Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 10/2: Phân bổ hơn 1,73 triệu liều vắc-xin AstraZeneca
D.Ngân - 10/02/2022 10:18
 
Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vừa phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương.

Việt Nam ghi nhận số ca mắc lịch sử với hơn 26.000 ca Covid-19

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 26.032 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 9 ca nhập cảnh và 26.023 ca tại 61 tỉnh, thành phố (tăng 2.070 ca so với ngày trước đó). Đây cũng là mức tăng cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hòa Bình (tăng 1.055 ca), Bắc Giang (tăng 377 ca), Lạng Sơn (tăng 352 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Tĩnh (giảm 986 ca), Gia Lai (giảm 215 ca), Phú Thọ (giảm 172 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 18.077 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 9/2 đến 16h ngày 10/2, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 26.032 ca nhiễm mới, trong đó có 9 ca nhập cảnh và 26.023 ca ghi nhận tại 61 tỉnh, thành phố (gồm có 8.264 ca tại cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.430.683 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.616 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.423.553 ca, trong đó có 2.203.777 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (515.109), Bình Dương (293.068), Hà Nội (159.735), Đồng Nai (100.002), Tây Ninh (88.659).

Gần 10.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 9.992 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi là 2.206.594 trường hợp. Ngoài ra, có 2.699 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 9/2 đến 17h30 ngày 10/2, cả nước ghi nhận 74 ca tử vong tại: TP.HCM (4), Hà Nội (16), Đà Nẵng (4), Hải Dương (4), Quảng Nam (4), Thừa Thiên - Huế (4), Bình Định (3), Cần Thơ (3), Đồng Tháp (3), Vĩnh Long (3), Đắk Lắk (2), Đồng Nai (2), Hậu Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Quảng Ngãi (2), Quảng Ninh (2), Bắc Ninh (1), Bình Thuận (1), Cao Bằng (1), Đắk Nông (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Khánh Hòa (1), Long An (1), Ninh Bình (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Tiền Giang (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 89 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.688 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội giảm 62 F0 sau 24h

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 9/2 đến 18h ngày 10/2, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.887 ca Covid-19 (giảm 62 ca so với ngày trước đó), trong đó có 627 ca tại cộng đồng và 2.260 ca đã cách ly.

Cụ thể, 2.887 bệnh nhân phân bố tại 434 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày, như: Hoàng Mai (177); Đông Anh (175); Nam Từ Liêm (161); Chương Mỹ (151); Long Biên (150).

Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 162.909 ca. 

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 9-2, trên địa bàn thành phố hiện có 59.588 bệnh nhân đang điều trị, trong đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 158 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 173 ca, các bệnh viện của Hà Nội có 2.490 ca, các cơ sở thu dung thành phố 58 ca, các cơ sở thu dung quận, huyện 535 ca, còn lại 56.174 ca theo dõi, điều trị tại nhà (chiếm hơn 94%). Trong ngày, không có bệnh nhân chuyển độ. Như vậy, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, số ca chuyển độ là 316 ca.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các giám đốc trung tâm y tế làm tốt công tác quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà; phát thuốc đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện nhằm giảm áp lực cho tuyến trên.

Đối với những trường hợp chuyển nặng, cần có sự nắm bắt sát sao, kịp thời nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Đối với các bệnh viện điều trị tầng 2, tầng 3, Sở đề nghị chuẩn bị đủ cơ số giường được giao, vật tư y tế, thuốc đáp ứng công tác điều trị theo từng cấp độ của kịch bản phòng, chống dịch.

TP.HCM giải thể bệnh viện dã chiến số 12

Chiều 10/2, Sở Y tế TP.HCM thông tin, sẽ giải thể Bệnh viện Dã chiến số 12, vốn được dùng làm nơi chuyên thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Omicron.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến chiều 10/2, toàn Thành phố có 98 bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Omicron. Tất cả những người này đều có sức khỏe ổn định.

Hiện chưa có trường hợp tử vong nào liên quan đến các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron tại thành phố.

Trước thực tế điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Omicron thời gian qua, ngành Y tế Thành phố đã tham mưu và được UBND Thành phố đồng ý cho giải thể Bệnh viện dã chiến số 12, quy mô hơn 600 giường, được đặt tại 3 tòa chung cư chưa có người ở trên địa bàn TP.Thủ Đức.

Bệnh viện Dã chiến số 12 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Các y, bác sĩ làm việc tại đây đã có thể nghỉ ngơi sau thời gian dài chống dịch Covid-19. Cơ sở vật chất tại đây sẽ được hoàn trả công năng.

Hiện, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai giai đoạn 2 (từ nay đến hết tháng 2/2022) chiến dịch tiêm chủng mùa xuân phòng Covid-19 cho người dân đang có mặt tại Thành phố, không phân biệt thường trú, tạm trú.

Bất cứ ai có nhu cầu tiêm vắc-xin và đã đến hạn theo quy định chỉ cần đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để được tiêm. Ngành Y tế Thành phố cũng duy trì một số đội tiêm lưu động tại nhà, tiêm cho những người gặp khó khăn trong việc đi lại.

Tính đến ngày 10/2, TP.HCM đang điều trị 618 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 35 trẻ em dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim, phổi nhân tạo). Số bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Thành phố đã giảm mạnh.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 200 triệu liều vắc-xin

Đây là đợt phân bổ thứ 123 kể từ khi vắc-xin về Việt Nam tháng 2/2021. Đến nay, Việt Nam đã phân bổ 196 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 các loại, trong tổng số hơn 213,6 triệu liều đã tiếp nhận.

Dịch Covid-19 đang có xu hướng tăng tại nhiều địa phương.

Cũng theo Bộ Y tế, trong số các vắc-xin đã tiếp nhận tại Việt Nam tính đến ngày 8/2, Pfizer có số lượng nhiều nhất với tổng số trên 77,3 triệu liều; thứ 2 là AstraZeneca với trên 63,1 triệu liều.

Trong tổng số vắc-xin đã được tiếp nhận ở nước ta, hơn 106,3 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và trên 107,3 triệu liều từ các nguồn viện trợ, tài trợ khác nhau.

Liên quan tới công tác tiêm chủng vắc-xin, Bộ Y tế cũng đã có văn bản khẩn đề nghị các địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện thần tốc Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mùa xuân. Bộ Y tế cho biết trong những ngày Tết, cả nước tiêm được hơn 1,5 triệu liều vắc-xin.

TP.HCM chấn chỉnh việc loạn giá khám hậu Covid-19

Tại TP.HCM, sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, có nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng hậu Covid-19 ra đời với nhiều mức giá thu khác nhau. 

Để chấn chỉnh việc này, ngày 9/2, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến giám đốc các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các đơn vị không được điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu Covid-19 trong trường hợp không cần thiết, không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan đến hậu Covid-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu Covid-19 với giá khám theo yêu cầu.

Cụ thể, trường hợp người bệnh có thẻ BHYT và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá thông tư số 13/ 2019/ TT - BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.

Trường hợp người bệnh không có thẻ BHYT, các đơn vị thu theo giá thông tư số 14/ 2019/ TT - BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.

Còn trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị thu giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã kê khai với Sở Y tế và công khai giá để người dân lựa chọn.

Kiểm soát khi dịch đang tăng tại nhiều tỉnh, thành phố

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình cho biết, trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 8 đến 14 giờ ngày 9/2), địa phương ghi nhận số ca F0 cao nhất từ trước đến nay.

Như vậy, từ đợt dịch cao điểm 10/11/2021 đến nay, Thái Bình ghi nhận tổng số 10 nghìn ca mắc Covid-19. 

Qua theo dõi, số công nhân và học sinh trở lại làm việc và học tập trên địa bàn tỉnh đều phải thực hiện xét nghiệm. Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong thời gian gần đây.

Trước tình hình số ca mắc tăng đột biến hiện nay (từ ngày 1 đến 9/2 có hơn 1.900 ca F0), Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu các địa phương trên địa bàn tổ chức đợt cao điểm làm sạch Covid-19. 

Tỉnh khuyến khích người dân khi có biểu hiện, triệu chứng mắc Covid-19 chủ động đến cơ sở y tế để xét nghiệm; 

Khuyến khích doanh nghiệp, trường học, cơ quan, đơn vị tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, công nhân, người lao động, học sinh. Các huyện, thành phố khi phát hiện có ca mắc Covid-19 phải chủ động khoanh vùng, xét nghiệm sàng lọc F0 nhanh nhất; quản lý chặt chẽ F0, không để lây lan.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình lưu ý các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine cho các trường hợp chỉ định tiêm, nhất là tiêm phủ mũi 3 và tiêm cho trẻ em trong độ tuổi quy định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh Hà Nam đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. 

Đội ngũ kỹ thuật viên của khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam đã làm việc xuyên đêm.

Bên cạnh đó, ngành Y tế phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi xuất viện, người về từ các địa phương đang có dịch để hướng dẫn cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; duy trì các hoạt động tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với các công dân được xác định là F1.

Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa.

Đặc biệt tại một số địa bàn (xã, bản) thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao. Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2/2022, toàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận hơn 670 bệnh nhân mắc Covid-19 (trong đó có 470 ca ngoài cộng đồng).

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương trong tỉnh cân nhắc việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, tổ chức thực hiện các tập tục tang ma, lễ cưới của người dân sao cho phù hợp. 

Bên cạnh đó, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, bị động và điều hành công tác phòng, chống dịch phù hợp theo từng hoàn cảnh.

Phú Yên cho phép điều trị F0 không triệu trứng tại nhà

UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép triển khai thí điểm điều trị F0 nhẹ/không triệu chứng tại nhà. Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, với hơn 3.000 bệnh nhân; tiên phong là 3 địa phương: thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và huyện Phú Hòa.

Nhờ áp dụng mô hình này đã giảm tải cho hệ thống y tế để tập trung nguồn nhân lực chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19. 

Về phía bệnh nhân, được chăm sóc sức khỏe tại nhà trong điều kiện đầy đủ tiện nghi hơn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, chế độ dinh dưỡng đầy đủ hơn, chế độ nghỉ ngơi thuận lợi hơn, sức khỏe mau hồi phục; ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp làm thêm công việc trong nhà, làm việc cơ quan trực tuyến. 

Để việc cách ly F0 tại nhà vừa an toàn cho người bệnh, vừa an toàn cho cộng đồng, Sở Y tế Phú Yên đã hướng dẫn quy trình thực hiện rất cụ thể, trong đó người bệnh phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sức khỏe cá nhân, khả năng nhận biết và liên hệ với nhân viên y tế khi có triệu chứng trở nặng, nhà ở phải bảo đảm điều kiện cách ly. 

Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương phân công các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng thường xuyên thăm hỏi, tiếp nhận thông tin phản ánh của các bệnh nhân để xử lý kịp thời. 

Qua theo dõi, đến nay chưa có trường hợp nào trong số các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà diễn biến nặng, nguy kịch; chỉ có 45 trường hợp chuyển vào điều trị nội trú khi có triệu chứng mức độ trung bình, tình trạng sức khỏe vẫn ổn định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư