Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 28/7: Hà Nội thêm 18 ca dương tính; nhiều bệnh viện tư TP.HCM vào cuộc
D.Ngân - 28/07/2021 08:14
 
Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7, nước ta có 2.861 ca mắc Covid-19 mới; Nhiều bệnh viện tư tại TP.HCM đăng ký tham gia điều trị.

Hà Nội xử phạt gần 900 trường hợp vi phạm trong ngày thứ 5 giãn cách xã hội

Ngày 28/7, ngày thứ 5 TP.Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17, lực lượng chức năng đã xử phạt 898 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, đa số là các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, cơ sở kinh doanh không chấp hành dừng hoạt động.

Cụ thể, số lượng hành vi vi phạm chủ yếu bị phạt cao nhất là 169 trường hợp do không đeo khẩu trang nơi công cộng, tổng số tiền xử phạt là 260 triệu đồng.

05 trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động bị xử phạt 67,5 triệu đồng. Trong đó, địa bàn quận Hoàn Kiếm 01 cơ sở, huyện Gia Lâm 02 cơ sở, huyện Thạch Thất 02 cơ sở.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử phạt hành chính 724 trường hợp với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng về các hành vi vi phạm khác như: không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...

Như vậy, trong 5 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, đến nay, các cơ quan chức năng Thành phố đã xử phạt hành chính số tiền hơn 4,6 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Các ngành, địa phương đã chủ động có phương án triển  khai thực hiện nghiêm túc, đa số người dân đã chấp hành. Tuy nhiên, có nơi, có chỗ, việc thực hiện giãn cách chưa thực sự triệt để; nhiều trường hợp chưa nâng cao ý thức tự giác, ra ngoài không có lý do, cá biệt có trường hợp chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng khi làm việc.

Thời gian tới, các đơn vị của Công an Thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, quyết tâm cùng toàn thể hệ thống chính trị và người dân Thủ đô chung sức, đồng lòng chiến thắng được dịch bệnh.

***

Thêm 3.698 ca mắc mới trong ngày 28/7

Tính từ 6h đến 19h ngày 28/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.698 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 3.697 ca ghi nhận trong nước .

Trong ngày 28/7 tại các ổ dịch có 6.559 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 6.555 ca ghi nhận trong nước.

Số ca mắc cao nhất là TP.HCM, với 4.449 ca; Bình Dương (631); Đồng Nai (271); Đồng Tháp (244); Khánh Hòa (147); Tây Ninh (120)…

Tính đến chiều ngày 28/7, Việt Nam có tổng 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 117.042 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 27.457 ca. số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 211 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 17 ca.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 106 ca tử vong do Covid-19 (số 525-630) từ ngày 19-26/7/2021.

Để đảm bảo cung ứng đủ thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch Covid-19, ngày 27/7, Bộ Y tế đã có công văn số 6058/BYT-KHTC gửi UBND các tỉnh, thành phố để hướng dẫn công tác mua sắm đảm bảo công tác hậu cần trong phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 6075/BYT-TB-CT ngày 28/7/2021 về việc thông báo danh sách các đơn vị sản xuất, cung ứng trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, Viện nghiên cứu trực thuốc Trung ương và đơn vị y tế của các Bộ, ngành để các đơn vị chủ động liên hệ, có kế hoạch mua sắm trang bị phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

***

Hà Nội: 65 ca mắc mới trong ngày

Từ 12 giờ ngày 28/7 đến 18 giờ ngày 28/7, Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp mắc mới, trong đó 7 ca tại cộng đồng và 5 tại khu cách ly tập trung.

Như vậy từ 18 giờ ngày 27/7 đến 18 giờ ngày 28/7 ghi nhận 65 ca mắc (42 ca tại cộng đồng và 19 ca tại khu cách ly).

Trường hợp 1 chùm ca bệnh liên quan Nguyễn Khuyến, Đống Đa là bệnh nhân V.T.H, nữ, sinh năm 1975; địa chỉ: Mễ Trì, Nam Từ Liêm.

Trường hợp 2: Chùm ca bệnh liên quan Bắc Giang là N.T.K.C, nữ, sinh năm 1990; địa chỉ: Võng La, Đông Anh.

Trường hợp 3 - 9: Chùm ca bệnh ho sốt thứ phát (các ca bệnh tiếp xúc gần với ca bệnh phát hiện qua sàng lọc các trường hợp ho sốt tại cộng đồng) là bệnh nhân N.T.N.H, nữ, sinh năm 1958, địa chỉ: Phúc Tân, Hoàn Kiếm.

Bệnh nhân P.T.H.H, nữ, sinh năm 1986; (5) N.B.C, nữ, sinh năm 2005; bệnh nhân N.B.Q, nữ, sinh năm 2016, địa chỉ: Nhân Chính, Thanh Xuân.

Bệnh nhân N.T.K, nữ, sinh năm 1968; (9) V.T.T, nam, sinh năm 1964, địa chỉ: Bát Tràng, Gia Lâm.

Trường hợp 10 - 11: Chùm ca bệnh liên quan Tân Mai, Hoàng Mai là bệnh nhân N.T.H.N, nữ, sinh năm 2000, (11) B.T.N, nữ, sinh năm 2013; địa chỉ: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân.

Trường hợp 12 là chùm ca bệnh phát hiện qua sàng lọc ho sốt cộng đồng là N.T.K, nữ, sinh năm 1941, địa chỉ: Trung Hòa, Cầu Giấy.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 935 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 579 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 356 ca.

***

Bệnh viện Dã chiến số 16 đi vào hoạt động

Ngày 28/7, Bệnh viện Dã chiến số 16 của TP.HCM (phường Phú Thuận, Quận 7) chính thức đi vào hoạt động với quy mô gần 3.000 giường sau 20 ngày tức tốc xây dựng.

Trong ngày đầu tiên, Bệnh viện Dã chiến số 16 có gần 700 giường. Hai ngày tới sẽ nhận bàn giao tiếp 500 giường, số giường còn lại hoàn thành vào đầu tháng 8/2021.

Bệnh viện Dã chiến số 16 do Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận, vận hành. Tất cả phòng bệnh của Bệnh viện Dã chiến số 16 được thiết kế thoáng mát, chia ra nhiều phân khu khác nhau: Phân khu điều hành; khu bệnh nhân mới tiếp nhận; khu bệnh nhân có triệu chứng; khu cấp cứu…

Bệnh viện có đến 350 đầu ô xy đáp ứng cùng lúc cho hàng loạt bệnh nhân trong tình huống phải cấp cứu, thở ô-xy. Đồng thời đã lắp đặt bồn ô-xy có dung tích 7,5m3 dẫn ô-xy tới tận 350 giường cho bệnh nhân.

Cùng với đó chuẩn bị sẵn 350 bình ô-xy di động có gắn đầy đủ các bộ thở và dụng cụ đi kèm.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Hùng Vương sẽ điều sang Bệnh viện Dã chiến số 16 hơn 300 y bác sĩ. Số lượng này theo tiến trình tiếp nhận bệnh nhân của Bệnh viện Dã chiến số 16. Nhiều máy móc, phương tiện đã sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho Bệnh viện Dã chiến số 16.

***

Cần Thơ ghi nhận 76 ca nhiễm COVID-19 mới

Theo Báo cáo nhanh của Sở Y tế TP. Cần Thơ, trong ngày 28/7/2021 (tính đến 17h00) Thành phố ghi nhận 76 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 13 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 29 trường hợp trong khu cách ly và 34 trường hợp được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm.

Một điểm phong tỏa trên đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Ảnh: HL

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp lực lượng công an khẩn trương rà soát, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly các trường hợp liên quan (đã truy vết 173 F1, 69 F2 liên quan và đang tiếp tục điều tra, truy vết), đồng thời tiến hành phun khử khuẩn các địa điểm liên quan theo quy định. Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được chuyển đến các cơ sở y tế cách ly và điều trị.

Trong ngày, có 13 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện và tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định.

Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, tính đến 17h00 ngày 28/7/2021, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố là 1.023 người, số tử vong là 07 người, số trường hợp điều trị khỏi là 70 bệnh nhân. Số trường hợp đang cách ly tập trung 2.804 người. Lũy tích đến nay có 5.776 người hoàn thành cách ly tập trung, trở về địa phương.

Số người đang cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn là 5.668 người. Lũy tích đến nay có 64.181 người hoàn thành theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú.

Về công tác giám sát, ngăn chặn, lực lượng tại các điểm kiểm soát trên địa bàn TP. Cần Thơ đã thực hiện quản lý chặt chẽ thông tin người dân di chuyển vào Thành phố, đồng thời triển khai thực hiện test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 cho các trường hợp về từ vùng dịch.

Về công tác điều trị, các Bệnh viện dã chiến Cái Răng, Bình Thủy, Thới Lai, Quân Dân Y, Thốt Nốt, Phong Điền với tổng quy mô 1.000 giường đã được kích hoạt và tiếp nhận bệnh nhân. Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.

***

Sau 1/8, TP.HCM có thể cần thêm thời gian thực hiện các biện pháp hiện nay

Chiều 28/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các vấn đề dư luận quan tâm.

Thông tin mở đầu buổi họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16.

Đến hôm nay, việc hạn chế tối đa ra đường sau 18 giờ hàng này được người dân Thành phố thực hiện nghiêm. Điều này thể hiện sự hợp tác của người dân trong việc thực hiện giãn cách ở TP.HCM.

Theo ông Đức, tình hình dịch bệnh của Thành phố có nhiều diễn biến phức tạp. Những ngày qua, số lượng F0 vẫn tăng với con số hàng nghìn ca/ngày. TP.HCM đang tiếp tục tăng nguồn lực, mở thêm bệnh viện điều trị đảm bảo chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19. Đồng thời, trường hợp F0 không có triệu chứng, hoặc F0 có triệu chứng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, vừa có điều kiện tâm lý, điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn và giảm áp lực cho cơ sở y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trước số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng, ngành y tế đã triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch trong giai đoạn mới như: tầm soát tất cả F0, thậm chí cả những trường hợp F0 không triệu chứng. Đồng thời, đã đưa vào sử dụng nhiều khu cách ly từ các tòa nhà tái định cư, ký túc xá.

Công tác chăm sóc F0, đối với các trường hợp test nhanh không có triệu chứng sẽ được ngành y tế cho theo dõi và chăm sóc tại nhà, khi có triệu chứng người bệnh cần liên hệ ngay đến các cơ quan y tế. Thành phố cũng mở rộng mạng lưới tư vấn qua điện thoại với các bác sĩ đầu ngành.

Phát biểu tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, trong những ngày đầu thực hiện các biện pháp tăng cường Chỉ thị 16 với quy định giới hạn di chuyển sau 18 giờ hàng ngày, thấy rõ TP.HCM rất “im”. Tuy nhiên, từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày vẫn có đông người dân ra đường, cần phải tiếp tục hạn chế hơn nữa.

Theo ông Mãi, ngày 27/7, UBND Thành phố đã có văn bản đề nghị các cơ quan nhà nước gồm các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và cơ quan Thành phố thực hiện nghiêm về giảm công chức, viên chức đi làm ở mức tối thiểu. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan tổ chức làm việc tại nhà, để hạn chế tối đa việc đi ra đường từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.

Song song đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm. Trong đó xử lý cả các cấp, các ngành chức năng, tổ chức cá nhân có trách nhiệm trong đảm bảo giãn cách này nhưng chưa thực hiện hết trách nhiệm.

Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhìn nhận, những biện pháp này do chính người dân Thành phố đồng lòng, nghiêm túc thực hiện và giám sát. Qua đó, nếu thấy lực lượng chức năng nào chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình, nhóm dân cư nào chưa thực hiện nghiêm thì người dân phản ánh, có thể qua tổng đài 1022, qua các đường dây nóng ở từng khu phố, xã, phường. Từ đó, giúp lãnh đạo nhận thông tin, xử lý nghiêm với tinh thần thực hiện triệt để giãn cách xã hội.

Phó Bí thư Phan Văn Mãi cũng đặc biệt thông tin, vừa qua Thành phố đã nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia về các kịch bản chống dịch cho TP.HCM. Tuy nhiên, Thành phố sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị 12 của Thành uỷ và văn bản của UBND Thành phố.

“Cho đến giờ này, chúng tôi nghĩ rằng sau ngày 1/8, TP.HCM sẽ cần thêm khoảng thời gian để tiếp tục thực hiện biện pháp này, có thể một tuần, hoặc hai tuần. Đến ngày 1/8, Thành phố sẽ đánh giá, có chủ trương, biện pháp cho thời gian tới”, ông Mãi thông tin.

***

TP.HCM không thiếu thịt heo khi Vissan ngừng cung cấp

Ngày 28/7, thông tin về việc Công ty chuyên cung cấp thịt lợn lớn như Vissan phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, thông thường nguồn cung thịt heo cho TP.HCM là 10.000 con/ngày. Trong những ngày qua, lượng tiêu thụ giảm nhiều, chỉ còn mức 5.000 - 6000 con/ngày, có ngày chỉ còn 4.500 con.

Trong đó, sản lượng của Công ty Vissan trong những ngày qua chiếm khoảng 10% thị phần. Nguồn cung thịt heo cho người dân thành phố ngoài Công ty Vissan, còn có những nhà cung cấp khác như có Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CP, Masan, CJ, Anh Hoàng Thy… 

Hiện nay, các hệ thống bán lẻ hiện đại đã làm việc, tăng tiếp nhận nguồn hàng từ các nhà phân phối khác để bổ sung nguồn cung thịt lợn kịp thời cho người dân khi Công ty Vissan đóng cửa. Do đó, nguồn cung thịt heo cho cả thành phố không bị ảnh hưởng, mà chủ yếu vướng ở kênh phân phối hiện đại.

“Công ty Vissan còn có nguồn dự trữ thịt lợn đông lạnh tương đối lớn, có thể cung cấp cho các hệ thống phân phối để thay thế lượng hàng giết mổ nóng tạm gián đoạn trong thời gian này”, ông Phương cho biết.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, tuần trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, Sở Công Thương và tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp liên quan đến các phương án dự phòng khi các cơ sở giết mổ có thể ngưng hoạt động do có nhân viên nhiễm Covid-19.

Theo đó, không chỉ riêng trường hợp Vissan mà các cơ sở khác nếu ngưng hoạt động do nhân viên nhiễm Covid-19 thì những cơ sở giết mổ còn lại sẽ tăng công suất, điều chuyển thịt heo giết mổ từ các tỉnh về TP.HCM. Do đó, trong thời gian tới, nguồn cung cấp thịt heo cho người dân TP.HCM vẫn bảo đảm.

“Tối qua (27/7), Vissan vẫn thực hiện giết mổ với sản lượng khoảng 700 con nhưng họ có khó khăn mới là phát hiện một số ca F0 ở khâu bốc xếp, vận chuyển nên việc chở thịt heo đến các điểm bán chậm hơn so với bình thường. Thời gian tới, khi Vissan ngừng hoạt động, hệ thống siêu thị, các điểm bán lẻ đang phân phối thịt heo Vissan có thể làm việc với các cơ sở giết mổ khác để có nguồn cung cấp thay thế”, ông Hiệp nói.

Được biết, sau khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" từ 28/6 cho 1.500 nhân viên, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm công nhân, Công ty Vissan đã phát hiện các ca dương tính nên buộc phải tạm ngưng một số khâu trong nhà máy, trong đó có khâu pha lóc và đóng khay.

Đến ngày 20/7, công ty phát hiện thêm 20 ca dương tính Covid-19 nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Hiện nay, Công ty Vissan có 43 ca nhiễm Covid-19 và hàng trăm F1, F2. Do đó, sáng 28/7, ban lãnh đạo Công ty quyết định tạm ngừng cung cấp mặt hàng thịt lợn mảnh tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng.

***

TP.HCM lên kế hoạch tiêm vắc-xin sau 18h

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin, TP.HCM sẽ lên kế hoạch để tiến hành tiêm sau 18h và có kế hoạch để nhận diện nhóm đối tượng này khi ra đường sau thời gian này.

Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về vắc-xin tại TP.HCM chiều 28/7.

Theo ông Mãi, Thành phố đang quy định người dân hạn chế đi ra đường sau 18h. Tuy nhiên, nếu tiêm vắc-xin từ 6h đến 18h sẽ bị giới hạn. Do đó, Thành phố sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin sau 18h trong những ngày sắp tới.

Việc tiêm vắc-xin chủ yếu diễn ra ở từng phường, mỗi phường 2 điểm và chỉ có người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền mới tiêm ở bệnh viện. Thành phố sẽ có số lượng và con người cụ thể để nhận diện người tiêm vaccine được ra đường sau 18h.

“Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin nên đã kiến nghị Bộ Y tế để đơn giản hóa quy trình cũng như đội hình tiêm. Mục tiêu là có nhiều hơn đội hình tiêm cho người dân”, ông  Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nói.

***

Thông tin về việc người dân không gọi được vào đường dây nóng của Trung tâm Cấp cứu 115 và Tổng đài 1022 do quá tải, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, tuy có bố trí tổng đài viên trực 24/24h nhưng do số lượng người dân gọi đến một lần là quá lớn nên thực tế, có cuộc gọi người dân gọi đến không được tổng đài viên tiếp nhận.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận nhiều cuộc gọi hơn bằng các giải pháp như tăng tình nguyện viên trực tổng đài, giới thiệu thêm đường dây nóng để người dân gọi.

Ngoài ra, Sở dự kiến vài ngày nữa sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo callbot, có thể tiếp nhận 3.600 cuộc gọi/giờ.

Về tổng đài 115, ông Thắng thừa nhận có "tình trạng nghẽn mạng". Bởi trước đây, Trung tâm 115 chỉ có 6 đường truyền, sau đó đã nâng lên 14 đường truyền và số cuộc gọi mỗi ngày tăng từ 1.200 lên 5.000. Để giải quyết, Trung tâm 115 đã mở tổng đài dã chiến tại Công ty phần mềm Quang Trung để tăng lên từ 40 đến 100 đường truyền. Đồng thời, tăng sinh viên đại học ngành y để tiếp nhận cuộc gọi của người dân.

"Mục tiêu của Thành phố là Trung tâm 115 phải tiếp nhận tất cả các cuộc gọi của người dân. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi rơi vào đợt cao điểm nên cũng không thể đáp ứng hết các cuộc gọi", ông Thắng nói.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết thêm, từ 0h ngày 28/7, Tổng đài 1022 ghi nhận hơn 217.700 cuộc gọi của người dân, sở đã chuyển 12.100 cuộc gọi đến các đơn vị để giải quyết. Trong số 12.100 cuộc thì các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện đã tiếp nhận, xử lý khoảng 70% cuộc gọi của người dân tới Thành phố.

***

Đồng Nai: Dịch xuất hiện tại doanh nghiệp “3 tại chỗ”

Hiện nay dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai đã lây lan thứ phát với nhiều ổ dịch trên địa bàn.

Nguồn lây nhiễm chủ yếu là trong Tỉnh sau đợt xuất hiện của các ca bệnh đầu tiên của đợt 4 liên quan đến những người về từ các ổ dịch TP.HCM, Bình Dương (đa số liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức).

Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh trên địa bàn. Do lây nhiễm chủ yếu thông qua các chợ, nên tình hình dịch diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.

Số ca mắc Covid-19 ghi nhận nhiều ở các Khu công nghiệp như AMATA, Long Bình, Thạnh Phú, Sông Mây, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn, Nhơn Trạch 2.

Điều lo lắng, tại huyện Nhơn Trạch xuất hiện điểm dịch mới tại các công ty đã thực hiện "3 tại chỗ" trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Công ty Pouchen (TP. Biên Hòa), Changshin (huyện Vĩnh Cửu) là 2 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp quy mô 17.600 - 40.000 lao động cũng phát hiện nhiều ca nhiễm.

Các khu nhà trọ công nhân, khu dân cư ở TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất và các địa phương khác vẫn tiếp tục ghi nhận các ca dương mới qua xét nghiệm tầm soát.

Đặc biệt khu nhà trọ công nhân xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch đã ghi nhận gần 200 ca nhiễm.

Đồng Nai hiện có 4 phòng xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định. Năng lực xét nghiệm hiện tại của 4 phòng xét nghiệm là 3.200 mẫu đơn/ngày, công suất tối đa là 6.000 mẫu đơn/ngày. Tương ứng 30.000 mẫu gộp/ngày. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, năng lực xét nghiệm của địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu chống dịch.

Đồng Nai đang đốc thúc triển khai thêm 3 phòng xét nghiệm Covid-19 đủ điều kiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định.

***

Áp dụng mô hình điều trị 4 tại chỗ

Trước tình hình cấp bách về phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, TS. Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết sẵn sàng giúp Tỉnh giải phóng “điểm nghẽn” về xét nghiệm hiện nay.

“Đồng Nai cần thành lập ban điều phối mẫu xét nghiệm, cần áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống phân phối mẫu, từ tỉnh đến cơ sở. Đối với quần thể có nguy cơ cao nên xét nghiệm mẫu đơn”, TS. Cường khuyến cáo.

Về công tác điều trị, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 4.280 giường. Đang tiếp tục triển khai Bệnh viện dã chiến số 8 quy mô trên 2.000 giường tại huyện Xuân Lộc. Số giường Hồi sức tích cực của tỉnh hiện có 100 giường.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Định Quán đã triển khai các Khoa Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng với tổng số 40 giường. Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đang khẩn trương cải tạo, sửa chữa để triển khai 200 - 300 giường điều trị Covid-19 nặng.

Góp ý về công tác điều trị, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, Đồng Nai cần phấn đấu không để bệnh nhân tử vong trong các bệnh viện dã chiến.

Đồng thời không để bệnh nhân tuyến huyện phải thở máy và đặc biệt phải thực hiện chiến lược điều trị “tháp 3 tầng”, dựa trên phân loại triệu chứng nặng, nhẹ mà người nhiễm Covid-19 được tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các “tầng” tương ứng .

“Muốn thành công trong đại dịch phải phân 3 tầng rõ rệt, mối liên hệ các tầng với nhau phải chặt chẽ không để bệnh nhân chuyển nặng, không để lên các tuyến mà không được biết”, PGS. Hiếu yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhắc nhở, Đồng Nai phải phân tầng điều trị tốt lưu ý chuẩn bị thêm giường ICU và chuẩn bị nguồn nhân lực.

“Phát huy lực lượng 4 tại chỗ, liên tục đào tạo, tập huấn, sẵn sàng huy động lực lượng cả công lập và ngoài công lập”, ông Thái nói.

***

Bộ Y tế giải thích sự chênh lệch thông tin ca mắc Covid-19 của Hà Nội

Bản tin sáng 28/7 của Bộ Y tế công bố Hà Nội có thêm 69 bệnh nhân Covid-19 (trong thời gian từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7). Sau đó, bản tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội lại công bố 18 ca dương tính. Sự chênh lệch này khiến nhiều người thắc mắc.

Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, cho hay cơ quan này đã trao đổi với ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng để làm rõ việc này.

Ông Đình Anh cho hay số liệu của Cục Y tế Dự phòng được cập nhật từ dữ liệu của địa phương nhập để cấp mã quốc gia. "Nếu có sai số là do các địa phương nhập sai vì cấp mã tự động. Tổng số ca mắc của Hà Nội sẽ không đổi", ông Đình Anh thông tin.

Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng cũng nhấn mạnh từ trước tới nay, thông tin Bộ Y tế công bố là số liệu chuẩn quốc gia. Ông lý giải sự khác nhau giữa các số liệu là thời điểm công bố số liệu.

Hiện nay, các tỉnh tự công bố vào những thời điểm khác nhau nên chắc chắn sẽ có sai lệch. Thông thường, các tỉnh công bố sớm hơn bản tin của Bộ Y tế.

Trong khi đó, Bộ Y tế công bố số liệu hai lần/ngày vào khung giờ 6h và 18h. Do đó, Cục Y tế Dự phòng chốt số liệu trước 23h hàng ngày cho bản tin sáng và 17h cho bản tin 18h.

“Cục Y tế dự phòng lấy số liệu dựa trên hệ thống cấp mã tự động, các tỉnh nhập về bao nhiêu họ sẽ tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ và gửi thông tin cho chúng tôi để gửi báo chí. Đêm 28/7, Hà Nội cập nhật thêm 65 trường hợp”, ông Đình Anh nói thêm.

Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị Hà Nội làm rõ với Cục Y tế Dự phòng. “Chiều 28/7, Sở Y tế sẽ làm việc với Cục Y tế Dự phòng”, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng cho hay.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), thành phố đã ghi nhận tổng cộng 888 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 619 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

***

16.000 bệnh nhân F0 tại TP.HCM được xuất viện

Với 1.164 bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 7 được xuất viện trong ngày 27/7 đã giúp nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện tại TP.HCM lên 16.000 người.

Bệnh viện này được thành lập từ ngày 16/7/2021 tại khối chung cư R2-R3 khu tái định cư phường An Khánh, thành phố Thủ Đức.

Đây là một trong 2 bệnh viện dã chiến lớn nhất TP.HCM hiện nay với quy mô 5.500 giường.

Bệnh viện tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Sau hơn 10 ngày đi vào hoạt động, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 7 đã thu dung điều trị trên 3.200 bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Ngày 27/7/2021, tại đây đã có 1.164 bệnh nhân xuất viện. Được biết khi mỗi bệnh nhân xuất viện, bệnh viện đã cung cấp một suất ăn đồng thời đã bố trí xe đưa đón để đưa bệnh nhân về với địa phương nơi cư trú.

Đây được xem là bước tiến thành công của ngành y tế Thành phố trong công tác thu dung và điều trị bệnh nhân, cũng như thể hiện  sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp chính quyền Thành phố, sự nhập cuộc nhanh chóng của đội ngũ các chuyên gia y tế đến từ tuyến trung ương đã tham gia cùng với ngành y tế Thành phố trong công tác phòng chống, dịch Covid-19.

***

Cà Mau thông tin chính thức về chủ trương đưa người từ các tỉnh có dịch Covid-19 về Cà Mau

Tại buổi họp báo vào chiều 27/7/2021, ông Nguyễn Đức Thánh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết: việc nhiều người dân Cà Mau đang làm việc, lao động, điều trị bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch ngoài Tỉnh mong muốn trở về quê, vấn đề này Tỉnh ghi nhận và tìm mọi cách để hỗ trợ người dân, nhưng thực tế hiện toàn Tỉnh chỉ có hơn 1.200 giường cách ly tập trung, số người đang cách ly tập trung hiện đã khoảng 900 người; trong thời gian tới Tỉnh có thể bố trí thêm được hơn 480 giường; về năng lực y tế của tỉnh hiện nay chỉ có 240 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, với 150 máy thở và có 02 máy xét nghiệm RT-PCR với công suất khoảng 1.000 mẫu/ngày.

Theo dự đoán, số lượng người Cà Mau đi lao động, học tập và điều trị bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có dịch có nhu cầu trở về quê khoảng 230.000 người. Dù tỉnh đã có phương án đón người học tập, lao động, điều trị bệnh ngoài Tỉnh về Cà Mau, tuy nhiên số lượng người có nhu cầu về khá đông, trong khi đó cơ sở vật chất, năng lực y tế của Tỉnh hiện chưa đảm bảo trong điều kiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau đã chủ động rà soát, hỗ trợ khoảng 1.200 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đang có hơn 3.000 người đăng ký được hỗ trợ. Đa số người dân đang ở những địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm rất cao, chỉ khoảng 10% số người nhiễm bệnh, số giường bệnh của Tỉnh đã không đáp ứng được yêu cầu, đồng chí Nguyễn Đức Thánh nói.

Để hỗ trợ cho bà con, trước mắt lãnh đạo Tỉnh chủ trương thông qua Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau rà soát đối tượng khó khăn, hỗ trợ bà con, vận động bà con tiếp tục cố gắng ở tại chỗ, tỉnh sẽ hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, trong đó, đợt 1 (từ ngày 27 đến 31/7/2021) sẽ hỗ trợ 01 tỷ đồng, 02 tấn cá khô và nhu yếu phẩm vận động được từ nhà hảo tâm; đợt 2 sẽ được triển khai từ ngày 01 đến ngày 07/8/2021.

Về chủ trương, Tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng địa phương thống kê, rà soát lại những người thuộc diện đặc biệt khó khăn có nhu cầu trở về Cà Mau để có phương án tiếp theo; đồng thời xây dựng kế hoạch để đón người dân từ các tỉnh vùng dịch về Cà Mau. Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất sẽ đón người dân về quê, tuy nhiên điều kiện chưa đảm bảo nên chưa thể triển khai.

***

Đồng Tháp phát huy xây dựng “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19

Với nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, thành phố Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp hiện chưa có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự đang thực hiện ý tưởng xây dựng “vùng xanh” - vùng không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng bước đầu phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch covid-19.

Theo đó, nguyên tắc thực hiện “vùng xanh” là triển khai ở khu vực nhóm cộng đồng dân cư hiện không bị nhiễm Covid-19; được quản lý bởi tổ chức cộng đồng (Tổ Nhân dân tự quản, Tổ dân phố...) trên nguyên tắc tự nguyện, hỗ trợ lẫn nhau, có sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Về giải pháp, các bước thực hiện gồm xây dựng bộ tiêu chí cơ bản để làm căn cứ công nhận “vùng xanh”; mẫu Quy tắc ứng xử chung trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia xây dựng “vùng xanh”; tiến hành xét nghiệm sàng lọc (theo hộ gia đình) để đảm bảo không lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng...

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong đánh giá cao ý tưởng xây dựng “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự, cũng là 2 địa phương vùng biên giới, đồng thời khuyến khích các huyện, thành phố có những mô hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

***

UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận chủ trương mua vắc-xin Nanocovax của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có chỉ thị 380/UBND-THVX, về việc chấp thuận giao Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là đầu mối của Tỉnh thực hiện giao dịch, ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, đăng ký mua 200.000 liều vắc xin Nanocovax, nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận nguồn và tiêm vắc-xin trong cộng đồng, nhất là đơn vị doanh nghiệp có đông công nhân đang làm việc, sản xuất tại các nhà xưởng trên địa bàn.

Theo đó, UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Trước đó, trong văn bản gửi UBND Tỉnh, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cam kết chịu trách nhiệm ký kết Hợp đồng nguyên tắc với Nanogen với số lượng dự kiến 200.000 liều, giá bán 120.000 đồng/liều chưa bao gồm thuế VAT.

Dựa trên nhu cầu Nanocovax mà các doanh nghiệp và đơn vị trên địa bàn Tỉnh đăng ký, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn sẽ có sự điều chỉnh tương ứng về số lượng nói trên và đặt hàng theo từng đơn hàng cụ thể đối với Nanogen.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, Đồng Tháp đã qua 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, nguyên nhân là do các địa phương đang đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng.

Chỉ còn 05 ngày nữa là đến thời điểm dự kiến kết thúc giãn cách xã hội (ngày 01/8) theo Công văn 365/UBND-THVX. Thời gian vàng không còn nhiều, do đó, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các cấp phải vào cuộc mạnh hơn, đến 01/8 nhất quyết phải có chuyển biến tích cực và kiểm soát ổn tình hình.

Theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, từ 18 giờ ngày 27/7/2021 đến 06 giờ ngày 28/7/2021 trên địa bàn Tỉnh ghi nhận 91 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, có 31 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung; 13 ca trong khu vực phong tỏa; 47 ca trong cộng đồng, phát hiện thông qua test sàng lọc.

Các ca trong cộng đồng được phát hiện thông qua test sàng lọc có địa chỉ ngụ tại: Huyện Cao Lãnh: 03 ca cùng ngụ ấp 2, xã Bình Hàng Tây. Huyện Lấp Vò: 02 ca cùng ngụ ấp An Lợi B, xã Định Yên và Thành phố Sa Đéc: 42 ca (06 ca ngụ khóm Tân Hòa, 01 ca ngụ khóm Tân Bình, 01 ca ngụ khóm Tân Thuận, phường An Hòa; 01 ca ngụ khóm 1, Phường 3; 15 ca ngụ khóm 1, Phường 4; 01 ca ngụ ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông; 09 ca ngụ ấp Tân Lợi, 06 ca ngụ ấp Tân Thành, 02 ca ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Quy Tây).

Tính đến nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Tỉnh cộng dồn là 2.520 ca.

***

TP.HCM có 2.115 ca mắc mới

Trong số ca mắc mới có 3 ca nhập cảnh và 2.858 ca ghi nhận trong nước tại 17 tỉnh, thành phố. TP.HCM vẫn có số ca mắc cao nhất với 2.115, tiếp theo là Đồng Nai (134), Tây Ninh (120)…

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, 

Như vậy, tính đến sáng ngày 28/7, Việt Nam có tổng 117.121 ca mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

***

Trước tình hình số ca mắc mới tại TP.HCM tiếp tục gia tăng, nhiều bệnh viện tư trên địa bàn Thành phố đăng ký tham gia một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi) hoặc chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của thành phố, như: Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Nam Sài Gòn.

Riêng Bệnh viện Thu dung điều trị Covid-19 số 16 (Bệnh viện Dã chiến số 16) tại quận 7, TP.HCM với quy mô 2.800 giường dự kiến sẽ nhận bệnh nhân từ hôm nay, 28/7.

***

Ngày 26/7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định thành lập 9 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 1.790 giường bệnh trên địa bàn tỉnh. 

Những bệnh viện này chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Trước đó, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 4 bệnh viện điều trị Covid-19 với tổng số giường bệnh là 740 giường.

***

Hà Nội: 18 trường hợp dương tính mới

Sáng nay, 28/7, TP.Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 18 trường hợp dương tính tại 04 chùm ca bệnh: Ho sốt cộng đồng thứ phát (14), sàng lọc ho sốt cộng đồng (2), Bệnh viện Phổi Hà Nội (1), nhà thuốc Đức Tâm (1).

Chùm ca bệnh liên quan sàng lọc người sốt, ho (2 trường hợp)

N.T.H, nữ, sinh năm 1995, Yên Sở, Hoàng Mai. Ngày 25/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, đến ngày 27/7, đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

N.T.N, nữ, sinh năm 1952, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, ngày 26/7 xuất hiện sốt, ho, ngày 26/7 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Chùm ca bệnh ho sốt thứ phát tại cộng đồng (14 trường hợp)

L.A.T, nam, sinh năm 1976; P.P.T, nữ, sinh năm 1980; L.D.Q.Q, nữ, sinh năm 2012. Cả 3 bệnh nhân đều ở Ngọc Lâm, Long Biên, ngày 27/7 được lấy mẫu xét nghiệm do liên quan đến N.T.T (được phát hiện qua sàng lọc người sốt, ho) và có kết quả xét nghiệm dương tính.

V.T.H, nam, sinh năm 1986, Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, là F1 của L.A.T (đến chơi nhà L.A.T ngày 25/7). Ngày 26/7, bệnh nhân có triệu chứng rát họng, nên chủ động đi xét nghiệm tại Bệnh viện Medlatec, kết quả dương tính.

N.T.S, nữ, sinh năm 1969, tổ 12 thị trấn Đông Anh, là F1 của T.T.T.Đ, ngày 26/7 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

N.B.N, nam, sinh năm 1995; N.B.T, nam, sinh năm 1986; N.Đ.M, nam, sinh năm 1981; N.P.T, nữ. sinh năm 1992. 

Cả 4 trường hợp đều là người cùng gia đình, địa chỉ tại Khâm Thiên, Đống Đa. Các bệnh nhân đều là F1 của N.T.T, ngày 27/7 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

N.M.N, nữ, sinh năm 1991, Trung Liệt, Đống Đa, là F1 của P.T.T.T, ngày 26/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

N.T.T, nữ, sinh năm 1991, Chương Dương, Hoàn Kiếm, là F1 của P.T.T.T, ngày 26/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

N.H.A, nam, sinh năm 2018; N.P.A, nữ, sinh năm 2014

Cả hai bệnh nhân là người trong cùng gia đình tại Vĩnh Hưng, Hoàng Mai và sống trong khu vực phong tỏa do liên quan đến bệnh T.Q.M. Ngày 26/7 được lấy mẫu xét nghiệm do có triệu chứng và có kết quả dương tính.

N.V.N, nam, sinh năm 1996, Kiến Hưng, Hà Đôn, là F1 của L.T.S (làm cùng công ty Artex Vina), ngày 26/7 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Chùm ca bệnh liên quan BV Phổi Hà Nội (1 trường hợp)

Bệnh nhân L.V.Đ, nam, sinh năm 1973, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, là người điều trị nội trú tại khoa nội 1, Bệnh viện Phổi Hà Nội, ngày 27/7 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính. 

Chùm ca bệnh liên quan Nhà thuốc Đức Tâm (1 trường hợp)

T.T.C.T, nữ, sinh năm 1954, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, là F1 của L.X.H, được cách ly tập trung từ ngày 22/7. Ngày 27/7 có triệu chứng sốt, ho được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có 888 trường hợp mắc mới, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 549, số mắc là đối tượng đã được cách ly 339.

***

Rà soát nhân lực y tế điều trị bệnh nhân Covid-19

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập rà soát toàn bộ nguồn nhân lực của đơn vị để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống trong công tác phòng, chống dịch tại đơn vị, đồng thời bố trí phương án nhân lực đáp ứng khi Sở Y tế điều động.

Sở này yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn cần phải phối hợp với đầu ngành Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), đầu ngành Kiểm soát nhiễm khuẩn, Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Thanh Nhàn) để đăng ký và tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ về công tác thu dung, khám, điều trị người bệnh Covid-19 ở các mức độ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa hướng dẫn các đơn vị, xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ theo yêu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập, Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội về công tác khám, chữa bệnh bảo đảm thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ, mức độ vừa.

Đối với Bệnh viện Thanh Nhàn, Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ cho bệnh viện này phải hướng dẫn các đơn vị, xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ theo yêu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập, Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm an toàn tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ, vừa, nặng và nguy kịch.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch và liên hệ với các bệnh viện trung ương tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng theo yêu cầu của các bệnh viện trong và ngoài công lập về công tác điều trị người bệnh Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.

***

Khẩn trương truy vết ca bệnh ở Chương Mỹ

Liên quan đến thông tin 786 công nhân của Công ty TNHH Thời trang STAR thuộc Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là F1 phải cách ly sau khi phát hiện một công nhân là F0, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến đã phản hồi trước các thông tin trên và khẳng định, đây là thông tin suy diễn gây hoang mang dư luận, sai sự thật về tình hình phòng chống dịch Covid- 19 tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến, ngày 25/7/2021, một công nhân làm việc tại Block 1, Công ty TNHH Thời trang STAR thuộc Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội có kết quả xét nghiệm dương tính với SARs-CoV-2.

Ngày 26/7/2021 cũng tại Công ty này có 3 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARs-CoV-2. UBND huyện Chương Mỹ đã tiến hành lập danh sách, điều tra dịch tễ toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động của công ty (trong đó có 786 người đang cư trú trên địa bàn 18 quận, huyện khác thuộc TP. Hà Nội).

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành Công văn số 2114/UBND-YT ngày 26/7/2021 gửi UBND 18 quận, huyện trên địa bàn thành phố về việc phối hợp rà soát, giám sát, cách ly, theo dõi sức khỏe 786 công dân nêu trên là để trao đổi thông tin với các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

"Căn cứ vào việc khai báo y tế, điều tra dịch tễ từng trường hợp cụ thể, các địa phương sẽ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh cụ thể chứ không phải thực hiện cách ly y tế toàn bộ số lao động trên như các báo phản ánh", ông Hoàng Minh Hiến khẳng định.

Đồng thời cho biết thêm, đây là biện pháp quy định trong phòng chống dịch theo quy định, huyện Chương Mỹ đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có định hướng thông tin, xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân đưa thông tin không chính xác, sai sự thật trên mạng (nếu có).

***

Các F0 cách ly tại nhà cần làm gì?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM cho biết, khi được xác định là mắc Covid-19 (F0) hoặc tiếp xúc gần ca bệnh (F1), mọi người phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và người thân cũng như cộng đồng.

Để làm được những điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện theo những hướng dẫn sau:

Chuẩn bị khu vực cách ly trong nhà

Khu vực cách ly phải đạt được điều kiện là có phòng riêng (hoặc khu vực riêng biệt), có nhà vệ sinh riêng. Xin số điện thoại của cơ sở y tế, nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn và chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết gồm:

Dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt

Nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%)

Khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng

Một số loại thuốc thiết yếu (thuốc hạ sốt và một số loại thuốc nâng cao sức khỏe Đông - Tây y (vitamin C, multivitamin)

Một bàn, ghế cá nhân đặt trước cửa phòng và khu vực cách ly để nhận tiếp tế nhu yếu phẩm từ gia đình và cán bộ y tế chuẩn bị cho bạn

Thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm

Mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.

Thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày (khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang).

Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc (mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…).

Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Ghi chép nhiệt độ và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên.

Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút/ngày.

Yêu cầu nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm sau 7 ngày cách ly.

Khi có một trong các dấu hiệu sau bạn cần gọi cho nhân viên y tế ngay lập tức:

Sốt cao trên 37,5 độ C; Ho, đau họng; Tiêu chảy; Khó thở (khi bạn không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây).

Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 từ 6h00 ngày 24/7
Tối 23/7, UBND thành phố Hà Nội ra thông báo thực hiện cách ly toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội để phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư