Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 26/9: Hà Nội giám sát người về từ Phủ Lý, Hà Nam
D.Ngân - 26/09/2021 09:42
 
Chuyển trạng thái chống Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt; Hà Nội giám sát người về từ Phủ Lý, Hà Nam; Đồng Nai đề xuất xác định vùng xanh từ thôn, xóm.

Thêm 10.011 người mắc Covid-19 tại 35 tỉnh, thành phố

Trong ngày 26/9, các địa phương ghi nhận thêm 10.011 người mắc Covid-19 tại 35 tỉnh, thành phố.

Số ca nhiễm Covid-19 giảm nhiều so với ngày trước đó, chẳng hạn Bình Dương (-297), Đồng Nai (-250), Bình Phước (-120).

Những tỉnh, thành có số F0 tăng là TP.HCM (1.075), Đắk Lắk (40), Gia Lai (17). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.938 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 756.689 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, nước ta đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.587 ca nhiễm).

Ở đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 752.185 ca, trong đó có 522.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (371.660), Bình Dương (200.196), Đồng Nai (45.667), Long An (31.789), Tiền Giang (13.787).

Trong ngày, Bộ Y tế công bố 11.477 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 527.926 người.

Việt Nam đã tiêm hơn 38 triệu mũi vắc-xin Covid-19

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 184 ca tử vong tại TP.HCM (131), Bình Dương (26), Đồng Nai (9), Long An (4), An Giang (4), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 213 trường hợp. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584 người, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ trên thế giới (2,1%).

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca, trong đó: Thở ô-xy qua mặt nạ: 2.723, thở ô-xy dòng cao HFNC: 728, thở máy không xâm lấn: 119, thở máy xâm lấn: 719, ECMO: 39.

Trong ngày 25/9, 787.838 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 38.367.246, trong đó tiêm 1 mũi là 30.420.963 liều, tiêm mũi 2 là 7.946.283 liều.

36 giờ qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Chiều 26/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, 36 giờ qua (từ 6 giờ ngày 25/9 đến 18 giờ ngày 26/9) Thành phố không ghi nhận ca mắc mới sau gần 3 tháng, từ ngày 4/7 đến nay.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.965 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.364 ca.

Thời gian qua Hà Nội đã luôn giữ thế chủ động, mọi kịch bản, phương án phòng chống dịch đều được lãnh đạo Thành phố tính toán, xây dựng với các tình huống kỹ càng.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Hà Nội đã chuẩn bị được 135 cơ sở cách ly, khả năng tiếp nhận cách ly 42.982 người và sẵn sàng chuẩn bị phương án đáp ứng 100.000 giường cách ly các đối tượng F1.

Nhưng hiện nay, mới chỉ sử dụng khoảng 9% công suất giường đã có, đặc biệt, các khu cách ly trên địa bàn luôn được quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Cùng với chuẩn bị các khu cách ly tập trung, Hà Nội cũng xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng về y tế, với 40.000 giường điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, mục tiêu không để F0 phải cách ly, điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, Thành phố đảm bảo cung cấp ô-xy y tế đáp ứng công suất 40 tấn/ngày; 1.200 tấn/tháng. Trong trường hợp khẩn cấp có thể nâng công suất đạt 100 tấn/ngày, 3.000 tấn/tháng.

Thực tế vừa qua cho thấy, việc thực hiện tốt chiến lược 5K+vắc-xin và thuốc, các biện pháp công nghệ. Tổ chức xét nghiệm, tiêm vắc-xin khoa học, an toàn, hiệu quả, toàn diện theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo tinh thần “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất” đã phát huy hiệu quả.

Xem xét “hộ chiếu vắc-xin”

Ngày 25/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vắc-xin”.

Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vắc-xin” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. 

Việc công nhận “Hộ chiếu vắc-xin” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc-xin”.

TP.HCM: Số bệnh nhân nặng đang thở máy ngày càng giảm

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ 22/9 đến 25/9, tỷ lệ dương tính trên toàn thành phố giảm từ 0,4% xuống 0,2%. Cụ thể, tỷ lệ dương tính các vùng đã giảm như sau: Vùng xanh giảm từ 0,2% xuống 0,1%.

Vùng cận xanh giảm từ 0,3% xuống 0,2%; Vùng vàng có tỷ lệ dương tính không đổi là 0,2%; Vùng cam có tỷ lệ dương tính giảm từ 0,6% xuống 0,3%; Vùng đỏ giảm từ 0,7% xuống 0,4%.

Tại cuộc họp báo chiều 26/9, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.

Lý giải quyết định này, ông Hải cho biết theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại TP.HCM như địa lý, dân số.

"Do đó, Chủ tịch UBND Thành phố có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.HCM", ông Hải cho biết.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, trong ngày 25/9, TP.HCM có 3.512 bệnh nhân nhập viện, 3.495 bệnh nhân xuất viện, 131 trường hợp tử vong trong ngày. Số bệnh nhân nặng đang thở máy ngày càng giảm, đến 25/9 là 1.918 trường hợp.

Từ 18h ngày 24/9 đến 18h ngày 25/9, TP.HCM đã lấy 1.029.604 mẫu xét nghiệm, trong đó có 5.578 mẫu đơn và 44 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1.024.025 mẫu.

Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 25/9 là 9.441.815. Trong ngày 24/9, ngành y tế đã tiêm 242.022 mũi vắc-xin. Tổng số mũi 1 là 6.814.687, mũi 2 là 2.627.128, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.107.266

Được biết, từ 0h ngày 16/9, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết 30/9, nới lỏng một số hoạt động.

Shipper được chạy liên quận/huyện/thành phố từ 6h đến 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, lực lượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận, huyện và TP. Thủ Đức.

TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và xét nghiệm 5 ngày/lần.

Chuyển trạng thái chống Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt

Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương thống nhất chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Để thực hiện nhiệm vụ chống dịch Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời.

Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả.

Những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Thủ tướng lưu ý, các quy định, hướng dẫn, tiêu chí của Trung ương không thể phủ kín được thực tiễn, do đó, các địa phương phải đánh giá tình hình thực tế trên cơ sở các nguyên lý chung, phát huy tính năng động, sáng tạo và dựa vào kinh nghiệm có được trong thời gian qua.

Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và về huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Về xuất nhập cảnh, Tiểu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vắc-xin” có tính chất đối đẳng.

Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa; các địa phương phải hết sức linh hoạt, không ban hành “giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa.

Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vắc-xin, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch Covid-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi, thúc đẩy một số công việc mà lâu nay chúng ta đã làm song gặp khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cấp cơ sở.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương đề xuất việc khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, không để sai phạm nhỏ thành vi phạm lớn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Y tế - Tiểu ban Y tế xây dựng kế hoạch chủ động về vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế cho năm 2022, trên cơ sở đó bố trí ngân sách phù hợp, tiết kiệm.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ trưởng đã nỗ lực cao nhất trong triển khai chiến lược vắc-xin  trong bối cảnh vắc-xin vẫn khan hiếm trên toàn cầu. Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh quan điểm “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, không phân biệt các loại vắc-xin; sử dụng vắc-xin an toàn, hiệu quả, khoa học, tập trung cho đối tượng ưu tiên, địa bàn ưu tiên; dứt khoát chống tiêu cực.

TP.HCM đã tiêm gần 9,2 triệu mũi vắc-xin Covid-19

Theo HCDC TP.HCM có 2.310.875 hộ dân, trong đó 396.166 hộ dân thuộc "vùng đỏ", 175.721 hộ dân thuộc "vùng cam". 

Công tác xét nghiệm toàn thành phố trong 6 đợt có kết quả như sau. Đối với "vùng cam và đỏ", thực hiện lấy mẫu bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tỷ lệ dương tính giảm từ 3,7% trong đợt 1 xuống còn 1,1% trong đợt 6.

Đối với "vùng xanh, cận xanh và vàng", thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình. Tỷ lệ dương tính "vùng xanh - cận xanh và vùng vàng" lần lượt giảm từ 0,9% và 1,8% trong đợt 1 xuống còn 0,7% và 0,9%.

Để đánh giá cấp độ dịch các địa phương tại TP.HCM, Sở Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo số người trên 50 tuổi hiện đang cư trú trên địa bàn đã tiêm vắc-xin Covid-19 và gửi về sở trong ngày 26/9.

Sở Y tế cũng yêu cầu các địa phương báo cáo thời gian dự kiến đạt mục tiêu tối thiểu 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. 

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến sáng 24/9, TP đã tiêm chủng được 9.068.787 liều vắc-xin, trong đó có 6.790.745 mũi 1 (đạt 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 2.278.042 mũi 2 (đạt 31,6% dân số từ 18 tuổi trở lên).

Hà Nội giám sát người về từ Phủ Lý, Hà Nam

Theo CDC Hà Nội, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới từ 18h ngày 25/9 đến 6h ngày 26/9.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.965 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.364 ca.

Ngày 25/9, ngõ 332 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) chính thức được gỡ phong tỏa sau gần 1 tháng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội đề nghị các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát người về từ các xã, phường thuộc TP.Phủ Lý, Hà Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.

Ngày 24/9, CDC Hà Nội đã có công văn gửi Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc giám sát người về từ các xã, phường đang giãn cách xã hội tại TP.Phủ Lý, Hà Nam.

Hiện nay tình hình dịch Covid-19 tại TP Phủ Lý, Hà Nam đang có diễn biến phức tạp khi ghi nhận nhiều ca bệnh (nhiều ca không rõ nguồn lây) tại nhiều phường, xã trên địa bàn. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào Hà Nội, CDC đề nghị các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát người về từ các xã, phường thuộc TP Phủ Lý, Hà Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện nay gồm 12 xã, phường: Châu Sơn, Lê Hồng Phong, Thanh Châu, Thanh Tuyền, Liêm Chính, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Quang Trung, Phù Vân, Liêm Chung từ ngày 19/9/2021 (danh sách các xã, phường sẽ thay đổi theo tình hình dịch).

Với trường hợp có tiếp xúc với ca dương tính, được coi là người tiếp xúc gần (F1), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung.

Với các trường hợp khác cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tính từ ngày đến Hà Nội, thực hiện lấy mẫu gộp để xét nghiệm sàng lọc. Với trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng, mất vị giác/khứu giác,... thì coi như ca nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tại cơ sở y tế.

Đề xuất xác định vùng xanh từ thôn, xóm ở Đồng Nai

Ngày 25/9, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các huyện, thành phố, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đề xuất nhiều giải pháp nới lỏng giản cách, mở rộng vùng xanh, từng bước phục hồi kinh tế.

Cụ thể, bà Hoàng đề xuất tỉnh xác định vùng xanh theo nguyên tắc nhỏ nhất như thôn, ấp, tổ, xóm, trước ngày 30/9. Đồng thời, tỉnh cần cho phép công nhân từ vùng xanh, vàng đã tiêm 1 mũi vắc-xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 180 ngày được đến công ty để lao động.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc vận chuyển hàng hóa, lưu thông cho doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệp; doanh nghiệp hoạt động theo phương án cho công nhân đi về hàng ngày.

Phó chủ tịch tỉnh cũng đề xuất không thu phí và cấp bù học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh trong học kỳ 1 năm học 2021-2022.

Ngoài ra, Sở Y tế cần phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông cập nhật kịp thời kết quả tiêm chủng trên ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, đảm bảo tiêm tới đâu nhập thông tin tới đó, tiến tới việc áp dụng thẻ xanh vắc-xin.

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng các địa phương cần chuẩn bị ngay kế hoạch xây dựng ấp xanh, khu phố xanh.

Các địa phương lập đường dây nóng xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch Covid-19. Đối với các doanh nghiệp xanh và vùng xanh, phải nhanh chóng phục hồi sản xuất trong môi trường an toàn.

Ngoài ra, Đồng Nai cần tăng cường xét duyệt các đối tượng được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. "Các địa phương phải xem xét rất trách nhiệm, không được phép chậm trễ", ông Lĩnh nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, đến ngày 25/9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 44.900 ca nhiễm Covid-19, trong số này có hơn 23.100 trường hợp khỏi bệnh, xuất viện.

Có nên xét nghiệm kháng thể Covid-19?
Hiện nay Bộ Y tế chưa quy định xét nghiệm kháng thể Covid-19 với người dân trong cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ sở đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư