Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 28/11: Áp lực điều trị do số ca mắc, tử vong tăng cao
D. Ngân - 28/11/2021 10:04
 
Theo thông tin từ một số địa phương , số ca mắc, tử vong của bệnh nhân Covid-19 tăng cao gây áp lực không nhỏ lên hệ thống điều trị.

Gần 13.000 ca mắc Covid-19 mới trong ngày

Tính từ 16h ngày 27/11 đến 16h ngày 28/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.936 ca nhiễm mới, trong đó có 8 người nhập cảnh và 12.928 trường hợp ghi nhận trong nước (giảm 120 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố. Số F0 ghi nhận tại cộng đồng là 7.100 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (-328), TP.HCM (-319), Bà Rịa - Vũng Tàu (-166). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+452), Bến Tre (+257), Hải Phòng (+106).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.102 ca/ngày.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.210.340 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính riêng đợt dịch bùng phát lần 4 (từ ngày 27/4 đến nay), cả nước ghi nhận 1.205.128 ca nhiễm, trong đó có 955.819 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (467.407), Bình Dương (280.908), Đồng Nai (86.184), Long An (38.039), Tiền Giang (27.182).

Trong ngày 28/11, Bộ Y tế công bố 1.712 F0 khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 958.636. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.096 ca, trong đó có 3.483 người thở ô-xy mask, 1.846 bệnh nhân thở ô-xy dòng cao. Số bệnh nhân thở máy là 758, 9 người phải can thiệp ECMO.

Cùng ngày, cả nước ghi nhận 190 ca tử vong. Trong 72 ca tử vong tại TP.HCM, 10 trường hợp từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (5), An Giang (2), Tiền Giang (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác, F0 tử vong ghi nhận tại Đồng Nai (18), Bình Dương (13), Kiên Giang (10), An Giang (9), Long An (9), Cần Thơ (9), Bình Thuận (8), Đồng Tháp (6), Bạc Liêu (6), Tây Ninh (5), Tiền Giang (5), Cà Mau (4), Bến Tre (3), Vĩnh Long (3), Trà Vinh (3), Sóc Trăng (3), Nghệ An (2), Bình Định (1), Đắk Lắk (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 160 ca.

Trong 24 giờ qua, Việt Nam đã thực hiện 162.929 xét nghiệm cho 328.876 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện là 25.843.009 mẫu cho 67.855.824 lượt người.

Trong ngày 27/11, 1.074.001 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 118.768.386 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 69.747.303 liều, tiêm mũi 2 là 49.021.083 liều.

TP.HCM: Phân rõ trách nhiệm trong chăm sóc và quản lý F0

UBND TP.HCM đã có quyết định số 4028/QĐ-UBND về việc quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhiều đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn.

Cụ thể, đối với trạm y tế xã phải sẵn sàng tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn xã; phối hợp lập hồ sơ điều trị tại nhà cho các trường hợp F0 được chăm sóc tại nhà do trạm y tế xã và các trạm y tế lưu động đảm trách.

Chịu trách nhiệm phân bổ số lượng F0 đến các trạm y tế lưu động, thường xuyên liên lạc với tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để hỗ trợ và đảm bảo hoạt động chăm sóc F0 theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật danh sách, số điện thoại liên lạc của các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai...) để có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc phù hợp (tiêm vét vaccine tại nhà đối với người không thể đến điểm tiêm được, cách ly tập trung người F0 thuộc các hộ gia đình này...).

Công bố số điện thoại của trạm y tế xã và số điện thoại của các trạm y tế lưu động trên cùng địa bàn để người dân biết và gọi khi cần hỗ trợ.

Trạm y tế lưu động phải có 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng do Sở Y tế điều động và ít nhất 3 nhân sự (không phải y tế) do địa phương điều động. Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 hộ có F0.

Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0 từ trạm y tế xã, trạm y tế lưu động phải tiếp cận hộ gia đình có F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm quản lý.

Khi F0 có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh; đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất…

Yên Bái dừng các hoạt động không thiết yếu

Trước việc tăng nhanh số ca mắc trên địa bàn, tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương đang là điểm nóng của dịch bệnh gồm TP.Yên Bái, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình), thị trấn Cổ Phúc, xã Minh Quán, xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Karaoke, mát xa, khu vui chơi, giải trí và tập luyện thể thao.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán bia...) chỉ bán mang về. Nghiêm cấm hoạt động của các quán vỉa hè.

Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người (trên 20 người), tạm dừng tổ chức tiệc cưới cho đến khi có thông báo mới.

Yên Bái yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không có việc thật sự cần thiết. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bắt buộc phải yêu cầu khách hàng quét mã QR, đồng thời phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Đồng thời khẩn trương huy động các lực lượng tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với các khu vực nguy cơ cao như quán giải khát, cà phê, quán karaoke, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, chợ dân sinh... trên địa bàn TP.Yên Bái, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) và thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình). Việc thực hiện xét nghiệm phải xong trước 19h00' ngày 28/11.

Ngành Y tế chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho việc mở rộng thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở y tế và bệnh viện dã chiến.

Siết chặt việc kiểm tra, rà soát các trường hợp người về/đến địa phương; các trường hợp liên quan theo thông báo khẩn của Sở Y tế để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Quản lý hiệu quả việc cách ly tại nhà, các cơ sở cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây lan trong các khu, điểm cách ly và từ các khu, điểm cách ly ra cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để điều trị F0 trong trường hợp bùng phát dịch theo các phương án đã được phê duyệt.

Học sinh Bắc Giang bị sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin đã tử vong

Một trong hai học sinh sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bắc Giang được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai vừa tử vong vào trưa nay 28/11.

Đại diện CDC Bắc Giang cho biết, 1 trong 2 học sinh sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, vừa tử vong vào trưa nay, 28/11.

Trước đó, sáng 24/11, tại điểm tiêm chủng lưu động trường THPT Sơn Động số 2, xã Cầm Đàn, huyện Sơn Động và trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 Pfizer mũi 1 cho học sinh.

Trong quá trình tiêm chủng, 4 học sinh tại 2 trường bị sốc phản vệ. Sau khi được các nhân viên y tế sơ cứu, 2 học sinh nhẹ hơn được theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. Hai em nặng được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Được biết, 2 em học sinh bị nặng, sau 15 và 30 phút tiêm, đều xuất hiện triệu chứng choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái. Cả hai sau đó được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Sơn Động lên Bệnh viện Bạch Mai bằng ô tô chuyên dụng, trên đường chuyển viện, biểu hiện da tái, nhịp tim chậm, có nguy cơ ngừng thở, SpO2 dưới 90%.

Về nguyên nhân trẻ phản ứng sau tiêm vắc-xin, theo cơ quan chức năng là do sốc phản vệ.

Được biết, Bắc Giang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi năm 2021 - 2022 với số lượng dự kiến là 173.977 em. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm cho khoảng 62.000 học sinh, đạt tỷ lệ trên 93% mũi 1 và mới chỉ ghi nhận một trường hợp đáng tiếc như trên.

Hà Nội tìm người đến Ngân hàng VPBank số 2 Nguyễn Khánh Toàn

Ngày 28/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn Thành phố đã đến Ngân hàng VPBank số 2 Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) trong thời gian từ 8/11 đến 22/11.

Người đã đến địa điểm trên trong thời gian như thông báo chủ động tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, Trung tâm y tế nơi cư trú, để được hỗ trợ hoặc gọi đến các số điện thoại: 02438335528 (Trung tâm y tế phường Quan Hoa, Cầu Giấy), 02439936118 (Trung tâm y tế quận Cầu Giấy); CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2), 0969082115 hoặc 0949396115 để được hướng dẫn và tư vấn.

CDC Hà Nội thông báo tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

Theo CDC Hà Nội, từ 18h ngày 27/11 đến 18h ngày 28/11 Hà Nội ghi nhận 301 ca bệnh trong đó có 141 ca cộng đồng, khu cách ly (133), khu phong tỏa (27).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 9.669 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.743 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.926 ca.

Ca mắc, tử vong cao, áp lực lên hệ thống điều trị

Ngày 27/11, Tây Ninh có 605 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý trong số này có 586 trường hợp được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Trong ngày tỉnh này cũng ghi nhận 11 ca tử vong. 

Theo thông tin từ một số địa phương số ca tử vong của bệnh nhân Covid-19 tăng cao gây áp lực không nhỏ lên hệ thống điều trị. Ảnh: Zing.vn

Để giảm áp lực cho hệ thống y tế, Tây Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp hoàn thiện hệ thống y tế, trạm y tế lưu động và các tầng điều trị; Cho phép cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà với điều kiện không quá khắt khe, công nhận F0 khỏi bệnh qua test nhanh âm tính.

Số liệu thống kê của Sở Y tế TP.Cần Thơ cho thấy tuyến điều trị của Cần Thơ có nguy cơ quá tải rất cao. Trong khi khả năng điều trị của tầng 2 là 2.750 giường, số F0 đang điều trị đã ở mức 2.727. Ở tầng 3, công suất là 350 giường nhưng số bệnh nhân nặng là 265.

Ngày 27/11, Cần Thơ có 954 bệnh nhân mới, xếp thứ 2 cả nước về số lượng ca nhiễm, chỉ sau TP.HCM. Trong một tuần qua, số trường hợp nhiễm ở địa phương này đã sắp vượt 7.000 ca, đây là một trong những địa phương có tốc độ tăng F0 nhanh nhất cả nước

Với đồ thị ca mắc mới tăng cao như hiện tại, trong thời gian tới, địa phương có thể cần tăng cường sàng lọc F0 và mở rộng quy mô giường bệnh.

Tại Hà Nội, những ngày qua số ca mắc tăng cao ở mức ba con số. Điều nguy hiểm là một nửa trong số các ca mắc này là ở ngoài cộng đồng.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương có số lượng F0 tăng nhanh. Từ ngày 25/11, địa phương đã hướng dẫn tạm thời việc cách ly, điều trị F0 tại nhà để cân bằng, giảm áp lực nguồn nhân lực cho hệ thống y tế.

Ngày 27/11, 13 tỉnh miền Tây tiếp tục ghi nhận số lượng F0 rất cao, hầu hết đều trên 3 con số như Bến Tre (265), Vĩnh Long (539), Cà Mau (422), Trà Vinh (328). Ngoài ra, nhiều tỉnh tăng F0 rất cao như Đồng Tháp (604), Bạc Liêu (574), Sóc Trăng (328).

Phân bổ thêm gần 3 triệu liều vắc-xin Covid-19 Pfizer

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 138 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, bao gồm Pfizer và các loại khác để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương.

Trong 2 ngày 26 và 27/11, hơn 4 triệu liều vắc-xin Pfizer do Mỹ viện trợ về đến Hà Nội và TP.HCM. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ thêm gần 3 triệu liều Pfizer để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương.

Đến hết ngày 27/11, cả nước đã tiêm được 117.793.726 liều (tăng 1.362.860 liều so với ngày trước đó), trong đó có 69.411.977 liều mũi 1 và 48.381.749 liều mũi 2.

Bộ Y tế cho biết các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Số liều vắc-xin tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 114.646.914, trong đó có 66.722.224 liều mũi 1 và 47.924.690 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 92,5% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 66,4% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 86,5% và 59,0%; miền Trung là 90,5% và 53,7%; Tây Nguyên là 88,6% và 41,2%; miền Nam là 98,0% và 79,5%.

52 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 23 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

11 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Thanh Hóa (66,2%), Nghệ An (67,%), Sơn La (68,9%), Yên Bái (73,3%) và Hòa Bình (76,%).

Bộ Y tế đã phân bổ vắc-xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng. Hiện 44 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 25 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Lâm Đồng.

Cần hoàn thành tiêm mũi 2 vắc-xin trong năm 2021

Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 27/11/2021 truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch nêu rõ các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi dịch ở cấp độ 4.

Khi cần thiết các địa phương chủ động, kịp thời, nhanh chóng phối hợp đề xuất với cơ quan có thẩm quyền huy động sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế từ Trung ương. 

Phối hợp chặt chẽ trong việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021; triển khai việc tiêm vắc-xin cho trẻ em khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả. 

Khẩn trương rà soát, báo cáo cụ thể nhu cầu vắc-xin về số lượng, chủng loại, thời gian… để Bộ Y tế tổng hợp, có kế hoạch phân bổ phù hợp và nếu có vướng mắc báo cao ngay Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ.

TP.HCM: Số ca tử vong do Covid-19 chủ yếu chưa tiêm hoặc chỉ tiêm một mũi vắc-xin
Số ca tử vong do Covid-19 tại TP.HCM đang có dấu hiệu tăng cao. Đại diện Sở Y tế lý giải có liên quan trực tiếp đến những người chưa tiêm hoặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư