Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 1/10: Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại; Nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng
D.Ngân - 01/10/2022 08:51
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại.

Tăng cường phòng chống bệnh dại

Bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.

Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong).

Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế nhận định nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.

Các đơn vị y tế cần tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế đề được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời đồng thời truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Sở y tế các tỉnh, thành cũng được yêu cầu tăng cường tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người: tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vắc-xin phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.

Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vắc-xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).

Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật đề tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin lên ít nhất 70% tổng đàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao.

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc-xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Hội thảo quốc gia về phòng, chống ung thư

Bệnh viện K (Bộ Y tế) phối hợp Hội Ung thư Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia phòng, chống ung thư lần thứ XX, có chủ đề “Ung thư và Miễn dịch”.

Ung thư luôn là vấn đề sức khỏe quan tâm tại nhiều quốc gia hiện nay. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và hơn 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam năm 2018, có 165 nghìn trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2020, con số này lên đến 182 nghìn trường hợp. Năm 2020, đã có 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện có hơn 300 nghìn người đang sống chung với bệnh ung thư. Đáng lo ngại, xu hướng mắc bệnh ung thư không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn, do đó việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Trong điều trị đa mô thức bệnh ung thư, các phương pháp bao gồm phẫu thuật, xạ trị và nội khoa ung thư đã cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong.

Đáng chú ý, từ nhiều thập niên trước đây, các nhà khoa học đã dự đoán rằng miễn dịch có thể sẽ trở thành một trong những phương pháp điều trị quan trọng và kỳ vọng sẽ cải thiện thêm nữa thời gian sống thêm cho bệnh nhân.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ cùng nhau trao đổi kiến thức, các kết quả tích cực của liệu pháp miễn dịch trong một số loại ung thư thường gặp như: Ung thư đường tiêu hóa; ung thư vú-phụ khoa, sinh dục-tiết niệu; ung thư đầu cổ và hệ thần kinh; ung thư phổi và lồng ngực...

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng y tế

Theo Sở Y tế TP.HCM, thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng là một thực trạng đáng lo ngại, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2022, toàn thành phố có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó, có 1.001 điều dưỡng, chiếm 50% tổng số nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công lập.

Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, nếu như năm 2021 có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng thì sang năm 2022 chỉ còn 781 người có nguyện vọng nộp đơn đơn đăng ký học điều dưỡng tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (giảm 66%).

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc.

Do đặc thù công việc của người điều dưỡng thường vất vả, áp lực công việc ngày càng cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, trong khi thu nhập thì thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề trong một bộ phận điều dưỡng, một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.

Trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, Sở Y tế đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng; trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND cho tất cả điều dưỡng đang công tác tại các cơ sở y tế công lập trực thuộc TP.HCM (bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn).

Sở Y tế cũng kiến nghị UBND thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030.

Kiến nghị cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư