Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 21/9: Hà Nam tìm người đến địa điểm liên quan chùm ca bệnh; Nhiều bệnh nhân F0 trầm cảm
D.Ngân - 21/09/2021 08:34
 
Thêm nhiều ca mắc mới, Hà Nam khẩn cấp xét nghiệm trong đêm, TP.HCM đề xuất cấp 6 triệu liều vắc-xin để tiêm mũi 2 là những thông tin Covid-19 sáng ngày 21/9.

Số ca mắc Covid-19 lại tiếp tục vượt hơn 11.000

Tính từ 17h ngày 20/9 đến 17h ngày 21/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.692 ca nhiễm mới. So với ngày 20/9, số ca mắc tăng 3.019 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-279), Tiền Giang (-106), Đắk Lắk (-103).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (2.199), TP.HCM(1.350), Tây Ninh (27).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.330 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 707.436 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.189 ca nhiễm).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 702.972 ca, trong đó có 470.164 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (348.220), Bình Dương (183.314), Đồng Nai (41.432), Long An (30.850), Tiền Giang (13.375).

Theo Bộ Y tế, trong ngày có 11.017 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó số ca được điều trị khỏi là 475.343.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.133 ca, trong đó thở ô-xy qua mặt nạ là 3.210; thở ô-xy dòng cao HFNC: 892; thở máy không xâm lấn: 160; thở máy xâm lấn: 838; ECMO: 33.

Hơn 35 triệu liều vắc-xin đã được tiêm

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 240 ca tử vong tại TP.HCM (184), Bình Dương (41), Kiên Giang (3), Bình Thuận (3), Long An (2), Khánh Hòa (1), Hà Tĩnh (1), An Giang (1), Đà Nẵng (1), Bình Phước (1), Tiền Giang (2).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 229 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.545 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 199.004 xét nghiệm cho 393.435 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.036.205 mẫu cho 49.303.660 lượt người.

Trong ngày 20/9 có 502.493 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 35.071.714 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 28.288.007 liều, tiêm mũi 2 là 6.783.707 liều.

Để phòng chống dịch Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc-xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca (công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9 của Bộ Y tế).

Hà Nội: 13 người nhiễm Covid-19 trong ngày đầu nới lỏng giãn cách

Các trường hợp này đều đã được cách ly từ trước hoặc sống trong vùng phong tỏa.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 21/9, Thành phố vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Họ đều là F1 và đã được cách ly trước đó.

Trường hợp đầu tiên là N.L.G.L., nam, 11 tuổi, trú tại Vĩnh Hưng, Hoàng Mai. Ngày 20/9, L. được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với nCoV.

Người thứ 2 là ông N.Đ.C., 68 tuổi, có địa chỉ ở Tứ Hiệp, Thanh Trì. Ông C. được chuyển cách ly tập trung từ ngày 9/9, bắt đầu xuất hiện triệu chứng của bệnh hôm 18/9.

Như vậy, từ 18h ngày 20/9 đến 18h ngày 21/9, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 13 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, 2 ca tại khu phong tỏa, 11 trường hợp còn lại ở khu cách ly.

Một số ổ dịch tại Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp là: Thanh Xuân Trung (589 ca nhiễm), Văn Miếu (120), Văn Chương (100), Minh Khai (60), chung cư A1-A4-A5 khu đô thị Đền Lừ (26), tổ 4 Việt Hưng (18), chung cư Đồng Phát (5).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.944 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Từ 6h ngày 21/9, UBND Hà Nội quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của Thành phố.

Đồng Nai ưu tiên tiêm hai mũi vắc-xin cho shipper và lái xe

Trước nguy cơ nguồn lây bệnh rất cao trong cộng đồng từ quá trình giao hàng của đội ngũ shipper và lái xe, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị khi nhận hàng người dân, doanh nghiệp không nên tiếp xúc trực tiếp.

Để ngăn chặn nguồn lây, các ngành chức năng cần nghiên cứu phương án tạo luồng riêng trong giao, nhận hàng hóa từ lực lượng này; đồng thời ưu tiên tiêm đủ hai mũi vắc-xin cho shipper và lái xe.

Về tầm soát để phân loại F0, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, sẽ thay đổi chiến thuật bằng cách xác định khu vực chính xác nhất để khoanh hẹp và thần tốc lấy mẫu xét nghiệm. Việc lấy mẫu sẽ được thực hiện liên tục trong ba ngày đối với tất cả người dân. Sau đó hai ngày sẽ liên tục lấy mẫu xét nghiệm trong ba ngày tiếp theo, với mục tiêu phân loại tất cả F0 ra khỏi cộng đồng. 

Để phòng chống dịch, sáng 21/9, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết đã đưa bệnh viện dã chiến số 11 với quy mô 3.000 giường bệnh tại huyện Xuân Lộc vào hoạt động.

Bệnh viện dã chiến số 11 đặt tại ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc với quy mô 3.000 giường bệnh. Trong ngày đầu tiên, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, việc đưa bệnh viện dã chiến quy mô lớn nhất của tỉnh đưa vào hoạt động, góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến còn lại trên địa bàn trong tiếp nhận, điều trị F0.

Từ 0 giờ ngày 20/9, tỉnh Đồng Nai nới lỏng giãn cách xã hội, trở lại trạng thái bình thường mới đối với các đơn vị cấp xã “vùng xanh” để khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đồng thời, từ 0 giờ ngày 21/9, cơ quan chức năng quyết định kết thúc cách ly y tế đối với bảy phường trên địa bàn TP Biên Hòa với quy mô khoảng 300.000 người sau hơn hai tháng nằm trong các khu phong tỏa.

Hiện, tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục thực hiện dập dịch ở các địa bàn “vùng đỏ”, nhất là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, công nhân ở trọ dày đặc và tăng cường bảo vệ “vùng xanh” không để dịch xâm nhập.

Phú Quốc phát hiện ổ dịch mới ở phường An Thới

Ông Huỳnh Quanh Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, Chỉ huy Trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho biết, sáng nay, Phú Quốc xác nhận trên địa bàn Thành phố vừa xuất hiện ổ dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Thành phố đã họp khẩn chỉ đạo xử lý tình hình, các nhân viên y tế khẩn trương tiến hành lấy mẫu test nhanh khu vực phường An Thới tầm soát nguồn lây và truy tìm F0.

Theo CDC Phú Quốc cho biết, chiều ngày 20/9, bà H.T.H (ngụ Tổ 5, khu phố 1, phường An Thới) có biểu hiện sốt nhẹ, ho nên chủ động đến trạm y tế phường test nhanh Covid-19, kết quả dương tính. Tương tự, ông T.V.N (chồng bà H.T.H), làm nghề bốc xếp cũng có kết quả dương tính khi test nhanh Covid-19.

Sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với Covid-19, cơ quan chức năng thành phố Phú Quốc đã truy vết và tiến hành test nhanh cho 17 trường hợp trong đội bốc xếp làm cùng với ông T.V.N, kết quả có 8 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện Phú Quốc tiến hành truy vết, xác định 45 trường hợp F1 tiếp xúc gần với các ca F0 đưa đi cách ly tập trung và tiến hành test nhanh, phát hiện thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tất cả các trường hợp dương tính đều trú tại phường An Thới.

Thành phố Phú Quốc đã tiến hành phong tỏa khu vực các trường hợp F0 sinh sống và lấy 505 mẫu gộp đối với 1.200 người ở phường An Thới để test nhanh, kết quả âm tính Covid-19. Đồng thời, áp dụng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với phường An Thới để kịp thời khoanh vùng, tầm soát nguồn lây, truy tìm F0, F1, F2 và phân vùng tầm soát theo quy định.

Cũng theo ông Hưng, Ban chỉ đạo cũng đã ra thông báo khẩn cho những người đã đến 5 địa diểm trên địa bàn nhằm truy tìm người tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm F0 vừa phát hiện.

Trước khi phát hiện ổ dịch mới này, trong đợt dịch lần thứ tư, thành phố Phú Quốc chỉ phát hiện 5 ca F0, tất cả đều là tài xế chở hàng từ đất liền ra đảo.

Hà Nội: Ổ dịch mới tại Long Biên thêm 5 ca dương tính SARS-CoV-2

Theo CDC Hà Nội từ sáng đến trưa ngày 21/9 Hà Nội có thêm 10 ca dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận, trong đó có 8 ca tại khu cách ly, 2 ca tại khu phong tỏa.

Để phòng chống dịch Covid-19, UBND quận Thanh Xuân đã ra quyết định thành lập khu vực cách ly y tế ngõ 328, ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ số nhà 326 đến dãy nhà số 328 và dãy nhà số 332 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) để phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian cách ly y tế từ 14h ngày 20/9 đến 24h ngày 28/9.

Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cách ly theo quy định; đảm bảo an ninh trật tự khu vực cách ly; kịp thời báo cáo lãnh đạo UBND quận những vấn đề phát sinh để xin ý kiến chỉ đạo.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, 11 phường tại quận Thanh Xuân cũng đã thành lập Tổ xét nghiệm Covid-19 tự nguyện tại cộng đồng, tổng số 75 tổ với 473 người tình nguyện tham gia.

Ngày 20/9, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập về việc thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội khẩn trương đề xuất phương án tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer cho người đã tiêm mũi một Moderna, kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn và báo cáo sở.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập được giao nhiệm vụ tiêm vắc-xin Covid-19 tiếp tục tổ chức tiêm cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên theo quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Sở yêu cầu các cơ sở y tế này không tiêm cho lứa tuổi ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế. Cơ quan này sẽ có thông báo nếu nhận được điều chỉnh về lứa tuổi tiêm từ Bộ Y tế.

Cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn số 9981/VP-KGVX gửi tới Sở Y tế về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng giao Sở Y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 như đề nghị của Bộ Y tế.

Thành phố sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn. Hà Nội sẽ tạm dừng hoặc đình chỉ các hoạt động tiêm chủng vi phạm quy định chuyên môn, để xảy ra sai sót, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho biết từ các mốc thời gian của từng loại vắc-xin Covid-19, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo tiêm vắc-xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Dự kiến, Hà Nội hoàn thành việc bao phủ mũi 2 vắc-xin Covid-19 trong tháng 11. Theo ông Tuấn, đây là điều kiện quan trọng để Thành phố thực hiện mục tiêu kép.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 20/9, Thành phố đã tiêm được tổng cộng 5.502.277 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (5.001.927 mũi 1; 500.350 mũi 2). Trong đó, số người đã được tiêm 5.001.927, đạt 60,3% dân số và 83,09% người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi.

Số mũi tiêm vắc-xin tại TP.HCM tăng cao

Trong ngày 20/9, số lượng liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm chủng tại TP.HCM tăng cao.

Theo thông tin cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong ngày 20/9, TP.HCM đã tiêm vắc-xin Covid-19 cho 102.593 người.

Số mũi tiêm tại TP.HCM đã có bước tăng rõ rệt so, trong khi ngày 19/9, toàn Thành phố chỉ tiêm được 38.086 mũi. Tuy nhiên, số lượng này chưa đạt kỳ vọng khi năng lực tiêm chủng của Thành phố hiện tại trung bình khoảng 200.000 mũi/ngày.

Như vậy, từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 (8/3) đến hết 20/9 đã thực hiện tổng cộng 8.876.463 mũi tiêm, trong đó 2.100.826 người tiêm mũi 2.

Các điểm tiêm chủng được thực hiện trật tự, ổn định. Người tiêm an toàn, không ghi nhận phản ứng bất thường. Bên cạnh đó, 2.320.154 người được tiêm vắc-xin Vero Cell.

TP.HCM đang đối mặt nguy cơ thiếu vắc-xin diện rộng. Hôm qua (20/9), Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) xem xét phân bổ vắc-xin kịp thời và đầy đủ để thành phố triển khai kịp tiến độ.

Tính đến hết ngày 19/9, Thành phố chỉ còn 774.272 liều vắc-xin, cụ thể AstraZeneca còn 108.894 liều, Pfizer còn 125.800 liều, Vero Cell còn 539.578 liều.

Để hoàn tất mục tiêu bao phủ 2 liều vắc-xin cho 7.208.800 người dân Thành phố (theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tính đến ngày 30/6/2021), căn cứ quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 và số lượng vắc-xin còn lại, thành phố dự kiến cần 6.031.000 vắc-xin từ ngày 20/9 đến ngày 31/10.

Trong đó, số lượng vắc-xin để tiêm mũi 1 khoảng 472.000 liều và tiêm mũi 2 khoảng 5.559.000 liều.

Theo văn bản mới nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Thành phố sẽ tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ 20/9 đến 30/9. Cụ thể, Thành phố triển khai thần tốc lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.

Quảng Bình thông tin về việc nữ giáo viên tiêm hai mũi vắc-xin

Ngày 21/9, Sở Y tế Quảng Bình đã có báo cáo về trường hợp giáo viên tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19 liên tiếp xảy ra tại huyện Lệ Thủy. Nữ giáo viên này là Lê Thị L., giáo viên Trường tiểu học và THCS số 1 Trường Thủy.

Theo Sở Y tế Quảng Bình, nguyên nhân xảy ra sự cố là do cô Lê Thị L. là đối tượng tiêm chủng, nhưng đã không tìm hiểu kỹ về các loại vắc-xin phòng Covid-19, nhất là loại vắc-xin AstraZeneca mà bản thân mình đang được tiêm.

Nữ giáo viên không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng đã được hướng dẫn là đợi theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm mà lại đến bàn tiêm số 2 để tiến hành tiêm tiếp mũi vắc-xin thứ 2.

Về phía đơn vị thực hiện tiêm chủng là Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, các nhân viên y tế đã không kiểm tra kỹ lưỡng thông tin tiêm chủng của cô giáo này, bên cạnh đó, các bước trong quá trình thực hiện tiêm chủng chưa được kiểm soát chặt chẽ nên mới để xảy ra trường hợp nói trên.

Sở Y tế Quảng Bình cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh này và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sức khỏe nữ giáo viên nói trên 28 ngày, nhất là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng và thông báo với cô L. phải có trách nhiệm báo cáo tình trạng sức khỏe 2 lần/ngày cho điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy.

Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cũng đã ra công văn chấn chỉnh các bước trong quá trình thực hiện tiêm chủng, từ khâu khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm cần được kiểm soát nghiêm ngặt.

Đồng thời yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, Trung tâm Y tế huyện nói riêng và tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn Tỉnh rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc các khâu trong quá trình tiêm vắc-xin Covid-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh các trường hợp không đáng có xảy ra.

Trước đó tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã xảy ra sự việc hy hữu, một nữ giáo viên đã tiêm 2 mũi chỉ cách nhau chưa đầy 10 phút.

Đồng Tháp có nhiều biện pháp hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh

Đó là ghi nhận của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khi đến thăm, làm việc với tỉnh Đồng Tháp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tặng quà cho học sinh, trẻ em, công nhân và lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 vào hôm qua 20/9/2021.

Báo cáo với Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thông tin, bên cạnh mục tiêu kiểm soát dịch bệnh thì Đồng Tháp đang khôi phục hoạt động sản xuất. Toàn Tỉnh hiện có 151 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ, y tế tại chỗ) với hơn 17.800 lao động. Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng điều trị, giảm số ca F0 tử vong; đã thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 toàn Tỉnh 2 lần và đang triển khai tầm soát toàn Tỉnh lần thứ 3. Những điểm nóng về Covid-19 được xử lý kịp thời, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Đồng Tháp cơ bản kiểm soát.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương, ghi nhận những biện pháp hữu hiệu và kết quả tích cực mà tỉnh Đồng Tháp đạt được về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong 3 tháng qua.

Đồng thời Phó chủ tịch cũng lưu ý tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục cố gắng kiểm soát và dự báo tình hình dịch bệnh để áp dụng biện pháp giãn cách xã hội với phạm vi phù hợp; đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát diện rộng; hạn chế đến mức thấp nhất số ca F0 tử vong; quan tâm chăm lo cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nỗ lực vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác.

Dịp này, bà Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng 5.000 bộ kit test nhanh Covid-19 cho tỉnh Đồng Tháp; 10 máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Lấp Vò.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 200 triệu đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Tỉnh. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao 300 triệu đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tập đoàn T&T tặng 50 tấn gạo và 30.000 bộ kit test nhanh Covid-19. Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm tặng 5 căn nhà tình nghĩa (50 triệu đồng/căn).

Cà Mau ra lời kêu gọi toàn dân xét nghiệm nhanh phòng chống Covid-19

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Cà Mau vừa có thư kêu gọi toàn dân xét nghiệm phòng, chống Covid-19 gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong Tỉnh.

Theo ông Hải, mặc dù Cà Mau có nhiều biện pháp tích cực và hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, nhưng hiện nguồn vắc-xin đang khan hiếm, chưa đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân, trong khi nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh của biến chủng Delta rất nguy hiểm, nên việc tổ chức xét nghiệm, sàng lọc nhanh để cách ly, điều trị kịp thời là mắt xích rất quan trọng và ít tốn kém trong tình hình hiện nay, với các quy định cụ thể cho từng đối tượng.

Đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp: giao thủ trương cơ quan, chủ doanh nghiệp chị trách nhiệm tổ chức thực hiện test nhanh 100% cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động… tần suất 3ngày/ lần.

Đồi với người dân: giao chính quyền địa phương vận động toàn thể bà con nhân dân tự thực hiện việc test nhanh theo tỉ lệ mức độ nguy cơ của từng địa phương.

Theo Bí thư Nguyễn Tiến Hải, do điều kiện ngân sách của Tỉnh cón khó khăn nên nguồn kinh phí mua dụng cụ test nhanh được thực hiện từ nguồn vận động xã hội hóa và người dân tự chi trả, Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và hộ cận nghèo, với quyết tâm đồng lòng chung sức chung tay thực hiện xét ngjhiệm nhanh trên địa bàn toàn Tỉnh nhằm bảo vệ tốt sức khỏe cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Theo ngành chức năng Cà Mau, trong đợt xét nghiệm lần này, ngoài lực lượng chuyên môn y tế thực hiện xét nghiệm PCR, Cà Mau sẽ xây dựng được mạng lưới lực lượng cộng tác viên, tiến hành tập huấn kỹ thuật lấy mẫu và quy trình test nhanh, để từ đó hướng dẫn cho người dân tự thực hiện công việc test nhanh trong cộng đồng. 

Long An áp dụng Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn Tỉnh

UBND tỉnh Long An vừa có Chỉ thị 9229/UBND-VHXH về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh trong tình hình mới.

Theo đó, từ ngày  21/9, Long An áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn Tỉnh kể từ 00h00 ngày 21/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.

Cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát được hoạt động, nhưng chỉ phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Riêng đối với chợ truyền thống: Giao Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với cơ quan y tế rà soát, xây dựng phương án, lộ trình để triển khai thí điểm cho hoạt động trở lại các chợ truyền thống.

Đối với thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành thực hiện từ ngày 21/9/2021. Riêng thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc thực hiện từ ngày 01/10/2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hòa cũng đã ký công văn số 9186/UBND-VHXH về việc phối hợp quản lý, kiểm soát sự di chuyển của người dân qua địa bàn Tỉnh.

Theo CDC Long An, tính đến 18h00 ngày 20/9/2021, Long An có 256 ca mắc mới (gồm 2 ca trong cộng đồng, còn lại tại các khu phong tỏa cách ly), nâng tổng số ca mắc lên 30.883, đã điều trị khỏi 25.714 ca, đang điều trị 4.496 ca, 388 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 1,25%.

Hà Nội thêm 1 ca Covid-19 là lái xe đường dài đã được cách ly

Sáng 21/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 20/9 đến 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội ghi nhận 1 ca Covid-19 tại khu cách ly. Ca bệnh mới ghi nhận tại quận Long Biên, thuộc chùm ca bệnh về từ TP.HCM.

Có khoảng 20% F0 ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 bị trầm cảm.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.932 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.334 ca. 

Tính đến hết ngày 20/9, toàn thành phố đã tiêm được 5.502.277 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (5.001.927 mũi 1; 500.350 mũi 2), số người được tiêm 5.001.927 (60,3%) dân số và bằng (83,09%) người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi. Về xét nghiệm, trong ngày 20/9, toàn thành phố đã xét nghiệm 5.668 mẫu, kết quả có 9 ca dương tính còn lại đều âm tính. 

Cụ thể, CDC Hà Nội thực hiện xét nghiệm 1.483 mẫu, phát hiện 6 ca dương tính. Các bệnh viện xét nghiệm 4.185 mẫu, kết quả có 3 ca dương tính.

Sau 4 đợt giãn cách xã hội với các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, sáng tạo phù hợp thực tiễn, TP.Hà Nội hiện đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Như các chuyên gia nhận định, chuyện nới lỏng giãn cách xã hội là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất. 

Nhưng khi Thành phố càng nới lỏng giãn cách xã hội, càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Bởi chúng ta phải nhớ, dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội sẽ bùng phát, chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước.

Hà Nam: Tìm người đến các địa điểm liên quan chùm ca bệnh ở xã Phù Vân

Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 liên quan đến các ca dương tính mới được phát hiện, đêm (20/9), ngành Y tế tỉnh Hà Nam huy động khẩn lực lượng từ 6 trung tâm y tế trong toàn tỉnh và 4 bệnh viện (Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học Cổ truyền) thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các hộ dân ở 7 phường, xã trên địa bàn TP.Phủ Lý và một số công ty ở Khu công nghiệp Châu Sơn.

Các phường, xã được lấy mẫu gồm: Phù Vân, Kim Bình, Lê Hồng Phong, Châu Sơn, Thanh Châu, Liêm Chính, Quang Trung.

Ở các phường, xã, mỗi hộ dân cử một người có nguy cơ nhất trong gia đình đi lấy mẫu. Người dân ở thôn, tổ dân phố nào lấy mẫu tại địa điểm của thôn, tổ dân phố đó, thường là các nhà văn hóa, hoặc trạm y tế, trường học. Ở các công ty, công nhân được yêu cầu không về nhà, việc lấy mẫu được thực hiện tại công ty.

Cũng liên quan đến chùm ca bệnh mới phát hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đề nghị, những ai đã từng tiếp xúc gần với bệnh nhân Đ.T.T (BN687.470) từ ngày 4/9/2021 đến 15/9/2021 tại:

Công ty đồ chơi Dream 1, Khu công nghiệp Châu Sơn, TP.Phủ Lý; những ai đến khu vực trả kết quả tại UBND xã Phù Vân (TP.Phủ Lý) sáng ngày 6/9/2021;

Người đến Bệnh viện Đa khoa Việt Mỹ, địa chỉ: QL 1A, phường Hai Bà Trưng, TP.Phủ Lý từ 7h30 đến 8h30 ngày 19/9/2021;

Người đã đến quán bia Sông Châu, ở đường Lê Lợi, phường Lương Khánh Thiện (TP. Phủ Lý) vào 20 giờ ngày 13/9/2021 phải liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất, hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh Hà Nam: 0988.826.373; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam: 0983.199.839 hoặc 0915.028.963 để được theo dõi sức khỏe và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

TP.HCM đề xuất cấp thêm 6 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm đủ 2 mũi

Trong văn bản do Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam ký, thành phố đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) xem xét phân bổ vắc-xin kịp thời và đầy đủ để thành phố triển khai kịp tiến độ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 19/9, thành phố đã tiêm 8.773.840 liều vắc xin, trong đó có 6.736.823 mũi 1, đạt 93,5% dân số từ 18 tuổi trở lên và 2.037.017 mũi 2, đạt 28,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. 

Tính đến hết ngày 19/9, thành phố hiện còn 774.272 liều vắc-xin, cụ thể AstraZeneca còn 108.894 liều, Pfizer còn 125.800 liều, Vero Cell còn 539.578 liều.

Để hoàn tất mục tiêu bao phủ 2 liều vắc-xin cho 7.208.800 người dân thành phố (theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tính đến ngày 30/6/2021), căn cứ quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 và số lượng vắc xin còn lại, thành phố dự kiến cần 6.031.000 vắc-xin từ ngày 20/9 đến ngày 31/10.

Trong đó, số lượng vắc-xin để tiêm mũi 1 khoảng 472.000 liều và tiêm mũi 2 khoảng 5.559.000 liều.

Về số lượng vắc-xin để tiêm mũi 2, thành phố cần 4.935.000 liều AstraZeneca hoặc Pfizer để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca đủ 8-12 tuần và 624.000 liều Vero Cell để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 đủ 3 tuần.

Theo thông tin cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong ngày 19/9, TP.HCM chỉ tiêm vắc-xin cho 38.086 người. Số lượng này rất ít so với công suất tiêm chủng của thành phố. Nếu không có thêm nguồn phân bổ, nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức nguy cơ đối mặt tình trạng khan hiếm vắc-xin.

Đắk Lắk: Thêm 36 ca mắc Covid-19

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, ngày 20/9, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận thêm 36 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 22 trường hợp trong cộng đồng và 14 trường hợp trong các khu cách ly tập trung.

Cũng trong ngày 20/9, toàn tỉnh có thêm 28 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi.

Tính đến ngày 20/9, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 1.677 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đang điều trị 713 trường hợp, 12 trường hợp tử vong và có 952 bệnh nhân đã điều trị khỏi.

Chiều 20/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Buôn Ma Thuột đã ban hành Quyết định 6622/QĐ-BCĐ về việc thiết lập cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 tại phường Tân Hòa.

Yêu cầu xem xét phản ánh về việc thu phí xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội

Ngày 20/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế và UBND TP.Hà Nội xem xét thông tin phản ánh về việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ nhận được thông tin phản ánh về việc theo quy định các chi phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 đều do ngân sách Nhà nước chi trả.

Tuy nhiên, hiện có không ít trường hợp bệnh nhân (chưa biết có nhiễm Covid-19 hay không) khi tới một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội để điều trị phải xét nghiệm Covid-19 theo chỉ định và thanh toán chi phí này.

Về việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND TP.Hà Nội xem xét, có thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật; đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế.

20% F0 ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 bị trầm cảm

Ngày 20/9, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh ở các khoa điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP.Thủ Đức) cho thấy có 20% bệnh nhân bị trầm cảm, 53,3% rối loạn lo âu và 16,7% bị stress.

Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở ô-xy qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỷ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

Gần đây, số lượng những bệnh nhân được xuất viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tăng rõ rệt, trung bình trên 30 người/ngày.

Sau hơn 2 tháng hoạt động, đơn vị này đã tiếp nhận trên 2.900 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó 2/3 bệnh nhân ở độ tuổi từ 50 trở lên, kèm bệnh lý nền như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp.

Hiện 50% bệnh nhân xuất viện, hoặc giảm từ độ nặng sang nhẹ và được chuyển đến bệnh viện tầng dưới tiếp tục điều trị.

Hà Nội bỏ giấy đi đường trên địa bàn Thành phố từ ngày 21/9
Từ ngày 21/9, Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng và không áp dụng việc sử dụng giấy đi đường cho các tổ chức cá nhân, Doanh nghiệp di...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư