Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Tín hiệu tích cực về phục hồi của thương mại hàng hóa toàn cầu
Thế Hoàng - 06/09/2024 14:54
 
WTO dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục phục hồi trong quý III/2024, nhưng đi kèm là các rủi ro tiềm ẩn như căng thẳng địa chính trị, sự thay đổi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn...
Theo WTO, thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục phục hồi trong quý III/2024.
Theo WTO, thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục phục hồi trong quý III/2024.

Chỉ số Phong vũ biểu Thương mại hàng hóa mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa công bố cho thấy, thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục phục hồi trong quý III/2024.

Phong vũ biểu là một chỉ báo tổng hợp hàng đầu của WTO về thương mại hàng hóa, cung cấp thông tin theo thời gian thực về quỹ đạo của thương mại hàng hóa so với các xu hướng gần đây. Dựa vào chỉ số này có thể đánh giá động lực tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Giá trị Phong vũ biểu lớn hơn 100 có liên quan đến khối lượng thương mại trên xu hướng, trong khi giá trị nhỏ hơn 100 cho thấy thương mại hàng hóa đã giảm xuống dưới xu hướng hoặc sẽ giảm trong tương lai gần. 

Chỉ số này được công bố ở mức 103, cho thấy tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa nhiều khả năng duy trì ở mức khả quan trong quý II, III năm nay

Theo WTO, trong quý I/2024, thương mại thế giới đã tăng 1% so với quý trước và 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu gần đây về giá trị cho thấy tăng trưởng thương mại yếu hơn dự kiến ở châu Âu, trong khi ở các khu vực khác lại có mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến.

Các chỉ số thành phần về sản phẩm ô tô (103,3), vận tải container (104,3), vận tải hàng không (107,1) và đơn hàng xuất khẩu (101,2) cho thấy khối lượng thương mại của các ngành này hiện đang ở trên xu hướng.

Ngược lại, các chỉ số về linh kiện điện tử (95,4) và nguyên liệu thô (99,3) cho thấy tăng trưởng của các ngành này đang có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực từ chỉ số Phong vũ biểu, WTO lưu ý rằng triển vọng thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro, do căng thẳng địa chính trị gia tăng, các cuộc xung đột khu vực hiện nay, sự thay đổi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn...

Trong báo cáo "Thống kê và Triển vọng Thương mại Toàn cầu" hồi tháng 4 năm nay, WTO dự báo, tổng khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng 2,6% vào năm 2024 và 3,3% vào năm 2025. Đây là thông tin tích cực sau khi thương mại quốc tế đã chứng kiến mức suy giảm 1,2% trong năm 2023 khi áp lực lạm phát và lãi suất cao.

Dự báo, châu Á sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng thương mại trong năm nay khi đạt 45% tổng kim ngạch xuất khẩu và 85% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn cầu.

Là quốc gia có nền kinh tế mở và xuất khẩu là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng, mọi chỉ số tăng trưởng hay suy giảm của thương mại toàn cầu đều phản ánh tiếp qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam. Sau năm 2023 tăng trưởng âm, từ đầu năm đến nay, nhờ thương mại hàng hóa phục hồi đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta.

8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt hơn 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng hơn 73 tỷ USD), trong đó xuất khẩu tăng 15,8%, nhập khẩu tăng 17,7%. 

Tính chung 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt 19,07 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu lớn đều tăng lượng đơn đặt hàng với các nhà cung ứng Việt Nam. Đơn cử, 8 tháng qua, xuất khẩu sang Mỹ đạt 77,9 tỷ USD, tăng 25,4%, EU đạt 34,4 tỷ USD, tăng 18,5%, ASEAN đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11,9%, Hàn Quốc Hàn Quốc 16,9 tỷ USD, tăng 8,3%, Nhật Bản 16,1%, tăng 5,6%...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư