Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 12/10: Chuẩn bị tiêm chủng cho các đối tượng khác
D.Ngân - 12/10/2021 09:01
 
Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 trở lên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng việc triển khai tiêm đối với những trường hợp khác.

{Tiếp tục cập nhật}

Cà Mau áp dụng biện pháp nới lỏng các dịch vụ kinh doanh trên địa bàn

UBND tỉnh Cà Mau vừa có Chỉ thị số 2157/QĐ-UBND, ngày 11/10/2021 về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo nội dung quyết định này, từ 0 giờ ngày 12/10 các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa, người điều khiển và người đi theo phương tiện vào địa bàn tỉnh bằng đường bộ, đường thủy, đường biển phải được kiểm soát chặt chẽ.

Trong đợt bình thường mới này, tỉnh Cà Mau cho phép hoạt động các cơ sở dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, gội đầu nhưng không được tập trung quá 3 người cùng một thời điểm. Các dịch vụ kinh doanh ăn uống được hoạt động, mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách tối thiểu giữa bàn với bàn 2 mét.

Dịch vụ du lịch nội tỉnh hoạt động trở lại nhưng mỗi nhóm hoạt động không quá 10 người. Hoạt động vận tải hành khách công cộng và vận tải hành khách du lịch nội tỉnh được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 50% số ghế; hành khách phải thực hiện quét mã QR, khai báo y tế khi lên phương tiện.

Học sinh Mầm non và Tiểu học tiếp tục dừng học cho đến khi có thông báo mới; THCS và THPT học trực tuyến.

Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả các trạm y tế lưu động để đáp ứng yêu cầu sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị các F0 không triệu chứng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Tất cả người dân không ra đường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ lực lượng làm nhiệm vụ công vụ hoặc được cấp có thẩm quyền cho phép.

Người dân không tập trung quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người tại nơi công cộng. Tỉnh vẫn khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thật sự cần thiết. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện xét nghiệm định kỳ nhằm phát hiện dương tính với Covid-19 để chữa trị kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo: toàn Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm “3 mũi giáp công”. Bố trí trạm, chốt tại các địa bàn giáp ranh, giáp biển, kiểm soát chặt các mối nguy từ bên ngoài vào; duy trì công tác truy vết, xét nghiệm sàng lọc. Với phương châm “không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng”.

Song song đó, Tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, cách ly hộ gia đình theo quy định; tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của các Tổ Covid cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền trong Nhân dân để “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”.

Người dân tỉnh Cà Mau (trừ các khu cách ly, khu phong tỏa theo quy định riêng) được di chuyển trong nội tỉnh. Khi người dân có nhu cầu đi ra ngoài tỉnh phải được sự đồng ý của địa phương nơi đến. Tất cả nghiêm túc thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.

Hậu Giang đón tiếp hơn 12.200 người về quê từ vùng dịch

Sở Y tế Hậu Giang cho biết, từ 1/10 đến 11/10, Hậu Giang ghi nhận tổng cộng 248 người nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 219 trường hợp là về từ ngoài tỉnh, còn lại người nhiễm bệnh phát hiện tại ổ dịch mới ở huyện Phụng Hiệp và các F1 đã cách ly tập trung trước đó.

Đến nay, tổng cộng người nhiễm Covid-19 ghi nhận tại Hậu Giang là 789 trường hợp, trong số này có 520 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, hiện còn 264 bệnh nhân đang được điều trị tại 3 cơ sở điều trị của tỉnh. Dự kiến tới đây sẽ thiết lập bệnh viện dã chiến đặt tại Bệnh viện Trường Đại học Võ Trường Toản, với khoảng 300 giường.

Hơn 10 ngày qua, Hậu Giang đã có trên 12.200 người về từ ngoài tỉnh, nhiều nhất là từ tỉnh Bình Dương (3.387 người), Thành phố Hồ Chí Minh (2.753 người), đến nay đã thiết lập tổng cộng 164 cơ sở cách ly tập trung, khả năng tiếp nhận hơn 15.700 người, hiện đang cách ly gần 8.800 người, còn lại hơn 6.900 giường.

Đối với ổ dịch ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp phát hiện ngày 5/10 vừa qua: đến nay có tổng cộng 22 trường hợp nhiễm bệnh liên quan. Huyện đã phong tỏa tạm thời toàn xã Long Thạnh, siết chặt người ra vào xã này, với trên 16.800 người.

Tại ổ dịch tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, đến nay đã cơ bản kiểm soát không để phát sinh thêm, vẫn là 4/5 người trong 1 gia đình đã nhiễm bệnh.

Liên quan đến ổ dịch xã Long Thạnh, có 1 F1 chuyển thành F0 ở địa bàn xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, công tác khoanh vùng, dập dịch liên quan đến ổ dịch này cũng được thực hiện khẩn trương, qua xét nghiệm sàng lọc liên quan đến F0 này, đều chưa phát hiện người nhiễm Covid-19.

Theo CDC Hậu Giang, với số lượng người trở về dồn dập, rất đông nên khó khăn trong việc bố trí cách ly tập trung, gây nhiều áp lực cho tỉnh cũng như 8 huyện, thị, thành phố. Hậu Giang có tỷ lệ số trường hợp nhiễm bệnh cao nhất so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, với 1,8% người nhiễm trong số hơn 12.200 người trở về.

Nếu kiểm soát, quản lý không chặt chẽ, sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các chốt kiểm soát dịch, đặc biệt là các địa phương cửa ngõ, những vùng giáp ranh, đường mòn, lối mở, phải tiếp tục thực hiện tốt. Các tổ Covid cộng đồng cần phát huy, hoạt động tích cực hơn. Từng người dân, từng gia đình phải tự quản lý gia đình mình, phát huy vai trò trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch, siết chặt “vòng ngoài” và kiểm soát tốt bên trong.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết: Nguy cơ dịch bệnh tại Hậu Giang là rất cao, nhưng hiện nay Hậu Giang đã chuyển sang trạng thái thích ứng, linh hoạt, an toàn, do đó không hoang mang, lúng túng và cực đoan khi có ổ dịch mới xuất hiện. Công tác tầm soát, xét nghiệm cộng đồng tiếp tục thực hiện theo quy định. Khi có ổ dịch thì phải truy vết, xét nghiệm thần tốc, khoanh vùng rộng, để đảm bảo không bỏ sót nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng. Các địa phương cần khẩn trương rà soát lại các phương án, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Nâng cao các điều kiện và quản lý chặt phòng, chống dịch ở các khu cách ly tập trung, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo.

Điều chuyển vắc-xin nếu tiêm chậm

Bộ Y tế cho biết trong những ngày đầu tháng 10/2021, mỗi ngày cả nước đã triển khai tiêm được hơn 1 triệu liều vắc-xin Covid-19.

Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 trở lên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng việc triển khai tiêm đối với những trường hợp khác. Ảnh: Đức Thanh

Từ tuần cuối tháng 9 đến tuần đầu tháng 10/2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 25 triệu liều vắc-xin tới các đơn vị, địa phương; dự kiến từ nay đến hết tháng 10/2021, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiếp nhận và phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng hơn 35 triệu liều.

Để đảm bảo sử dụng vắc-xin nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố coi công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận vắc-xin ngay sau khi được phân bổ và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, địa phương tăng nhanh độ bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những trường hợp đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đặc biệt, công điện của Bộ Y tế cũng nêu rõ, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng chậm tiêm thì Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vắc-xin cho địa phương khác có tiến độ tiêm chủng nhanh hơn. Khi đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 trở lên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng việc triển khai tiêm đối với những trường hợp khác.

Đồng thời, các tỉnh, thành tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng.

Đến nay Việt Nam đã tiêm khoảng 55 triệu liều vắc-xin Covid-19, gần 39 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 (chiếm 54,3% dân số từ 18 tuổi trở lên), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (chiếm 22,1%).

Bỏ yêu cầu cách ly tập trung với người từ TP.HCM đến Hà Nội bằng máy bay

Chiều ngày 11/10, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản về việc triển khai thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP.Hà Nội.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về thực hiện quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thưởng lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ ngày 10/10/2021 - 20/10/2021 tổ chức khai thác đường bay giữa TP.Hà Nội - TP.HCM và TP.Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến trên ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.

Đáng chú ý, tại văn bản này, đối với hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Hà Nội đã bỏ yêu cầu cách ly tập trung, theo đó hành khách chỉ cần thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương và TP.

Đồng thời UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành TP.Hà Nội và các tỉnh, TP có liên quan (nơi có hành khách đi đến sân bay quốc tế Nội Bài) trong quá trình tổ chức bán vé, đưa đón hành khách, người đưa đón đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Giao Sở Y tế là cơ quan chủ trì, đầu mối phối hợp tiếp nhận thông tin hành khách để phối hợp quản lý, kiểm soát dịch Covid-19, theo dõi sức khoẻ hành khách tại nhà, nơi lưu trú theo quy định của Trung ương và TP; 

Phối hợp với cảng vụ hàng không, các hãng hàng không kiểm soát dịch tễ đối với hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài đễ sàng lọc, phân loại và thông báo cho UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được biết để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý, giám sát hành khách tại nơi cư trú, lưu trú đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp y tế về phòng, chống dịch Covid-19 theo các quy định của Trung ương và TP đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Bệnh viện tư không được từ chối người mắc Covid-19 đến khám chữa bệnh

Sở Y tế TPHCM đã có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính của cơ sở y tế tư nhân điều trị Covid-19. Theo đó, Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị Covid-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Theo đó, cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc Covid-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị Covid-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết.

Về nhân lực y tế phục vụ khám chữa bệnh, hiện tại TP.HCM có 3 bệnh viện dã chiến được giữ lại để ứng phó đáp ứng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện dã chiến số 13, số 16 và số 14). 

TP..HCM cũng phân công Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sẽ tiếp nhận Trung tâm Hồi sức từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm Hồi sức từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận Trung tâm Hồi sức từ Bệnh viện Trung ương Huế sau khi lực lượng chi viện rút. Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.

TP.HCM nới lỏng giãn cách từ 1/10. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, dịch vụ y tế, kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế được phép hoạt động trở lại.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã xây dựng lộ trình thu hẹp, giải thể, chuyển đổi công năng, hoặc biến đổi hơn 80 bệnh viện tại tầng 1 và 2 của tháp điều trị Covid-19 ba tầng, giữ lại 10 trung tâm hồi sức ở tầng 3 để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân nặng.

Hiện nay đã có Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi đã trở về công năng thành bệnh viện tiếp nhận người bệnh không mắc Covid-19.

Theo dự kiến của Sở Y tế, đến ngày 31/10/2021 sẽ có thêm 26 bệnh viện công lập sẽ phục hồi trở lại công năng ban đầu để tiếp nhận điều trị các bệnh thông thường cho người dân và đến ngày 31/12/2021 sẽ tiếp tục phục hồi thêm 14 bệnh viện công lập. 

Riêng các bệnh viện tư nhân, căn cứ vào tình hình thực tế tại các bệnh viện để chủ động đề xuất và thông báo lộ trình phục hồi công năng cho Ngành Y tế.

Bắc Ninh: Tìm khẩn người tới 16 địa điểm

Sau 24 ngày không có ca mắc Covid-19, trong 2 ngày 10 và 11/10, tỉnh Bắc Ninh bất ngờ phát hiện liên tiếp 5 trường hợp dương tính chưa rõ nguồn lây.

Ngày 11/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh 4 lần phát thông báo khẩn, tìm tất cả người từng đi/đến/ở/trở về từ các địa điểm sau:

1. Chợ cá đêm ở khu phố Nguyễn Giáo, phường Đồng Nguyên, Thị xã Từ Sơn từ 25/9 đến nay.

2. Khu vực bán cá, chợ cóc xóm Giữa và chợ cóc xóm Sổ, địa chỉ: khu Dương Ổ, phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh từ ngày 25/9 đến nay.

3. Nhà ông bà Trường Nguyệt (sản xuất giấy), ngã ba đầu đường khu Cầu Tiên, xóm Sổ, Dương Ổ, phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh từ 25/9 đến nay.

4. Trường mầm non Sao Mai, đường Lê Thái Tổ, phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh từ 6/10 tới nay (phụ huynh cần đưa con em đang theo học tại trường đến trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn và lấy mẫu xét nghiệm).

5. Chung cư Cường Thịnh, phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh từ 6/10 đến nay.

6. Cửa hàng điện thoại Techboss, số 340 Ngô Gia Tự, phường Tiền An, TP.Bắc Ninh từ 8h-8h30 ngày 8/10.

7. Cửa hàng laptop Bắc Ninh, số 324 Ngô Gia Tự, phường Tiền An, TP.Bắc Ninh từ 9h30 đến 10h30 ngày 7/10.

8. Cửa hàng bún cá biển, số 64 Lê Văn Thịnh, khu 3, phường Suối Hoa (cổng chợ Suối Hoa), TP.Bắc Ninh từ 8h30 đến 9h ngày 8/10.

9. Quán vịt quay Lạng Sơn, số 6 Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh từ 7h-8h ngày 11/10.

10. Cửa hàng mát xa Phúc Hương, tầng 4, siêu thị điện máy Anh Đức, số 45 Lý Thánh Tông, phường Tân Hồng, Thị xã Từ Sơn từ ngày 27/9 đến nay.

11. Nhà hàng trâu tươi Minh Hằng, số 46 Hai Bà Trưng, thị Trấn Lim, huyện Tiên Du từ 23h10 phút đến 23h23 phút ngày 10/10.

12. Quán ăn đêm bánh mì sốt vang, xôi thập cẩm Hằng Nga, số 700-702 Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP.Bắc Ninh từ 0h - 1h ngày 9/10.

13. Cửa hàng điện thoại Táo Bắc Ninh, số 402 Ngô Gia Tự, phường Tiền An, TP.Bắc Ninh từ 8h - 8h30 ngày 8/10.

14. Cửa hàng bún chả - bún cua - mỳ cua - bún cua bắp bò, số 47 Huyền Quang, phường Ninh Xá, TP.Bắc Ninh từ 9h -10h ngày 7/10.

15. Cửa hàng bánh cuốn nóng Hai Lúa, số 45 Huyền Quang, phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh từ 9h-10h ngày 7/10.

16. Cửa hàng kem và trà sữa MIXUE, số 32C Lý Thường Kiệt, thị trấn Lim, huyện Tiên Du từ 19h-20h ngày 7/10.

Người dân thuộc diện trên cần liên hệ ngay đến trạm y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ; cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc với mình.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Hiện, Vĩnh Phúc đang đề xuất Bộ Y tế sớm bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên toàn tỉnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư