Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 8/10: Công khai danh sách nhà thuốc bán test nhanh Covid-19
D.Ngân - 08/10/2021 09:01
 
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết cơ quan này sẽ công bố danh sách nhà thuốc bán test nhanh Covid-19 để người dân dễ tiếp cận.

Nhiều tỉnh, thành có số ca mắc giảm

Tính từ 17h ngày 7/10 đến 17h ngày 8/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.806 ca nhiễm mới ại 42 tỉnh, thành phố.

Trong đó, 11 ca nhập cảnh và 4.795 ca ghi nhận trong nước (tăng 648 ca so với ngày trước đó), 2.451 ca được phát hiện ngoài cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-36), Bình Thuận (-32), Long An (-18).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+485), Ninh Thuận (+53), Sơn La (+29). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua: 4.841 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 831.643 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.448 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca. Trong đó, 754.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Số ca tử vong đang có xu hướng giảm

Số liệu do sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho thấy trong ngày, 994 F0 được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 759.482 người. Ngành y tế đang điều trị cho 5.361 bệnh nhân có diễn biến nặng, trong đó, 22 ca được can thiệp ECMO.

Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 114 ca tử vong tại TP.HCM (78), Bình Dương (17), An Giang (7), Đồng Nai (3), Long An (3), Đồng Tháp (1), Ninh Thuận (1), Kiên Giang (1), Bạc Liêu (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 128 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, nước ta đã thực hiện 181.202 xét nghiệm cho 308.169 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 19.806.777 mẫu cho 55.416.974 lượt người.

Trong ngày 7/10, 1.498.557 liều vắc-xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm là 50.558.288 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 36.901.468 liều, tiêm mũi 2 là 13.656.820 liều.

Hà Nội thêm ca mắc Covid-19

Tính từ 12h00 - 18h00 ngày 8/10, trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu phong tỏa thuộc quận Hoàn Kiếm và thuộc chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bệnh nhân là T.Q.Đ, nam, sinh năm 1950, địa chỉ Cẩm Đông, Cẩm Giàng, Hải Dương. Bệnh nhân là người bệnh điều trị tại P737, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 16/9, đã có 2 lần xét nghiệm âm tính vào ngày 30/9 và 3/10.

Ngày 8/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 3, kết quả dương tính. Như vậy, trong ngày 8/10, toàn thành phố ghi nhận tổng số 5 ca bệnh dương tính.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận tổng số 4031 ca dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2425 ca.

Chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức ghi nhận tổng số 44 ca mắc tại Hà Nội kể từ ngày 30/9 đến nay (bao gồm: 22 F0 sinh sống tại Hà Nội; 22 F0 là người từ tỉnh khác đến điều trị, chăm sóc bệnh nhân).

Phân bố bệnh nhân theo nhóm đối tượng, bao gồm 15 bệnh nhân là người nhà chăm sóc bệnh nhân; 21 người là bệnh nhân điều trị trong bệnh viện; 06 bệnh nhân là nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện và 02 trường hợp là đối tượng khác.

Thái Nguyên: Tiêm phủ vắc-xin cho toàn bộ công nhân

Các khu công nghiệp Thái Nguyên với hơn 90 nghìn công nhân, sản xuất lượng hàng hóa rất lớn với kim ngạch xuất khẩu hằng năm từ 25 - 27 tỷ USD, đứng thứ tư cả nước.

Để bảo vệ lực lượng sản xuất trong các khu công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ lao động ở đây.

Đến nay, trong tổng số gần 91.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã tiêm mũi 1 cho hơn 20 nghìn người, chiếm khoảng 24%, tiêm mũi 2 cho hơn 10.000 người, chiếm khoảng 11%.

Tỉnh Thái Nguyên có chủ trương sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% những người làm việc trong các khu công nghiệp từ tuần tới, bao gồm cán bộ, công nhân, người phục vụ, đội ngũ công nhân xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp.

Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong các khu công nghiệp từ trước đến nay, ở những doanh nghiệp có từ 200 - 300 công nhân trở lên sẽ được tiêm tại chỗ.

Những doanh nghiệp có ít công nhân sẽ được nhóm lại, tổ chức tiêm ở nơi gần nhất để rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian đi lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nhân, doanh nghiệp.

Hiện nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đang tích cực phối hợp các doanh nghiệp, cơ quan chức năng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này được thực hiện an toàn tuyệt đối; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp bố trí, sắp xếp thời gian làm việc phù hợp để toàn bộ công nhân được tiêm.

Công khai nhà thuốc bán test nhanh Covid-19

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 16259/SYT-NVY chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm việc chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn 8259/BYT-DP ngày 1/10/2021 về tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết cơ quan này sẽ công bố danh sách nhà thuốc bán test nhanh Covid-19 để người dân dễ tiếp cận.

Sở Y tế giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là đầu mối hướng dẫn về chuyên môn trong công tác chỉ định đối tượng, khu vực nguy cơ và phương pháp xét nghiệm phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông nâng cao ý thức của người dân về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hướng dẫn người dân chủ động, tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.

Sở Y tế cũng rà soát, cung cấp danh sách sinh phẩm xét nghiệm test kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam và danh sách các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có cung cấp sinh phẩm trên địa bàn thành phố. 

Danh sách này sẽ được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cơ quan, đơn vị và người dân dễ tiếp cận.

Hà Nội chấm dứt 6 ngày không ghi nhận ca cộng đồng

Sáng 8/10, Sở Y tế Hà Nội thông tin về 3 trường hợp vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố thông qua sàng lọc người ho, sốt trong cộng đồng.

Đó là bà M.T.O., 49 tuổi, trú tại La Khê, Hà Đông. Bà O. cùng con trai quản lý cửa hàng nhôm kính tại xưởng có địa chỉ ở số 24 Ba La, Phú La, Hà Đông.

Từ 22/9 đến nay, bà O. thường xuyên làm việc tại cửa hàng. Đến ngày 1/10, người này có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, ho và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Ngày 7/10, bà O. được xác định dương tính với Covid-19.

Trường hợp thứ 2 là anh B.Q.T., 21 tuổi, con trai của bà O. Anh T. cùng mẹ quản lý và làm thợ tại cửa hàng nhôm kính nói trên. 

Ngày 4/10, người này cũng có triệu chứng ho, sốt và tự điều trị tại nhà trước khi có kết quả dương tính ngày 7/10.

Ca nhiễm cuối cùng là ông B.Q.V., 61 tuổi, chồng của bà O. Ông V. bị tai biến nên thường xuyên ở nhà, không ra ngoài. Ngày 7/10, ông được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Như vậy, Hà Nội đã chấm dứt 6 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.029 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

TP. HCM: Cho phép bệnh viện tư nhân thu phí điều trị Covid-19, nếu bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế và Sở Tài chính về việc thực hiện thí điểm chi trả chi phí cho cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 theo kết luận của Thành ủy TP.HCM.

Theo đó, nguyên tắc của việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm; chi phí điều trị các bệnh khác thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh.

Đối với phần ngân sách nhà nước, UBND TP quyết định trước mắt thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại thông tư số 13, 14 ngày 5/7/2019.

Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh nêu trên, thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương với mức thực hiện của các cơ sở y tế công lập. Kinh phí trích từ nguồn kinh phí phòng chống dịch bố trí cho Sở Y tế TP.

Phần chênh lệch giữa chi ngân sách nhà nước thanh toán và chi phí thực tế phát sinh trong điều trị, các cơ sở y tế tư nhân cân đối thực hiện (bao gồm cả việc cho phép các cơ sở y tế tư nhân thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp cho chi phí).

Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí (không sử dụng ngân sách nhà nước), cho phép các cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo cam kết của bệnh nhân tự nguyện để trang trải chi phí.

Được biết, TP.HCM hiện có khoảng 95 cơ sở y tế tham gia điều trị Covid-19, trong đó có 11 bệnh viện tư nhân.

Đảm bảo người dân có nhu cầu về quê được đưa, đón an toàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Công điện 1314/CĐ-TTg ngày 7/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ, việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

Các địa phương tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. 

Đối với những người vẫn muốn về quê cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến.

Đối với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố để về quê thì phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân đi. 

Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu. 

Các tỉnh, thành phố dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.

Các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình thì cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên chở thuận lợi nếu người dân không có phương tiện phù hợp.

Bộ Y tế phân bổ ngay vắc-xin sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; 

Hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca nhiễm Covid-19 mới. 

Theo báo cáo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những ngày qua mỗi tỉnh đã đón hàng chục nghìn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...

Phần lớn người dân tự phát về quê là lao động tự do, một phần nhỏ là công nhân, qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện những trường hợp nhiễm Covid-19.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Bộ Y tế chưa mua test kháng nguyên nhanh
Vừa qua, một số thông tin phản ánh giá xét nghiệm kháng nguyên nhanh rất khác nhau, phóng viên đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư