Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng ngân hàng có sự phân hóa
 
Tín dụng bình quân toàn ngành ngân hàng trong quý I/2019 tăng 2,28%, nhưng một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao. Đáng chú ý, các ngân hàng này và nhiều ngân hàng khác đạt lợi nhuận khả quan trong quý đầu năm và tự tin với kế hoạch kinh doanh cả năm.

Kết thúc quý I/2019, tổng tài sản của HDBank đạt 202.562 tỷ đồng; tổng huy động đạt 177.237 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 135.449 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng gần 5% so với đầu năm.

Tại Vietcombank, trong quý I/2019, dư nợ cho vay khách hàng đạt 661.261 tỷ đồng, tăng 6,4%; huy động tiền gửi tăng 4,5% so đầu năm. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 20.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vietcombank cho hay, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2019 tương đương với mức tăng trưởng tín dụng là 15%, cao hơn hạn mức của ngành. Tín dụng của Vietcombank tăng mạnh trong quý I sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng tái cơ cấu danh mục cho vay trong những quý tiếp theo. Nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, Ngân hàng đẩy mạnh tăng nguồn thu từ dịch vụ, mục tiêu nguồn thu từ dịch vụ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu năm nay.

Một số nhà băng kỳ vọng được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay nên đề ra chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng của ngành. Chẳng hạn, VIB đặc mục tiêu tăng trưởng tín dụng 35% cho năm 2019 nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, trước thắc mắc của cổ đông về việc VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm nay ở mức 35%, song Ngân hàng Nhà nước chấp thuận ở mức nào thì VIB sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép.

Chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã đưa ra là sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng hoàn thành Basel II. Trong đó, VIB, Vietcombank, ACB có tên trong danh sách 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II.

Quý I/2019, TPBank đạt 853 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 3 lần, đạt gần 217 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 2 lần, đạt hơn 397 tỷ đồng.

Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng quý I/2019, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính đến cuối kỳ, tổng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân của Nam A Bank đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ và tăng 6,3% so với đầu năm; tổng dư nợ đạt gần 54.000 tỷ đồng với cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển sang hoạt động bán lẻ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Chất lượng tín dụng được Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ các năm trước.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của ACB, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, trong 3 tháng đầu năm, tín dụng Ngân hàng tăng 3% và huy động vốn tăng 2%, lợi nhuận đạt 1.670 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu tổng tài sản tăng 15%, tín dụng tăng 13%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, lợi nhuận sau thuế hơn 5.823 tỷ đồng, chia cổ tức 30%.

Hội đồng quản trị ACB cho biết, chiến lược của Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thu nhập phi tín dụng so với các khoản cho vay. ACB đặt mục tiêu thu nhập từ 3 mảng lớn tăng trong năm 2019 gồm bancassurance (gấp 3 lần năm 2018), thẻ (tăng 40%), thu phí bảo lãnh, thanh toán nước ngoài (tăng 30%).

Theo ông Toàn, mảng bán lẻ hiện đóng góp khoảng 60% thu nhập và chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận Ngân hàng. Vì vậy, ACB đẩy mạnh đầu tư số hóa trong ngân hàng và đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.

Thủ tướng chỉ thị đẩy lùi tín dụng đen, cho vay lãi nặng
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư