Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tăng tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19
Dương Ngân - 16/08/2021 08:52
 
Tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của một số địa phương đang khá chậm, buộc Bộ Y tế phải có động thái mạnh hơn trong việc xem xét phân bổ vắc-xin, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
.
Thực trạng nguồn cung vắc-xin khan hiếm và tốc độ tiêm chủng ở nhiều nơi còn khá chậm

Tốc độ tiêm chủng chưa đạt kỳ vọng

Để đạt mục tiêu bao phủ cho 75% dân số được tiêm vắc-xin Covid-19 (khoảng 150 triệu liều vắc-xin), theo tính toán, từ nay đến cuối năm, các tỉnh, thành phố phải tiêm được thêm hơn 60 triệu liều mũi 1 và hơn 70 triệu liều mũi 2, trung bình mỗi ngày phải tiêm được khoảng 1 triệu mũi.

Đó là trường hợp nguồn cung vắc-xin đủ. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang phải đối diện với thực trạng nguồn cung vắc-xin khan hiếm và tốc độ tiêm chủng ở nhiều nơi còn khá chậm. Nhìn vào số liệu tiêm chủng những ngày qua, có thể thấy, chỉ có ngày 10/8, cả nước tiêm được hơn 1 triệu liều vắc-xin, còn lại, số lượng vắc-xin được tiêm mỗi ngày chỉ dao động 300.000 - 600.000 liều.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, báo cáo tổng hợp, đánh giá của Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia cho thấy, tại một số địa phương, tiến độ tiêm chủng vắc-xin chậm so với số lượng vắc-xin được phân bổ.

Lý giải về tốc độ tiêm vắc-xin chậm, ông Tô Thành Tài, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh cho biết, lực lượng y tế của tỉnh quá mỏng, những ngày đầu thực hiện tiêm chủng còn nhập dữ liệu rất thủ công, chưa có sự đồng bộ giữa ngành y tế và đơn vị viễn thông thực hiện phần mềm tiêm. Bên cạnh đó, nhân lực y tế phải tỏa xuống toàn bộ huyện, thị xã, về tận cơ sở chống dịch, căng sức trên khắp các mặt trận...

- Tính đến ngày 11/8, đã có hơn 18 triệu liều vắc-xin Covid-19 được nhập khẩu về Việt Nam. Cả nước đã tiêm được hơn 11 triệu liều vắc-xin, trong đó, số lượng tiêm mũi 1 là hơn 10 triệu liều, mũi 2 là hơn 1 triệu liều.

- Các địa phương có tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 chậm so với số lượng vắc-xin được phân bổ trong thời gian qua gồm: Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hóa.

Trả lời câu hỏi vì sao Đồng Nai triển khai tiêm vắc-xin chậm, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực y tế. Lực lượng y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng, chống dịch, tham gia các bệnh viện dã chiến và điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời phải đảm bảo duy trì công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nên luôn trong tình trạng quá tải.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình cho hay, thông tin đầu vào hệ thống phần mềm yêu cầu rất nhiều thông tin bắt buộc liên quan đến người được tiêm chủng, chỉ cần một thông tin không đáp ứng, thì không thể tải danh sách dữ liệu lên phần mềm, gây chậm tiến độ cho việc trả kết quả tiêm chủng bằng phần mềm. Sau buổi tiêm chủng, nhân viên y tế phải trực tiếp liên hệ từng người được tiêm để nhập dữ liệu thông tin lên phần mềm, rất vất vả và tốn nhiều thời gian.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19, ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh huy động toàn bộ hệ thống tiêm chủng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng của Nhà nước và tư nhân đủ điều kiện tiêm chủng, triển khai các cụm tiêm chủng lưu động tại nhà máy, khu công nghiệp để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.

Tỉnh cũng yêu cầu cơ sở tiêm chủng bố trí người đến tiêm theo các khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng phải đảm bảo giãn cách để phòng chống dịch, sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng.

Tây Ninh thực hiện chiến thuật tiêm “nở hoa”, chọn 2 - 3 xã gần nhau, bố trí 1 điểm tiêm đủ rộng, thực hiện nghiêm giãn cách. Các địa phương mời người dân đến tiêm qua tin nhắn điện thoại, chính quyền cơ sở đến từng nhà hướng dẫn người dân đến tiêm đúng thời gian và tuân thủ 5K. Tại mỗi điểm tiêm chủng của Tây Ninh đều đã bố trí nhân viên trực kỹ thuật cập nhật xử lý các sự cố phần mềm.

Tại Tiền Giang, lãnh đạo Sở Y tế thông tin, từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ được phân bổ hơn 2,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 các loại và sẽ phải tổ chức chiến dịch tiêm 20.000 - 30.000 liều mỗi ngày (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật) thì mới đáp ứng kịp thời gian cho số vắc-xin được phân bổ (khoảng 4 - 5 tháng).

Cam kết tăng tốc độ tiêm chủng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang yêu cầu các huyện huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm cả cơ sở y tế nhà nước và tư nhân, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế của các ngành, tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị...

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu việc tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 không để phát sinh cơ chế xin - cho, nghiêm cấm tiêu cực trong tổ chức tiêm vắc-xin. “Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính về công tác phòng chống dịch, trong đó có tiêm vắc-xin Covid-19”, Thứ tưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Nhằm tăng tốc tiêm chủng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các địa phương bố trí cả điểm tiêm cố định và lưu động, càng nhiều điểm tiêm càng tốt. Đối với từng đợt vắc-xin về, các địa phương cần nhanh chóng triển khai tiêm chủng theo hình thức cuốn chiếu.

Bộ Y tế yêu cầu, không giới hạn số người tiêm trong một điểm tiêm, nhưng phải đảm bảo tuân thủ chống dịch, an toàn tiêm chủng. Các địa phương phải xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong tiêm chủng. UBND các tỉnh, thành phố phải phân công một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chịu trách nhiệm về công tác tiêm chủng vắc-xin, nếu để xảy ra chậm, tiêu cực trong tiêm chủng, thì phải chịu trách nhiệm.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vắc-xin ở nơi tiêm chậm về nơi có tốc độ tiêm nhanh. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu, mỗi ngày 2 lần, các địa phương phải cập nhật ngay, triệt để số liệu tiêm lên cổng thông tin điện tử tiêm chủng.

Đặc biệt, tới đây, khi vắc-xin về số lượng lớn, tần suất nhiều, theo yêu cầu của ngành y tế, một số loại vắc-xin phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu cần phải có kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng y tế với quân đội, giữa trung ương với địa phương và các quân khu.

Ban Dân vận Trung ương đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động; sớm nghiên cứu tiêm vắc-xin dịch vụ
Theo Ban Dân vận, tiêm vắc-xin dịch vụ không chỉ giúp doanh nghiệp có nhu cầu có thể bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn đảm bảo sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư