Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 18/8: Hà Nội bác tin 10 trẻ em là F0; Ca F0 TP.HCM tăng đột biến
D.Ngân - 18/08/2021 09:02
 
Lãnh đạo quận Ba Đình, Hà Nội khẳng định, hơn 10 trẻ em phố Đội Cấn mắc Covid-19 là thông tin sai sự thật.

Giảm hơn 800 ca mắc tại các ổ dịch

Tính từ 18h ngày 17/8 đến 18h30 ngày 18/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.800 người nhiễm mới, gồm 12 trường hợp nhập cảnh và 8.788 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy, trong 24h giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 807 người.

Tại TP.HCM, F0 tăng 172 ca, Bình Dương giảm 819 ca, Đồng Nai tăng 145 ca, Long An giảm 153 ca, Tiền Giang giảm 129 ca.

Với 8.788 ca nhiễm mới, tính từ 27/4 đến nay, Việt Nam có tổng cộng 298.064 bệnh nhân, trong đó, 108.534 người đã được công bố khỏi Covid-19.

Cũng trong bản tin tối 18/8, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 298 ca tử vong.

Các tỉnh có số bệnh nhân tử vong là TP.HCM (255), Bình Dương (20), Long An (11), Cần Thơ (2), Bến Tre (2), Vĩnh Long (2), Đà Nẵng (1), Bắc Giang (1), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 18/8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc. Con số này ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

Đề xuất chi gần 54 tỷ đồng mua thuốc cho F0 cách ly tại nhà

Số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng tại TP.HCM đang có xu hướng tăng mạnh. Theo Sở Y tế TP.HCM, từ 15/8 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao.

Ngành Y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ giai đoạn này do tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả F0.

Để phòng chống dịch, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về cung ứng cơ số thuốc cho người mắc Covid-19 (F0) không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định.

Sở Y tế cho biết số ca F0 hiện tại và dự kiến trong một tháng tới là 182.408 ca, do đó, ngành y tế sẽ cần cung ứng số túi thuốc tương đương. Kinh phí ước tính trên 53,8 tỷ đồng (295.246 đồng/túi thuốc).

Cụ thể, danh mục thuốc điều trị F0 tại nhà được thống kê trong bảng dưới đây. Riêng thuốc số 3 và số 4 không sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú; người mắc một trong các bệnh: Viêm loát dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các bệnh lý dễ gây chảy máu.

Mỗi túi thuốc gồm 4 loại thuốc, dùng cho 7 ngày. Phòng Nghiệp vụ Dược đề xuất thành phố hai phương án mua thuốc.

Nếu kinh phí từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp thì giao công ty tài trợ mua thuốc theo cơ số đề xuất. Phòng Nghiệp vụ Dược hỗ trợ thông tin về nhà cung cấp theo đúng quy định.

Nếu kinh phí từ ngân sách phòng, chống dịch thì giao Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức mua sắm thuốc theo quy định, phân chia thành túi thuốc để giao trung tâm y tế các địa phương phân phát cho F0 trên địa bàn.

Do nhà phân phối không thể đáp ứng cùng một lúc số lượng lớn, nên dự kiến thuốc sẽ được cung cấp theo đợt. Đợt 1 giao ngay 30.000 túi thuốc. Sau đó, mỗi đợt giao 50.000 túi cho đến khu đủ nhu cầu thực tế của các đơn vị.

Thêm 4 nhân viên Viettel Post Bắc Từ Liêm mắc Covid-19

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 18/8, Thành phố mới phát hiện thêm 5 người nhiễm SARS-CoV-2.

Như vậy, từ 6h đến 18h ngày 18/8, thành phố đã có thêm 51 trường hợp nhiễm virus. Trong đó, tới 50 người đang thực hiện cách ly tập trung hoặc trong vùng phong tỏa.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.359 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.234 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.125 trường hợp còn lại đã cách ly.

Về xét nghiệm cho người có nguy cơ cao và người sống trong các khu vực nguy cơ cao, Hà Nội đã hoàn thành đợt 1 với trên 300.000 mẫu được lấy và xét nghiệm.

Từ hôm nay (18/8), Thành phố tiếp tục thực hiện đợt 2 với số mẫu dự kiến trên 800.000.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến cuối giờ chiều nay, toàn Thành phố đã lấy được tổng cộng 92.478 mẫu, trong đó, 4.582 mẫu là người ở khu vực phong tỏa, 36.293 mẫu của người sống trong khu vực nguy cơ cao và 51.603 mẫu từ đối tượng nguy cơ.

Hiện tại, 500 mẫu thuộc nhóm người nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả.

PGS.TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo việc giãn cách, Hà Nội cần thực hiện nghiêm 5K là biện pháp quan trọng để cắt đứt nguồn lây.

Ngoài ra, những nguy cơ lây nhiễm từ ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị..., cũng cần được tập trung giải quyết, không để lây lan từ đây.

Bộ Y tế xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19

Ngày 17/8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19. Đây là lần thứ 2 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Theo quyết định của Bộ Y tế, có 17 bệnh viện (các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19) và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Sở Y tế các tỉnh TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cần Thơ được cấp xuất thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 trong đợt này.

Trước đó, ngày 8/8, lô thuốc đầu tiên 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP.HCM.

Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 19/8 đến hết tháng 8, có thêm khoảng 330 nghìn lọ Remdesivir sẽ về TP.HCM.

Đây là các lô Remdesivir trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế sử dụng điều trị bệnh nhân Covid-19.

Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, từng được cựu Tổng thống Mỹ sử dụng để chữa Covid-19.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

Thuốc Remdesivir cũng là thuốc đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị Covid-19, cho bệnh nhân Covid nặng, thở máy/ECMO…

Theo hướng dẫn sử dụng của Bộ Y tế, thời điểm dùng thuốc Remdesivir là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh và nên phối hợp với Dexamethasone.

Cũng heo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc này ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25).

Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO.

Riêng đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ thuốc này chống chỉ định với trường hợp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; Suy chức năng thận eGFR < 30mL/phút; Tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên; Suy chức năng đa cơ quan nặng.

Hướng dẫn của Bộ Y tế lưu ý thuốc này thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thuốc Remdesivir là thuốc mới, liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo đó trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ về hiệu quả của thuốc. Việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định.

Hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covivac

Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1404/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế sản xuất.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng 8.807 triệu đồng từ nguồn Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 Việt Nam để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất Quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo.

Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Hôm nay 18/8, dự án phát triển vắc-xin Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang sẽ khởi động tiêm mũi 1 của giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Đây là ứng viên vắc-xin có tiến độ thứ 2 trong số vắc-xin nội.

Cũng trong ngày, đơn vị nhận thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covivac là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Đại học Y Hà Nội, sẽ tiến hành tiêm thử cho những người đầu tiên trong số 375 người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc-xin này.

Covivac là ứng viên vắc-xin nội có tiến độ triển khai nhanh thứ 2 tại Việt Nam. Thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy vắc-xin đảm bảo độ an toàn, ở giai đoạn 2 thử nghiệm trên 375 người tại Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nhằm đánh giá độ an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin, ở 2 mức liều là 3 mcg và 6 mcg.

Ở giai đoạn 1 vừa kết thúc, 120 người tiêm Covivac đều an toàn và đáp ứng yêu cầu theo đề cương của Bộ Y tế.

Bạc Liêu tận dụng 7 ngày vàng để ngăn dịch

Tận dụng tối đa thời gian “7 ngày vàng” của đợt giãn cách thứ 3, ngành y tế Bạc Liệu đã khẩn trương tăng cường xét nghiệm tầm soát, sàng lọc Covid-19 để tách F0 ra khỏi cộng đồng trên phạm vi toàn Tỉnh.

Bác sĩ Tô Minh Cảnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong chiến dịch lấy mẫu tầm soát Covid-19, tại thành phố Bạc Liêu sẽ có 10.146 hộ gia đình được lấy mẫu ngẫu nhiên.

Bên cạnh việc tăng cường xét nghiệm sàng lọc diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng, Bạc Liêu cũng nỗ lực đẩy mạnh công tác tiêm chủng.

Theo Báo cáo của Sở Y tế Bạc Liêu, tính đến ngày 16/8, Bạc Liêu đã tiêm vắc-xin Covid-19 cho 107.342 người, trong đó số được tiêm 1 mũi là 96.738 người và số được tiêm 2 mũi là 10.604 người. 

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh quyết liệt tuân thủ giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong 7 ngày tới; chỉ đạo các lực lượng chức năng “quản lý chặt vòng ngoài, kể cả người đi bộ. 

Với nhóm giải pháp này, Bạc Liêu mong muốn sẽ sớm “xanh hoá” toàn Tỉnh trong thời gian tới, nhằm nới lỏng các quy định về phòng, chống dịch, nới lỏng giãn cách, phục vụ phát triển kinh tế. Đây là việc làm quan trọng, do thời điểm này Bạc Liêu đang trong vụ thu hoạch lúa Hè Thu.

Đánh giá về công tác xét nghiệm tại Bạc Liêu, Tổ Công tác Bộ Y tế góp ý Ban Quản lý điểm lấy mẫu cần thực hiện tốt hơn việc phân luồng đối với người dân đến lấy mẫu.

Bố trí nước uống, thiết bị che chắn, không để người dân phải ngồi giữa trời nắng để chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm; Bố trí thu gom rác sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm gọn gàng, theo phương châm “làm đến đâu, sạch đến đó”. 

Tổ Công tác cũng lưu ý các đơn vị làm công tác xét nghiệm của Tỉnh phải tăng cường thực hiện xét nghiệm mẫu gộp đối với các xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên.

Đối với các phường/xã đã được đánh giá có nguy cơ cao hoặc rất cao, phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, thì áp dụng mẫu gộp, từ 5 đến 10 mẫu/1 lần, tuỳ vào các tình huống cụ thể. Việc này sẽ giúp Bạc Liêu tiết giảm sinh phẩm xét nghiệm và đảm bảo thời gian thực hiện Kế hoạch.

Đồng Nai tận dụng mọi nguồn lực không để dân thiếu ăn

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu các cấp chính quyền địa phương lưu ý điểm tiêm vắc-xin và lấy mẫu xét nghiệm xảy ra tình trạng tập trung đông người cần chấn chỉnh, khắc phục. 

Nếu còn để tụ tập đông người ở điểm tiêm, lấy mẫu xét nghiệm sẽ có nguy cơ biến thành những ổ dịch lây lan ra cộng đồng.

Ông Lĩnh yêu cầu đến hết tháng 8, UBND tỉnh Đồng Nai phải tổ chức sàng lọc hết các ca F0 ra khỏi cộng đồng và tập trung cứu người, hạn chế số ca tử vong do mắc Covid-19. 

Chính quyền vận động người dân ở yên trong nhà, không tụ tập đông người, tận dụng mọi nguồn lực để giúp dân ở từng khu phố và ấp, không để dân thiếu ăn.

Hà Nội thêm 5 ca Covid-19 tại 3 quận, huyện

Sáng 18/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 17/8 đến 6 giờ sáng nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 5 ca mắc mới đều là ca bệnh ghi nhận tại khu cách ly.

Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân. Ảnh: Hoàng Giám

Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.313 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.233 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.080 ca.

Liên quan đến thông tin 10 trẻ em ở Đội Cấn mắc Covid-19, lãnh đạo quận Ba Đình khẳng định, đây là thông tin sai sự thật.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin “Ngõ 68 Đội Cấn có 1F0 bị phong toả mà dân cứ cho trẻ con ra sân chung chơi. Giờ hơn 10 cháu từ 2 đến 10 tuổi bị F0. Đội Cấn phong toả mạnh”. Cùng đó là hình ảnh xe cứu thương và nhiều người mặc đồ bảo hộ phòng chống Covid-19.

Về việc này, lãnh đạo quận Ba Đình khẳng định, nội dung thông tin là sai sự thật. Ngõ 68 phố Đội Cấn không có sân chơi, chỉ có sân sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ. Từ khi ngõ có F0 và bị phong toả, trong ngõ 68 có 3 cháu bé dưới 10 tuổi là F0 chứ không phải hơn 10 cháu.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, hình ảnh bên trong ngõ 68 Đội Cấn được theo dõi thường xuyên, bên trong khu vực này không có hiện tượng tập trung đông người. Việc phong toả, cách ly được thực hiện nghiêm theo quy định.

TP.HCM: Số ca F0 tăng đột biến

Theo số liệu cập nhật của Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, số lượng F0 được phát hiện ngoài cộng đồng tại TP.HCM tăng đột biến tại hầu hết quận, huyện.

Trong ngày 17/8, quận Bình Thạnh ghi nhận số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất thành phố với 345 ca. Trong đó, 310 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện, chiếm gần 90% tổng số ca nhiễm toàn quận.

Xếp thứ 2 là quận Tân Bình với 332 ca mắc Covid-19. Trong đó, 259 người được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện, chiếm 78% tổng số ca trong ngày.

Quận 3 ghi nhận 269 ca, trong đó gần 82% là người nhiễm được phát hiện ngoài cộng đồng (220 ca). Địa bàn ghi nhận tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng cao nhất tại TP.HCM trong ngày 17/8 là huyện Hóc Môn. Huyện này có 197 ca mắc Covid-19 được công bố, trong đó 194 F0 ngoài cộng đồng, chiếm hơn 98%.

Quận Bình Tân cũng là điểm "nóng" nhất tại TP.HCM với tổng số ca mắc trong đợt bùng phát này là 13.492. Trong 24 giờ, toàn quận ghi nhận thêm 181 ca nhiễm, số lượng F0 ngoài cộng đồng chiếm hơn 96% (174 ca).

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, những ngày qua, tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng.

Trước đây, tỷ lệ F0 trong khu phong tỏa gần 80%. Nhưng hôm nay, F0 mới trong cộng đồng chiếm 53% (3.342 trường hợp), trong khu phong tỏa là 41%.

Toàn thành phố có 17 ổ dịch đang diễn tiến. Trong đó, 2 ổ dịch ở chợ là chợ Cầu Muối (470 ca) và chợ Vườn Chuối (612 ca). 15 ổ dịch khu dân cư.

Đáng chú ý, ổ dịch mới bùng phát gần đây tại đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 (khu chợ Gà, chợ Gạo) có số ca mắc tăng rất nhanh. 

Được biết, hiện tại Thành phố đang điều trị hơn 32.000 bệnh nhân. Trong đó, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Xử nghiêm cơ sở y tế từ chối bệnh nhân

Ngày 17/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành uỷ, UBND TP.HCM về công tác chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19, bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 và cấp cứu và điều trị theo mô hình tháp 3 tầng. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát luôn túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần. 

“Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Song song đó cần mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó lưu ý tầng 2 phải bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. 

Tầng 2, dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân. 

Nếu điều trị trong 7-10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khoẻ thì cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khoẻ tại nhà.

Các bệnh viện thuộc tầng 3 bắt buộc giao ban hàng ngày về chuyên môn với các bệnh viện tầng 2, đồng thời cử ê- kip y bác sĩ của tầng 3 xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân ở tầng 2, chuyển tuyến tầng 3 ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y bác sĩ tại tầng 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị TP.HCM mở rộng thêm các Tổ đáp ứng nhanh tại các xã, phường (hiện Thành phố có 312 tổ); mỗi tổ này chỉ cần 1-2 nhân viên y tế còn lại là tình nguyện viên (có thể xem xét huy động lực lượng quân đội); có trạm oxy ngay tại các địa bàn do Tổ đáp ứng nhanh thường trực/Tổ dân phố quản lý và sử dụng ngay cho người dân khi cần cấp cứu. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng quán triệt “nếu bệnh viện công nào từ chối bệnh nhân đề nghị Thành phố kỷ luật, nếu cơ sở y tế trực thuộc Bộ thì Cục Quản lý Khám chữa bệnh kỷ luật. Nếu là cơ sở y tế tư nhân sẽ rút giấy phép ngay. Chúng ta phải đặt tính mạng, sức khoẻ của người bệnh lên trên, lên trước hết”.

Công thức 5 điểm chống dịch ở TP.HCM

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý TP.HCM cần đặc biệt lưu tâm thực hiện 5 điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này, đó là, thành phố phải thực hiện giãn cách thật nghiêm. 

“Giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, Thành phố phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra bên ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ ba, xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng. 

Về xét nghiệm, TP.HCM tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 86, có thể làm theo 2 hướng. Thứ nhất để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Thứ hai, Thành phố chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin vào ngày 20/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ thành phố, mỗi xe 2.000- 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP.HCM.

[Infographic] Hà Nội hỗ trợ đặc thù các đối tượng ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch COVID-19
HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư