Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Không triệt để giãn cách xã hội, dịch càng khó kiểm soát
D.Ngân - 17/08/2021 16:41
 
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Nếu không tốt, không triệt để việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dịch tiếp tục bùng lên thì cuộc chiến sẽ còn kéo dài và gian nan hơn rất nhiều.

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, qua giám sát trường hợp ho, sốt và xét nghiệm hơn 300.000 mẫu trên diện rộng cho thấy số mắc tại Hà Nội có giảm, số ổ dịch mới có giảm. Số ca nhiễm cao chủ yếu trong khu cách ly và khu phong tỏa.

Hà Nội có ưu điểm là đã có những biện pháp kiểm soát sớm và quyết liệt để dịch không bùng phát lên trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như các địa phương phía Nam.

Tuy vậy chuyên gia cũng cho hay, nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao, qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ trong khu vực. Chưa kể, những nguy cơ lây nhiễm từ các chuỗi như ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị,… cũng cần phải được tập trung có biện pháp, không để lây lan từ đây.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan thừa nhận, một số khu phong toả như Liên Ninh (Thanh Trì), Văn Chương (Đống Đa) hay Đông Anh,… vẫn phát hiện những ca dương tính. Vì vậy, giãn cách là biện pháp hiệu quả nhất để tránh lây lan, cần phải giám sát chặt các khu vực này thì mới không bùng phát dịch.

Từ thực tế nêu trên PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội cần thiết kế lại việc xét nghiệm trong đợt tới làm sao ưu tiên xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, các bệnh viện, nhân viên ngân hàng, bưu điện, shipper…

Tận dụng thời gian giãn cách, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đề xuất TP.Hà Nội cần phải tăng tốc độ tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, vùng dịch có nguy cơ cao và tiến tới tiêm cho toàn dân.

“Theo tôi, việc tiêm vắc-xin Covid-19 không chỉ dành cho người có hộ khẩu Hà Nội mà phải tiêm cho người sống trên Hà Nội vì dịch có thể lây lan cho mọi người trên địa bàn. Hiện Hà Nội đang đăng ký online tiêm chủng, do đó cũng cần rà soát xem các đối tượng đã đăng ký hết chưa để bao phủ tiêm”, ông Phu nói.

Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm không được để tụ tập đông người tại các điểm tiêm, điểm lấy mẫu xét nghiệm, người dân thực hiện nghiêm giãn cách, không ra đường khi không có việc thực sự cần thiết.

Nhận định về diễn biến dịch của TP Hà Nội, ông Phu cho biết, Hà Nội đã bước qua nửa thời gian của đợt giãn cách xã hội thứ hai và sau đợt này, Hà Nội nên có những bước nới lỏng thận trọng.

“Dịch vẫn diễn biến phức tạp, nếu tháo bỏ các quyết định giãn cách để dịch xâm nhập sẽ rất nguy hiểm. Do đó, chúng ta sẽ nới lỏng dần dần, phải tính toán nới khu nào, nới hoạt động gì. Vùng nào đang phong tỏa do có nguy cơ cao thì cần tiếp tục phong tỏa chặt. TP Hà Nội phải lưu ý bảo vệ, nhân rộng vùng xanh. Nếu mất vùng xanh, dịch sẽ lại bùng phát lên”, ông Phu nhấn mạnh.

Để quyết liệt phòng dịch hơn nữa, PGS.TS.Trần Đắc Phu cho rằng cần tiếp tục triển khai việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ. 

Chuyên gia cũng cho hay, cần xác định rằng xét nghiệm chỉ là thời điểm hiện tại, còn khi mở cửa, di biến động ra vào Hà Nội tăng thì vẫn có khả năng bùng dịch, vì vậy cần triển khai mạnh mẽ hơn việc giãn cách, 5K, quét mã QR ở các cơ quan, đơn vị, siêu thị, điểm công cộng kết hợp với đẩy mạnh tiêm vắc-xin.

Về phía TP. Hà Nội theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan, nhằm kiểm soát dịch, một kênh thông tin rất hiệu quả để phát hiện ca bệnh là việc khai báo ho, sốt qua Bluezone, tờ khai y tế điện tử. 

Thực tế trong thời gian qua, từ tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông hàng ngày, các trường hợp khai báo ho, sốt đã được lấy mẫu xét nghiệm và đã phát hiện nhiều ca F0. 

Do đó, CDC kêu gọi người dân hãy tích cực khai báo y tế, đặc biệt là khi có các biểu hiện như ho, sốt, khó thở để được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, sàng lọc kịp thời.

Về vấn đề tiêm chủng, theo bà Lan, Hà Nội nhận được phân bổ vắc-xin đến đâu đã hoàn thành tiêm tới đó. Hiện thành phố nhận hơn 1,9 triệu liều vắc-xin và đã cơ bản tiêm hết số vắc-xin này.

Người dân trên địa bàn Thành phố khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần thực hiện ngay một trong các hình thức sau để được hướng dẫn và làm làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí:
- Khai báo y tế trên website www.tokhaiyte.vn hoặc trên ứng dụng Bluezone.
- Liên hệ CDC Hà Nội (0969.082.115 hoặc 0949.396.115);
- Liên hệ đường dây nóng của Sở Thông tin và Truyền thông: 0889.55.66.55 và 0889.55.77.55.
- Liên hệ Trạm y tế phường, xã nơi cư trú.
Phản ứng "Cánh tay Covid” sau tiêm vắc-xin Moderna
Đau và sưng tấy tại chỗ tiêm là những phản ứng phổ biến thường gặp đối với vắc-xin Covid-19 mRNA của Moderna và Pfizer-BioNTech.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư