Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen
Quỳnh Lê - 19/11/2021 20:28
 
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và đấu tranh chống tín dụng đen.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của hộ dân tại thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa (Thanh Hóa)

Với phương châm “Thấu hiểu nhân dân, tận tâm phục vụ”, đến hết tháng 9/2021 đã có trên 259.149 tỷ đồng nguồn vốn của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện liên tục 19 năm qua, giúp hơn 40 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 242.291 tỷ đồng, với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách. Chất lượng tín dụng luôn được chú trọng nâng cao. Tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 1%/tổng dư nợ.

Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn..., góp phần giúp hơn 6,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 4,7 triệu lao động; giúp gần 134.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 3,7 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 15,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 744.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Riêng chương trình cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TT ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 30/9/2021, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được gần 462 tỷ đồng cho 921 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 81.686 người lao động tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, duy trì sản xuất, tạo đà phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, qua đó góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Trước tình hình tín dụng đen diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo tiến hành khảo sát về tình hình vay tín dụng đen của các đối tượng chính sách xã hội là khách hàng vay vốn của ngân hàng.

Qua khảo sát nhanh thực tế một số địa phương, vùng, miền trên cả nước và thống kê của các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trong toàn hệ thống, chưa phát hiện được khách hàng nào của Ngân hàng có vay vốn trực tiếp từ hoạt động này, chỉ có khoảng 150 hộ vay vốn có ảnh hưởng gián tiếp từ tín dụng đen (gia đình có con em dính líu tới tín dụng đen). Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có hàng loạt giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, như nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Tín dụng chính sách dựng xây cuộc sống mới cho buôn làng Gia Lai
Nnhững năm qua, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Gia Lai đã thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư