Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 6/3: Đề xuất F0, F1 làm việc trong thời gian cách ly
D.Ngân - 06/03/2022 09:15
 
Bộ Y tế vừa có đề xuất F0 làm việc trực tuyến, F1 đi làm trong thời gian cách ly hoặc làm việc trực tuyến tùy theo công việc.

Tăng hơn 10.300 F0 sau 24h

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 142.136 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 142.128 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố (tăng 10.348 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (tăng 4.564 ca), Hải Phòng (tăng 4.556 ca), Bắc Ninh (tăng 1.194 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (giảm 1.481), Sơn La (giảm 669), Khánh Hòa (giảm 617). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 117.379 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 4.434.700 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 44.893 ca nhiễm). Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.427.225 ca, trong đó có 2.678.630 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này gồm: TP.HCM (550.920), Hà Nội (395.034), Bình Dương (311.860), Bắc Ninh (143.536), Quảng Ninh (125.401).

Về tình hình điều trị, có 65.445 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.681.447 ca. Ngoài ra, hiện có 4.208 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 5/3 đến 17h30 ngày 6/3 ghi nhận 87 ca tử vong.

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 96 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.813 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội ghi nhận gần 30.000 ca Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 5/3 đến 18h ngày 6/3, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 29.577 ca Covid-19, trong đó có 11.957 ca cộng đồng, 17.620 ca đã cách ly. Quận Hoàng Mai là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 1.756 ca trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 29.577 bệnh nhân phân bố tại 546 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (1.756); Đông Anh (1.714); Sóc Sơn (1.705); Hoài Đức (1.589); Nam Từ Liêm (1.585). Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29-4-2021) là 398.208 ca.

Trước thực tế số ca mắc đang gia tăng nhanh trong những ngày gần đây, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới cho Sở Y tế để kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.

Riêng với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với phòng y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm đủ liều vắc xin, đồng thời tuyên truyền, vận động những người từ chối tiêm vắc xin cần thực hiện tiêm chủng.

“Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm vào công tác tiêm chủng vắc xin, đẩy nhanh tiếm độ tiêm chủng mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I năm 2022”, Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tới người dân, trong đó tập trung vào các nội dung thực hiện nghiêm “thông điệp 5K”;

Hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ;

Tránh tâm lý chủ quan hoặc hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết. Đặc biệt, quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Đề xuất mới

Bộ Y tế đề xuất, đối với trường hợp F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.

Bộ Y tế vừa có đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly.

Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; 

Không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

Trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. 

Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Đối với trường hợp F1, theo đề xuất, những người là F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. 

Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Theo phương án đề xuất, F1 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. 

Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

F1 thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid-19 theo quy định.

Bộ Y tế hoả tốc yêu cầu đảm bảo cung ứng, công khai giá thiết bị y tế

Theo Bộ Y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng test xét nghiệm SARS-CoV-2, máy SpO2.... tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, “thổi giá” bất hợp lý.

Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 (test xét nghiệm) về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm.

Theo Bộ Y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (test xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Bộ Y tế đã ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 bất hợp lý.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành Công văn số 913/BYT-TB-CT đề nghị các đơn vị phối hợp đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm test xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thị trường; đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung, cụ thể:

Ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị kế hoạch và phương án đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; 

Đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, nguồn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với test xét nghiệm SARS-CoV-2, Máy đo nồng độ bão hòa ô-xy trong máu SpO2...

Đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường; yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng, đạo đức kinh doanh, không được nâng giá, trục lợi trong các hoạt động cung ứng phòng, chống dịch.

Đồng thời, thực hiện công khai giá và cập nhật giá thường xuyên, không để tình trạng chênh lệch giữa giá công bố trên trang thông tin điện tử cao nhưng giá giao cho nhà phân phối, bán lẻ thấp.

Hà Nội: Phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội hiện nay diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới tăng nhanh trong tuần vừa qua (từ phiên họp lần trước đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư