Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 6/9: 5 tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 trước 15/9
D.Ngân - 06/09/2021 08:57
 
Bộ Y tế vừa có công điện yêu cầu TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 trước 15/9.

12.477 người mắc Covid-19 mới, giảm 624 ca

Trong 24 giờ qua, Việt Nam có 12.477 người mắc Covid-19 mới, giảm 624 ca so với ngày 5/9. Trong đó TP.HCM tăng 896 ca mắc, Đồng Nai giảm 372 ca, Long An tăng 101 ca, Tiền Giang tăng 101 ca, Bình Dương giảm 1.346 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 524.307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm).

Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam có tổng cộng 520.013 ca trong nước. Trong đó, 288.953 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 311 ca tử vong.

Các bệnh nhân được ghi nhận tại TP.HCM (233), Bình Dương (39), Khánh Hòa (7), Đồng Nai (6), Long An (5), Tiền Giang (5), Kiên Giang (3), Đồng Tháp (2), Đà Nẵng (2), Cần Thơ (2), Sóc Trăng (2), Bình Định (2), Hà Nội (1), Vĩnh Long (1), Tây Ninh (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.385 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc. Số liệu này cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Về tình hình điều trị, 9.211 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19 trong ngày. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.291 ca, trong đó, 4.015 phải thở oxy qua mặt nạ, 1.207 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, 146 ca thở máy không xâm lấn, 892 người thở máy xâm lấn, 31 ca can thiệp ECMO.

Trong ngày 4/9, 336.381 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số đã được tiêm là 21.445.181 liều. Trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.

Đã phân bổ hơn 32 triệu liều vắc-xin cho các địa phương

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc-xin Covid-19 với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Riêng TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% vắc-xin trên cả nước.

Đến nay, TP.HCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc-xin đủ để bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% để tiêm cho mũi 1.

Đến ngày 5/9, 4 địa phương trên đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều vắc-xin và đã tiêm hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%).

Cục Y tế dự phòng cho biết, TP.HCM đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc-xin (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỉ lệ sử dụng vắc-xin đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.

Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỉ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.

Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu). Tỉ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm vắc-xin.

Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin, tỉ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.

Ổ dịch Thanh Xuân Trung thêm 33 F0; ngày 6/9, Hà Nội có 53 ca nhiễm

Tính từ 18 giờ ngày 5/9 đến 18 giờ ngày 6/9, Hà Nội 53 bệnh nhân Covid-19, trong đó 2 ca ghi nhận tại cộng đồng, 36 ca trong khu vực cách ly, 15 ca khu vực phong tỏa. Trong 53 ca, có 33 ca ghi nhận tại ổ dịch Thanh Xuân Trung.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.580 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.565 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.015 ca.

Theo số liệu được đăng tải trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, Hà Nội đã được phân bổ tổng cộng 4.313.400 liều vắc-xin Covid-19.

Thời gian qua, Thành phố đã thực hiện tất cả 3.314.841 mũi tiêm, đạt 72,7% số lượng vắc-xin được phân bổ. Tỷ lệ dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin tại Hà Nội là gần 55%.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, khẳng định thời gian qua, Thành phố đã tích cực tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin của Thành phố còn bị hạn chế.

Theo đại diện CDC Hà Nội, Thành phố cũng đã đặt mục tiêu tiêm chủng cụ thể thông qua phương án 170/PA-UBND. Cụ thể, UBND Thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng tổ chức tiêm chủng an toàn với số lượng tối đa là 200.000 mũi/ngày.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng được xuất viện

Đối với 13 người từng mắc Covid-19 nặng và nguy kịch ở Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 BV Bạch Mai tại Quận 7, TP.HCM (gọi tắt Trung tâm) thì 13 tờ giấy ra viện được trao chiều 6/9 là những “tờ giấy hạnh phúc”.

Trong số 13 người này có người từng hôn mê nhiều ngày, có các bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, phải thở máy, viêm gan.

Ths.Bs Ngô Đức Hùng, Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, Trung tâm hiện đang điều trị cho hơn 300 bệnh nhân nặng từ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến dưới chuyển lên.

Đây là tuyến điều trị cao nhất. Mới một tháng đi vào hoạt động nhưng đã có hơn 200 bệnh nhân từ nặng và nguy kịch chuyển sang nhẹ, với khả năng hồi phục rất tốt. Trước đó, ngày 1/9, Trung tâm cũng đã có 7 bệnh nhân được xuất viện.

Bạc Liêu áp dụng giãn cách xã hội toàn Tỉnh theo Chỉ thị 15, trừ 6 phường nội ô TP. Bạc Liêu

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa triển khai Quyết định “Áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ” theo Chỉ thị 15, áp dụng từ 03 giờ ngày 06/9/2021 đến 00 giờ ngày 13/9/2021, trừ 6 phường nội ô TP. Bạc Liêu đang là tâm dịch của Tỉnh.

Theo đó, 6 phường nội ô TP. Bạc Liêu gồm: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 5, Phường 7 và  Phường 8 tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Còn lại: Phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch, xã Vĩnh Trạch Đông của TP. Bạc Liêu và toàn bộ địa bàn huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải và TX. Giá Rai sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều yêu cầu tiếp tục thực hiện phong tỏa cách ly y tế cục bộ đối với các khu vực có nhiều F0 hoặc có nguy cơ rất cao; ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định việc phong tỏa này. Riêng đối với các khu vực đang thiết lập vùng phong tỏa cách ly y tế trên địa bàn các huyện, thị xã theo các quyết định trước đây của Chủ tịch UBND tỉnh thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian quy định.

Tiếp tục quản lý thật chặt “vòng ngoài”, kiểm soát chặt chẽ người ra vào Tỉnh và các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào Tỉnh phải đảm bảo các nội dung yêu cầu chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh đã ban hành.

Đối với “vòng trong”, tổ công tác, tổ tuần tra, kiểm soát lưu động phải kiểm soát tốt, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng vũ trang phải gương mẫu chấp hành quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không được tự ý ra khỏi địa bàn tỉnh nếu không được sự cho phép của người có thẩm quyền.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 12 giờ qua đã ghi nhận thêm 7 trường hợp có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Các trường hợp này đều được ghi nhận trên địa bàn TP. Bạc Liêu, là các trường hợp F1 và người về từ vùng dịch đã được cách ly tập trung.

Tính đến 06h00 ngày 06/9/2021, tỉnh Bạc Liêu đang cách ly điều trị cho 126 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, đang cách ly tập trung cho 2.478 trường hợp và 7.211 trường hợp đang cách ly tại nhà. Trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay) tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 192 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Theo CDC Bạc Liêu, nhằm bóc tách nhanh các F0 ra khỏi cộng đồng, thành phố Bạc Liêu sẽ triển khai xét nghiệm sàng lọc, tầm soát người nhiễm SARS-CoV-2 từ ngày 06/9/2021 đến ngày 14/9/2021 cho 10 xã/phường, cụ thể: Phường 1, 3, 7 lấy mẫu gộp chạy RT-PCR vào ngày 06/9/2021; phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch, xã Vĩnh Trạch Đông thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (đại diện hộ gia đình 01 người có nguy cơ cao) vào ngày 07/9/2021; phường 2, phường 5, phường 8 lấy mẫu gộp chạy RT-PCR vào ngày 08/9/2021. Từ ngày 10/9 - 14/9/2021 lập lại lần 2 theo trình tự trên. Riêng tại các huyện/thị còn lại sẽ triển khai lấy mẫu lần 01 từ ngày 06/9 - 09/9/2021 và lần 2 số mẫu như lần 1 diễn ra từ ngày 10/9 - 13/9/2021.

Theo kế hoạch, tỉnh Bạc Liêu sẽ đồng loạt triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, tầm soát người nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn Tỉnh theo mức độ nguy cơ, dự kiến lấy mẫu lần 1 cho khoảng 134.584 người: Đông Hải 7.641, Giá Rai 7.644, Hòa Bình 9.145, Hồng Dân 6.081, Phước Long 6.276,  Vĩnh Lợi 10.659 và TP. Bạc Liêu 87.138.

CDC Bạc Liêu đánh giá, đợt tầm soát người nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn Tỉnh lần này với mục tiêu thực hiện các giải pháp chặt chẽ theo từng vùng được xác định nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và bình thường để sàng lọc tất cả các F0 ra khỏi cộng đồng, quản lý F1 trong thời gian sớm nhất có thể; đưa thành phố Bạc Liêu từ nguy cơ rất cao xuống nguy cơ cao hoặc nguy cơ, duy trì và giữ vững các huyện, thị xã còn lại ở trạng thái bình thường mới, hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự xã hội.

Các bệnh viện nơi có dịch phải thành lập phòng khám từ xa và điều trị cho F0 tại nhà

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, số người nhập viện điều trị tăng cao, gây quá tải cho các bệnh viện, đồng thời số F0 đang điều trị tại nhà rất lớn.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tại địa phương đang có dịch bệnh phức tạp thành lập phòng khám từ xa để tư vấn và điều trị cho F0 tại nhà. Các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề cũng được phép kê đơn điện tử đúng chuyên khoa cho F0 trong trường hợp khẩn cấp.

Để triển khai hoạt động này, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện xây dựng kế hoạch cụ thể của phòng khám về tổ chức nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất, quy chế hoạt động trình giám đốc bệnh viện phê duyệt trước khi thực hiện.

Bệnh viện phải bố trí nhân sự có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc tư vấn khám và hướng dẫn điều trị cho người bệnh, có lịch phân công trực thường xuyên 24/24 giờ tại phòng khám.

Các bác sĩ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện có, ứng dụng sổ quản lý sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử…, để hỗ trợ hiệu quả nhất cho người bệnh.

Đồng thời, bệnh viện phải có số điện thoại được công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tiện liên hệ khi cần trợ giúp.

Bộ Y tế cũng nêu rõ các bệnh viện tuyến tỉnh có thể đề nghị Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện phòng khám từ xa tư vấn và điều trị cho F0 tại nhà trong quá trình hoạt động.

Xét nghiệm 3 lần/tuần Covid-19 tại vùng nguy cơ cao

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, người dân được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Tại các khu vực có nguy cơ và khu vực khác, người dân được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình ít nhất một lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Ngoài ra, địa phương cần tiếp tục xét nghiệm xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp..., đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Nhân viên, người lao động (các trường hợp nguy cơ cao) tại cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần. Tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế.

Với các địa phương khác, cơ quan này yêu cầu chủ động sàng lọc, giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế và trả kết quả chậm nhất trong vòng 24 giờ. Phương pháp xét nghiệm được áp dụng là rRT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp.

Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp..., đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng cần thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% để có biện pháp đáp ứng khoanh vùng, cách ly kịp thời, không để lây lan cộng đồng.

Hà Nội đề xuất Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin

Từ 6h sáng đến 12h trưa ngày 6/9 Hà Nội phát hiện thêm 38 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1 ca tại cộng đồng, 23 ca tại khu cách ly, 14 ca tại khu phong tỏa.

Và tính từ 18h ngày 5/9 đến 12h ngày 6/9, Sở Y tế Hà Nội công bố thêm 40 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, một người được phát hiện tại cộng đồng, 39 trường hợp khác đã cách ly hoặc sống ở vùng phong tỏa.

Trường hợp mới được phát hiện nhiễm Covid-19 tại cộng đồng là ông N.P.H., 45 tuổi, trú tại Quang Trung, Hà Đông.

Ngày 28/8, người này giám sát công trình tại Hòa Bình và trở về trong ngày. Tới ngày 31/8, ông H. đi tiêm vắc-xin Covid-19 mũi một tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và có triệu chứng sốt, đau mỏi người.

Hai ngày sau, ông có thêm triệu chứng mất khứu giác. Kết quả xét nghiệm ngày 5/9 xác định ông H. dương tính với SARS-CoV-2.

Ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) xác định thêm 14 ca nhiễm Covid-19. Từ ngày 23/8, ổ dịch này đã có tất cả 477 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài các ổ dịch tại quận Thanh Xuân, Hà Nội còn một số khu vực đang có diễn biến phức tạp là Văn Miếu (117 ca nhiễm), Văn Chương (90), ngõ 24 Kim Đồng (47), chợ Ngọc Hà (18), Tân Lập (20).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.567 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Liên quan tới vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là có nên nới lỏng giãn cách cho người tiêm đủ hai mũi vắc-xin, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thành phố đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, phòng, chống dịch thế nào.

Cũng theo lãnh đạo Hà Nội, hiện Thành phố đang đẩy nhanh tốc độc tiêm chủng, song do khan hiếm vắc-xin nên số lượng chưa đạt yêu cầu.

Được biết, hiện tại Hà Nội đã tiêm được hơn 2,2 triệu liều vắc-xin mũi 1, đạt tỷ lệ hơn 26% dân số. Tốc độ tiêm bình quân khoảng 150-200.000 mũi/ngày.

An Giang thực hiện giãn cách toàn Tỉnh theo Chỉ thị 15 từ 0h00 ngày 7/9/2021

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và trong Tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, một số địa phương còn phát sinh ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tuy nhiên về cơ bản dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình dịch bệnh trong Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký Công văn 2715/BCĐ-KGVX ngày 5/9/2021 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết 0 giờ ngày 7/9/2021 theo tinh thần Công văn 901/UBND-KGVX, ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh.

Thống nhất chủ trương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0 giờ, ngày 7/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.

UBND tỉnh giao Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình, dịch bệnh thực tiễn tại địa phương quyết định và tự chịu trách nhiệm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể với cấp độ cao hơn, phù hợp theo từng khu vực.

Đối với các xã, phường, thị trấn thuộc “vùng cam”, “vùng đỏ” tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, cần tiến hành khoanh vùng nhanh, có giải pháp quản lý chặt chẽ, không để “chặt ngoài, lỏng trong”, quyết liệt và xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường chỉ đạo thiết lập, giữ vững và mở rộng “vùng xanh”, phát huy vai trò của người dân, hộ gia đình, tổ nhân dân tự quản trong công tác phòng, chống dịch tại từng khóm,  ấp; xác định xã,  phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống dịch.

Trưởng Ban chỉ đạo Tỉnh đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể của từng địa phương và tự chịu trách nhiệm về công tác lãnh, chỉ đạo và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; gửi kế hoạch về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) chậm nhất ngày 7/9/2021 để quản lý, kiểm tra và tăng cường chỉ đạo kịp thời. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 An Giang cho biết, ngày 5/9, toàn Tỉnh ghi nhận 88 ca nghi mắc COVID-19, gồm: 24 ca trong khu cách ly tập trung, 57 ca trong khu phong tỏa, 6 ca trong cộng đồng và 1 ca nhập cảnh trái phép, tất cả được kiểm soát.

Từ ngày 15/4 đến nay, An Giang ghi nhận 2.380 ca mắc COVID-19 (9 ca tái dương tính), trong đó 82 ca nhập cảnh.  Đã điều trị khỏi bệnh 1.152 ca, đang điều trị 1.198 ca, chuyển tuyến 6 ca. Toàn Tỉnh đang cách ly tập trung 3.347 người, cách ly tại nhà và nơi cư trú 3.908 người. Đến 5/9/2021 đã triển khai tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 cho 223.651 người (đạt 96,29% tỷ lệ vaccine được phân bổ), gồm: 164.167 người tiêm mũi 1 (tỷ lệ 11,97% dân số), 59.484 người tiêm đủ 2 mũi (tỷ lệ 4,34% dân số).

Long An có 8 địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15

Đến nay tỉnh Long An cơ bản đã kiểm soát được tình hình, xanh hóa vùng dịch, giảm số ca mắc trong cộng đồng, hạn chế các ca tử vong đến mức thấp nhất và nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin toàn dân cho người đủ 18 tuổi trở lên.

Phát biểu chỉ đạo trực tuyến với các địa phương sáng 6/9 về đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Long An cho biết, qua đề xuất và nhận định tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn, trước mắt, 8 địa phương ở mức bình thường mới (vùng xanh) là Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Đức Huệ sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Các huyện còn lại tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 13/9. Trên cơ sở đó, Sở Chỉ huy sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để có kết luận chính thức.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu lực lượng chức năng phải tăng cường các biện pháp kiểm soát điểm giáp ranh giữa Tỉnh và tỉnh ngoài. Các huyện vùng xanh cũng phải tăng cường kiểm soát trong nội bộ địa bàn và vẫn phải siết chặt vùng ngoài, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện về từ địa phương khác.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn Tỉnh, UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại công điện 1316/CĐ-BYT về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Trong đó lưu ý đảm bảo tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 13/9, trước 2 ngày so với yêu cầu của Chính phủ và tiêm mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Giám đốc Sở Y tế - BS CKII Huỳnh Minh Phúc cho biết thêm: trong đợt tiêm chủng lần này, nhiều địa phương đạt 100% trong ngày đầu tiên như Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa,... và hiện tiếp tục khẩn trương tiêm theo kế hoạch. Đến thời điểm này, các mũi tiêm đều bảo đảm an toàn. Quá trình tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế, từ khâu khám sàng lọc đến theo dõi sau tiêm. Ngoài ra, tại các điểm tiêm đều có sẵn xe cấp cứu để sẵn sàng xử trí ngay khi có sự cố xảy ra.

Tính đến ngày 05/9, tỉnh Long An thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được 1.078.919 mũi tiêm, gồm 1.016.978 mũi 1 và 61.941 mũi 2.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, để kiểm soát và chiến thắng đại dịch Covid-19, tỉnh Long An đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ, khá hiệu quả 3 mũi giáp công để phòng, chống dịch Covid-19, gồm: một là xét nghiệm tầm soát, sàng lọc trong cộng đồng. Hai là thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Ba là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân. Đây là chiến lược mang tính hiệu quả, bền vững và quyết định trong công tác phòng dịch. Do đó, Tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường huy động tối đa nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ y, bác sĩ để tập trung cho công tác điều trị và tiêm vắc-xin; với quyết tâm tiêm nhanh nhất, sớm nhất có thể số vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ, nhằm sớm trang bị cho người dân “áo giáp chống dịch”, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết.

Theo CDC Long An, đến 18h ngày 5/9/2021, Tỉnh có tổng số 25.973 ca mắc Covid-19, trong đó có 25.085 ca mắc cộng đồng có mã số (thêm 7564 ca có mã số), 855 ca mắc cộng đồng chưa có mã số, 33 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tử vong 305 ca, tỉ lệ 1,17% và điều trị khỏi bệnh 18.167 ca. Số ca mắc tăng trong ngày 432 ca.

***

5 tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 trước 15/9

Công văn nêu rõ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/8, Bộ Y tế đã có Công văn số 6202 gửi các địa phương về việc tiêm chủng vắc-xin trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Đồng thời, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc-xin cho TP.HCM, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai để triển khai tiêm chủng chống dịch.

Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM, Hà Nội hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 trước 15/9.

Đến nay, TP.HCM, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ số vắc-xin đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tại công điện do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung.

Cụ thể, các tỉnh, thành này phải tổ chức tiêm chủng cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Trong đó, TP.Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao.

Các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, y tế các ngành...; tổ chức tiêm tại những cơ sở cố định và bố trí nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại khu dân cư, cơ quan, đơn vị...

Ngoài ra, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, phát huy tối đa năng lực tiêm của các điểm tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.

Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể tiêm tại tất cả cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị.

Tại các khu vực phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tổ chức triển khai tiêm chủng phù hợp với tình hình dịch bệnh và coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong tình hình hiện nay.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 bình phục ở trong hầm để xe, Trung tâm Hồi sức

Trước sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19, Bệnh viện Dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã trưng dụng hầm để xe của chung cư để thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 với quy mô 200 giường.

Bệnh viện Dã chiến số 3 đi vào hoạt động từ ngày 8/7 với quy mô trên 2.500 giường. Ban đầu chủ yếu điều trị các F0 không có triệu chứng. 

Tuy nhiên, sau đó bệnh viện đã được phép điều trị những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa. Phòng cấp cứu của bệnh viện luôn quá tải nên việc thiết lập một Trung tâm hồi sức tích cực ngay tại đây trở thành nhu cầu cấp bách, thiết thực phục vụ cho người bệnh.

Bệnh viện Dã chiến 3 đã đề xuất với lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan liên quan cải tạo hầm để xe thành Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19. 

Với sự hỗ trợ của nhà tài trợ và sự tích cực của các y bác sĩ, công tác chuẩn bị diễn ra cấp tập. Đến nay đã thiết lập, dần hoàn thiện gần 100 giường, trong những ngày tới sẽ hoàn tất số giường còn lại để phục vụ bệnh nhân có chuyển biến vừa và nặng. Hệ thống oxy và máy móc hiện đại được huy động tối đa.

Chiều 5/9, bác sĩ Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) cho biết, hiện khu khu cấp cứu có 52 bệnh nhân (trong đó có 4 người thở máy, 4 người HFNC). Khu hồi sức có 9 người (3 người thở HFNC). 

Tại đây các y, bác sĩ cùng đội ngũ tình nguyện viên phải hối hả làm việc ngày đêm. Ngày 5/9 bệnh viện đã cho xuất viện 115 trường hợp được điều trị khỏi. Tổng số bệnh nhân được xuất viện từ khi bệnh viện đi vào hoạt động đến nay là 5.300 người.

Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 3 kết hợp điều trị với động viên tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân còn được đảm bảo về chế độ dinh dưỡng. 

Các quy định về phòng, chống dịch cũng thực hiện tốt. Các phòng bệnh đều lập group trên Zalo để kết nối giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Khi có gì bất thường y, bác sĩ nắm bắt ngay để có biện pháp ứng phó.

Theo bác sĩ Công, với sự linh hoạt và tận tâm của hệ thống y bác sĩ và các tình nguyện viên thì có những ca bệnh rất nặng đã hồi phục ngoạn mục. Điển hình như bệnh nhân Lương Thị H. (sinh năm 1954) nhập viện đã có chuyển biến xấu, suy hô hấp. 

Trải qua gần 40 ngày điều trị kháng sinh, kháng đông, kháng viêm liều cao và hỗ trợ hô hấp bằng máy thở HFNC thì nay đã cai được máy thở và thở ô-xy mũi, chỉ số SpO2 96 / FiO2 28%. 

Đến ngày 5/9, bệnh nhân đã có xét nghiệm PCR âm tính, dự kiến vài ngày tới sẽ được xuất viện. Nhiều bệnh nhân khác tại đây sau nhiều ngày thở ô-xy cũng đã hồi phục.

Có nên nới lỏng giãn cách cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19?
Một số chuyên gia đề xuất có thể tính tới một số nới lỏng cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, song cũng có một số ý kiến cho rằng chưa thể...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư