Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về dịch bệnh ngày 26/5: Giám sát chặt dịch đậu mùa khỉ
D.Ngân - 26/05/2022 07:59
 
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và liên quan giám sát các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, đặc biệt trường hợp đi về từ các quốc gia có dịch đậu mùa khỉ.

Cả nước ghi nhận 1.275 ca Covid-19 mới, 0 ca tử vong

Tính từ 16h ngày 25/5 đến 16h ngày 26/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.275 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước tại 47 tỉnh, thành phố, có 1.080 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-90), Khánh Hòa (-12), Đắk Nông (-11). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+26), Nam Định (+21), Hà Tĩnh (+18).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.355 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.714.008 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.227 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.706.250 ca, trong đó có 9.419.268 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.599.109), TP. Hồ Chí Minh (609.278), Nghệ An (484.367), Bắc Giang (387.550), Bình Dương (383.771).

7.223 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.422.085 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 169 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 101 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 29 ca; thở máy không xâm lấn: 3 ca; thở máy xâm lấn: 30 ca; ECMO: 6 ca.

Từ 17h30 ngày 25/5 đến 17h30 ngày 26/5 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.078 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 39.508.021 mẫu cho 85.814.917 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 220.141.209 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.753.021 liều: Mũi 1 là 71.477.944 liều; Mũi 2 là 68.750.832 liều; Mũi 3 là 1.506.950 liều; Mũi bổ sung là 15.051.144 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 41.832.751 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 133.400 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.438.811 liều: Mũi 1 là 8.933.324 liều; Mũi 2 là 8.505.487 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.949.377 liều: Mũi 1 là 3.796.182 liều; Mũi 2 là 153.195 liều.

Hà Nội có 303 ca Covid-19 mới

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua, thành phố ghi nhận 303 ca Covid-19 mới: 113 ca cộng đồng; 190 ca đã cách ly.

Bệnh nhân mới phát hiện phân bố tại 106 xã, phường, thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (26); Hà Đông (24); Nam Từ Liêm (22); Ba Đình (22).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.599.895 ca.

Đến nay, trên địa bàn thành phố còn 82.672 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 97 ca điều trị tại bệnh viện và 82.575 ca theo dõi tại nhà.

Tính đến hết ngày 25/5, toàn thành phố đã tiêm được hơn 18,4 triệu mũi; trong đó, mũi 1 đạt 98,9%; mũi 2 đạt 96,4%; mũi bổ sung đạt 100%; mũi nhắc lại đạt 95,6%.

Đối với tiêm vắc-xin cho trẻ em, tính từ chiều 16/4 đến nay, thành phố đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngoài ra, hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt 100% và mũi 2 đạt 99,9%.

Giám sát chặt tại cửa khẩu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ

Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay "không bình thường" song "có thể khống chế được".

Kể từ đầu tháng 5 đến nay, ít nhất 19 quốc gia đã ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ, với 237 ca nghi mắc và đã được xác định mắc bệnh. Theo WHO, con số này sẽ gia tăng, nhưng đến nay phần lớn số ca bệnh đều không quá nghiêm trọng.

Khi có thêm nhiều quốc gia thông báo kế hoạch tiêm vắc-xin để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, WHO cho rằng sự bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi hiện nay có thể khống chế được.

Các nhà khoa học cho rằng đợt bùng phát bệnh hiện nay sẽ không trở thành đại dịch tương tự Covid-19 vì virus gây bệnh đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan như virus SARS-CoV-2.

Nhiều nước triển khai tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ

Hiện nay, một số quốc gia đã triển khai biện pháp phòng ngừa để bảo vệ những người có thể đã phơi nhiễm virus gây bệnh. 

Ngày 24/5, cơ quan y tế Pháp khuyến nghị những người lớn có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi tiếp xúc với người đã được xác định mắc bệnh cũng như nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh đậu mùa khỉ nên tiêm vắc-xin. 

Dù mới ghi nhận 2 ca bệnh song Đan Mạch cũng có hành động tương tự. Nước này cung cấp vắc-xin cho những người tiếp xúc gần với người đã nhiễm virus. 

Hãng công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch, nhà sản xuất vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ duy nhất trên thế giới, đang được nhiều nước tiếp cận để đặt mua vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Tại Mỹ, vắc-xin này mang tên Jynneos và được cấp phép sử dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Tại châu Âu, vắc-xin này có tên là Imvanex và được cấp phép sử dụng chỉ để phòng bệnh đậu mùa.

Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ do lần đầu tiên được phát hiện trên khỉ (macaques), một loại khỉ trong một phòng thí nghiệm ở Đan Mạch vào năm 1958. Khoảng 12 năm sau, những trường hợp đầu tiên trên người được phát hiện ở Cộng hòa dân chủ Congo ở Tây Phi.

Các nhà khoa học cho rằng không chỉ do tiếp xúc với khỉ, căn bệnh này còn có thể lây sang người thông qua tiếp xúc gần với chuột hoặc các loài gặm nhấm khác ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara. Kể từ đó, căn bệnh này đã lan sang các nước khác nhưng nhìn chung đã được kiểm soát ở khu vực Tây Phi. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca mắc đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Bệnh đậu mùa khỉ dễ nhận biết nhất thông qua những thay đổi trên da, bắt đầu bằng những tổn thương màu đỏ, trải qua các giai đoạn khác nhau và cuối cùng đóng vảy sau khi giai đoạn ủ bệnh của virus kết thúc. Các triệu chứng phổ biến của bệnh như nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp và kiệt sức.

Giới chức y tế khuyến cáo nếu mọi người phát hiện những tổn thương nhỏ, màu đỏ xuất hiện trên da, nên liên hệ với bác sĩ hoặc cơ quan y tế địa phương, để kịp thời thực hiện các xét nghiệm và truy vết nguồn tiếp xúc, lây nhiễm.

Các chuyên gia nhấn mạnh rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ và quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho tới nay, thế giới đã ghi nhận trên 250 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 16 nước.

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue

Dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam yêu cầu người dân không được chủ quan. Biến chủng của sốt xuất huyết trước hết phải kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương.

Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê.

Thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Tiếp đến là biến chứng gây tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ vong. Và cũng từ các biến chứng này có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn.

Một khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng, thêm vào đó thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.

Bên cạnh đó sốt xuất huyết có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt, đó là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt (dịch kính mắt là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật). Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.

Với phụ nữ đang mang thai, nếu bị sốt xuất huyết trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu.

Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai. Vì vậy, biến chứng do sốt xuất huyết là cực kỳ nguy hiểm không được chủ quan, xem nhẹ.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị SXHD cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để được điều trị trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết của người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, trong các trường hợp này cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay.

Điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Sốt xuất huyết lại đe dọa rình rập
Theo Bộ Y tế, hiện số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh trong số đó đã có nhiều ca tử vong.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư