong nước.

Như vậy, ngày 8/8, nước ta có thêm 9.690 ca nhiễm mới, trong đó, 6 trường hợp nhập cảnh và 9.684 bệnh nhân trong nước. So với 7/8, số lượng ca mới trong ngày tăng 2.356 người.

TP.HCM có thêm 3.898 ca (giảm 32 người so với ngày 7/8). Con số mắc mới trong ngày 8/8 ở Hà Nội là 114 ca ( tăng thêm 104 ca so với hôm qua).

Một số tỉnh như Bình Dương, Long An, Khánh Hòa cũng có số lượng ca mắc mới tăng lên.

Tại TP.HCM, trong một tuần trở lại đây, đồ thị số ca nhiễm mới tại TP.HCM có xu hướng đi ngang. Theo quy luật lây truyền, đường cong này có thể đi xuống.

Chuyên gia này cho biết tháp 5 tầng điều trị Covid-19 của Sở Y tế TP.HCM là hợp lý. Tuy nhiên, việc phân loại và sàng lọc F0 để đưa đến các tầng cần điều chỉnh phù hợp hơn. Yêu cầu đặt ra đối với nhân viên y tế khám sàng lọc và điều chuyển F0 từ nhà đến các tầng rất quan trọng.

Trong khi đó, tại Hà Nội, Thành phố vừa kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội và đã có những kết quả nhất định. Thế nhưng, trước nguy cơ tiềm ẩn, cũng như biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, dịch Covid-19 tại Thành phố còn phức tạp.

Hà Nội giảm 1/3 số ca mắc

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 12h đến 18h ngày 8/8, Thành phố ghi nhận 13 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 7 ca tại cộng đồng, 6 ca tại khu cách ly.

Trong 24h qua, từ 18h ngày 7/8 đến 18h ngày 8/8, Thành phố ghi nhận 56 ca mắc mới, trong đó 34 ca tại cộng đồng và 22 ca tại khu cách ly.

So với ngày 7/8, số lượng người nhiễm virus được ghi nhận trong 24 giờ tại Hà Nội đã giảm gần 1/3.

Các trường hợp phân bố tại Ba Đình (3), Đông Anh (3), Hoài Đức (2), Mê Linh (1), Bắc Từ Liêm (1), Thanh Trì (1), Cầu Giấy (1), Hoàng Mai (1), gồm 11 trường hợp ho, sốt thứ phát, 1 trường hợp ho, sốt cộng đồng, 1 trường hợp thuộc chùm Tân Mai - Hoàng Mai.

Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.783 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 1.514 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Theo chuyên gia, Hà Nội từ trước tới nay vẫn luôn là nơi có nguy cơ lớn trước dịch Covid-19.

Thành phố vẫn hay được ví như vùng trũng và là Thủ đô của cả nước nên giao thương, đi lại nhiều. Điều đó khiến địa bàn Hà Nội luôn tiềm ẩn tính chất phức tạp.

Hiện nguy cơ của Thành phố càng cao khi số ca dương tính được phát hiện rải rác ở nhiều nơi và không xác định được nguồn lây.

Đặc biệt, Hà Nội đã ghi nhận các ổ dịch liên quan chợ, chuỗi cung ứng, xí nghiệp. Thực tế này đòi hỏi Hà Nội phải có các biện pháp đối phó quyết liệt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chống dịch tại Kiên Giang

Ngày 8/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 làm việc tại tỉnh Kiên Giang.

Khảo sát thực tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương phải sắp xếp lại tầng điều trị để bố trí riêng biệt 2 khu F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Khu F0 không triệu chứng tập trung nâng cao đời sống thể chất và tinh thần cho người bệnh, cấp các thuốc phù hợp để giảm tối đa tỷ lệ chuyển thành có triệu chứng.

Còn đối với khu F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, lực lượng chức năng trang bị đầy đủ các hệ thống thiết bị y tế, một số loại thuốc điều trị để can thiệp, xử lý sớm, không để bệnh nhân chuyển nặng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ rất cao do có đường biên giới dài, nhất là đường biển.

Tỉnh cần tận dụng thời gian giãn cách xã hội còn lại để tiếp tục kiểm soát triệt để dịch bệnh, tăng cường tầm soát dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Tại những nơi có nguy cơ cao, địa phương cần kết hợp linh hoạt các phương án xét nghiệm mẫu gộp để truy vết, dập dịch dứt điểm.

Ngoài ra, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang duy trì tổ Covid-19 cộng đồng, hoạt động theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nắm những người từ nơi khác về. Tỉnh cần xử lý nghiêm người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, phát động phong trào người dân bảo vệ vùng xanh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, địa phương đã ghi nhận 459 F0. Trong đó, 106 ca nhập cảnh.

Tính riêng từ 19/7 đến nay, Kiên Giang phát hiện 276 ca bệnh. Số này bao gồm 174 ca trong khu vực cách ly, phong tỏa, 102 ca ngoài cộng đồng.

Cần Thơ huy động tổng lực mở rộng “vùng xanh”

Chiều 7/8, UBND Thành phố Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn.

Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai Phương án thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Phương án này được Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ký ban hành ngày 7/8/2021 trên cơ sở các ý kiến tư vấn, đề xuất phương án chống dịch Covid-19 tại thành phố Cần Thơ của Tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Cần Thơ.

Phương án thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 dự kiến triển khai từ 9/8. Theo đó, Cần Thơ triển khai chiến dịch xét nghiệm cộng đồng toàn Thành phố.

Phấn đấu đến hết ngày 17/8/2021, TP. Cần Thơ không phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và chuyển sang sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới. Tổng số test nhanh dự kiến thực hiện là 894.370.

Đối với xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, mỗi hộ sẽ làm 1 test nhanh gộp 2 mẫu lấy ngẫu nhiên từ các thành viên trong gia đình (2 người/hộ); mỗi hộ xét nghiệm 3 ngày/lần.

Đối với xã, phường, thị trấn có nguy cơ, lấy mẫu đại diện hộ gia đình (1 người/1 hộ) làm test nhanh mẫu gộp 2 hộ/mẫu; làm xét nghiệm 5 ngày/lần, mỗi hộ xét nghiệm 2 lần trong vòng 9 ngày.

Đối với xã, phường, thị trấn bình thường mới, lấy mẫu 5% dân số cho đối tượng nguy cơ tại chợ, cửa hàng tạp hóa…; mỗi đối tượng xét nghiệm 1 lần trong vòng 9 ngày. Ngoài ra, xét nghiệm ở khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn với tần suất 2 ngày/lần.

Để kiểm soát dịch, Sở Y tế TP. Cần Thơ cũng triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đợt 5 của Thành phố.

Chiến dịch diễn ra từ 6/8 cho đến khi tiêm hết lượng vắc-xin đã được Bộ Y tế phân bổ. Mỗi ngày dự kiến tiêm 25.000 mũi tiêm. Bộ Y tế dự kiến phân bổ 170.370 liều. Đến nay, đã nhận 98.200 liều vắc-xin.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh sẽ thực hiện chiến dịch xét nghiệm cộng đồng toàn thành phố vì biến chủng mới lây lan rất nhanh.

Khi lấy mẫu diện rộng, sẽ tách F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly F1, dần mở rộng "vùng xanh" của Thành phố.

Chiến dịch này là “trận” then chốt với 2 nhánh, vừa lấy mẫu xét nghiệm toàn dân, vừa tiêm hết vắc xin Bộ Y tế phân bổ nên chính quyền các cấp, các ban, ngành cần tập trung cao độ.

Thành phố thành lập Sở chỉ huy tiền phương; đồng thời, thành lập Ban chỉ huy chiến dịch từ quận, huyện đến xã, phường, thị trấn.

Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, cần đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhanh chóng. Thành phố chuẩn bị 1,2 - 1,5 triệu test nhanh và chuẩn bị 2.000 lực lượng thực hiện. Trong tiêm chủng, lãnh đạo Thành phố yêu cầu cần đảm bảo 5K, giữ khoảng cách an toàn, tiêm ngừa tuần tự đối tượng ưu tiên, từ lực lượng tuyến đầu chống dịch, đến người trên 65 tuổi, người bệnh nền, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như tài xế, nhân viên giao hàng, tiểu thương rồi dần dần đến những đối tượng khác.

Hà Nội tìm người tới các địa điểm của quận Ba Đình, Tây Hồ

Sáng 8/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình (TP. Hà Nội) phát đi thông báo khẩn tìm người đã từng đến các địa điểm:

Từ 1/8 đến ngày 7/8 tại Tòa nhà chung cư Liễu Giai Tower, 26 Liễu Giai, Cống Vị, Ba Đình.

Từ 6 giờ đến 20 giờ 30 từ 1/8 đến 3/8 tại chợ Linh Lang, Cống Vị.

Từ 15 giờ 5/8 đến 17 giờ 7/8 tại ngõ 172, Đường Bưởi, Cống Vị, Ba Đình.

Từ 18 giờ 30 đến 19 giờ 30 ngày 5/8 tại cửa hàng Circle K số 92 đào Tấn, Cống Vị, Ba Đình.

Từ 16 giờ 30 đến 18 giờ ngày 6/8 tại chợ Cống Vị, Cống Vị, quận Ba Đình.

Từ 11 giờ đến 17 giờ 7/8 tại Bệnh viện Medlatec cơ sở 2 tại 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.

Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Khoa kiểm soát dịch bệnh số điện thoại: 02438432113) hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội số 0969082115 hoặc số 0949396115 (CDC Hà Nội).

***

Sở Y tế Hà Nội sáng 8/8 cho biết vừa ghi nhận thêm 12 trường hợp mắc Covid-19 mới, trong đó có 9 ca tại cộng đồng và 3 ca tại khu cách ly.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 1.739 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.049, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 690.

Bộ Y tế phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên

Theo HCDC, trong hôm nay, Bộ Y tế sẽ tiến hành phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên do Tập đoàn Vingroup trao tặng với 10.000 lọ cho 8-10 bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP.HCM để đưa vào sử dụng cho công tác điều trị.

Thuốc Remdesivir đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị Covid-19, cho bệnh nhân nặng, thở máy/ECMO.

Vì là thuốc mới, liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, các cơ sở y tế cần theo dõi chặt chẽ về hiệu quả của thuốc và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

***

Để phòng chống dịch Covid-19, chỉ trong vòng 20 ngày, TP.HCM đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến và chỉ trong vòng 1 tuần đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập xong 4 Trung tâm Hồi sức Covid-19.

Các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức trong quá trình hoạt động phải thực hiện thật nghiêm và theo đúng quy trình của Bộ Y tế;

Phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, đồng bộ từng khâu, từng bộ phận và luôn đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người bệnh lên trên hết, trước hết, luôn phát huy mạnh mẽ nhiệt huyết và trái tim của người thầy thuốc để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Hơn 3 tháng qua, TP/HCM đã cùng toàn thể người dân ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh. Để có thể kéo giảm số ca mắc, đưa Thành phố mau chóng trở về trạng thái bình thường mới, Thành phố cần sự đồng hành của người dân trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tăng cường hơn nữa giãn cách giữa người với người và tham gia tiêm chủng vắc-xin khi đến lượt.

Chuẩn bị nhân lực cấp cứu, hồi sức bệnh nhân Covid-19

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cơ quan này vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành về việc tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực.

Cụ thể, các bệnh viện lập danh sách các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang làm và dự kiến huy động làm cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19.

Liên hệ với các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia (theo địa bàn phụ trách) để được đào tạo, tập huấn cấp tốc về cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở và các nội dung cần thiết khác bằng các hình thức tại chỗ, trực tuyến… trong đó ưu tiên việc cử người đến các trung tâm để trực tiếp học và thực hành.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương lập kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các bệnh viện được phụ trách theo Đề án và phân công, giao việc cho các học viên đến thực hành.

Theo Bộ Y tế, đây là công việc hết sức cấp bách. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, báo cáo tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để được hỗ trợ kịp thời.

Tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh Covid-19 nặng, giảm thiểu tử vong

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng".

Theo Đề án, Bộ Y tế chỉ định và thành lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia quy mô từ 200 - 3.000 giường bệnh Hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện lớn.

Trung tâm là cơ sở điều trị cao nhất, có nhiệm vụ thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực cao, phức tạp nhất cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh Covid-19.

Có 33 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành, trường đại học và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 2 bệnh viện quân y được Bộ Y tế chỉ định các bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, từ ngày 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với "làn sóng thứ tư" của dịch bệnh Covid-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh Covid-19 trên cả nước tăng rất nhanh. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.

Trước tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.

8.008.156 người đã hoàn thành tiêm mũi 1

Theo thông tin từ Bộ Y tế sáng 8/8, TP.HCM ghi nhận thêm 1.896 ca dương tính với Covid-19. Từ 18h30 ngày 7/8 đến 6h hôm nay, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.941 ca nhiễm mới, gồm 4 ca nhập cảnh và 4.937 trường hợp ghi nhận trong nước.

Đã có 8.008.156 người đã hoàn thành tiêm mũi 1.

Sáng 8/8, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 234 ca tử vong (3017-3250) tại 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP.HCM có 185 ca tử vong được ghi nhận từ trong 2 ngày 6-7/8.

Đến nay, Việt Nam có 205.656 ca nhiễm, gồm 2.343 trường hợp nhập cảnh và 203.313 bệnh nhân trong nước. Số ca nhiễm từ 27/4 đến nay là 201.743, trong đó, 63.863 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 356.544 người trong ngày 7/8, qua đó nâng tổng số liều được tiêm từ đầu tháng 3 tới nay lên 8.896.615.

Trong đó, 8.008.156 người đã hoàn thành tiêm mũi 1. Số người được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 đến nay là 888.459.

Theo thống kê, Việt Nam thời gian qua đã tiếp nhận 19,3 triệu liều vắc-xin, gồm khoảng 12 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca (chiếm 64%), hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 740.000 liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 1,5 triệu liều Vero Cell (gồm 1 triệu liều vắc-xin do Sapharco mua theo sự ủy quyền của UBND TP.HCM và 500.000 liều do chính phủ Trung Quốc viện trợ).

Về vắc-xin trong nước, sáng 7/8, Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế, đã họp thẩm định kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giữa kỳ giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen.

Bước đầu, các chuyên gia đánh giá vắc-xin an toàn, có tính sinh miễn dịch khá tốt, có hiệu quả bảo vệ với người tiêm, đặc biệt ở hàm lượng 25 mcg. Sau tiêm, 71% tình nguyện viên có phản ứng nhẹ bao gồm sốt, đau, sưng tại vị trí tiêm, một trường hợp phản ứng độ 2 nhưng không phải nhập viện.

Hội đồng Đạo đức cho rằng nhóm nghiên cứu cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm về độ an toàn của vắc-xin, đồng thời cần đánh giá hiệu quả bảo vệ trên cỡ mẫu lớn hơn, khoảng 1.000 người.

Hà Nội: 12 ca mắc mới tại các ổ dịch

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 8/8, 12 trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 liên quan một số ổ dịch.

Liên quan chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, thành phố ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với Covid-19 là H.T.M.T., nữ, 49 tuổi, có địa chỉ ở Phúc Đồng, Long Biên, người nhà chăm bệnh tại khoa Nội 1.

Các trường hợp có biểu hiệu ho, sốt trong cộng đồng, được xác định nhiễm virus qua quá trình xét nghiệm sàng lọc gồm N.D.H., nữ, 35 tuổi và M.X.B., nam, 14 tuổi. Hai người người này cùng trú tại chung cư Mipec, Ngọc Lâm, Long Biên. 

Liên quan 2 trường hợp này, thành phố xác định thêm một F1 là V.Đ.T., nam, 44 tuổi, cùng địa chỉ trên, dương tính với Covid-19.

Người còn lại là P.V.L., nam, 48 tuổi, trú tại ngõ 293 Tân Mai, Hoàng Mai. Khoảng một tuần nay, người này có biểu hiện mệt mỏi, đau người và tự mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm, thậm chí thêm triệu chứng mất vị giác.

Ngoài những trường hợp trên, nhóm còn lại đều là F1, liên quan các ổ dịch cũ hoặc F0 phát hiện qua sàng lọc trước đó. Họ có độ tuổi từ 6 đến 83, trú tại các khu vực: Yên Phụ (Tây Hồ); Long Biên, Phúc Đồng (Long Biên); Tô Hiệu (Thường Tín); Hàng Bột, Văn Chương, Văn Miếu (Đống Đa); Yên Sở (Hoài Đức).

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.739 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 190 trường hợp khác liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, riêng từ đầu tháng 7 tới nay, thành phố đã có thêm 1.470 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Hà Nội vừa kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội và thu được những kết quả nhất định. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dù vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh song dịch tại Hà Nội không bùng phát.

Vừa qua, thành phố cũng thực hiện truy vết tốt, đồng thời hình thành những mô hình như bảo vệ vùng xanh, tự quản cộng đồng, truy vết, xét nghiệm vùng an toàn.

Theo PGS. Phu, điều quan trọng nhất là thành phố đã khống chế được các ổ dịch. Phát hiện ổ dịch nào thì khống chế được ổ dịch đó.

Kết quả họp khẩn đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax
Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, Hội đồng đạo đức quốc gia quyết định tiếp tục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư