Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 11/5: Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ phòng, chống dịch
D.Ngân - 11/05/2023 08:15
 
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu chủ động đảm bảo nhu cầu thuốc phòng, chống dịch và thuốc điều trị bệnh trong thời điểm hiện nay.

Sự cố tiêm chủng

Ngày 10/5, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa xác nhận đã tiếp nhận 5 bệnh nhân vào nhập viện do tiêm vắc-xin hết hạn. Trước đó, ngày 9/5, tại Trạm y tế xã Thăng Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) diễn ra tiêm dịch vụ các mũi tiêm 5 trong 1 và 6 trong 1 cho 15 trẻ nhỏ. Trong đó, có tiêm 6 mũi vắc-xin Hexaxim cho 6 trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, sau khi tiêm xong các mũi vắc-xin Hexaxim điều dưỡng Nguyễn Văn S. đã đưa vỏ bọc thuốc cho gia đình mang về nhà thì phát hiện 4 trong 6 mũi Hexaxim sản xuất ngày 30/4/2020 đã hết hạn sử dụng từ tháng 3/2023.

4 lọ vắc-xin hết hạn nói trên đã được tiêm cho 4 trẻ. Gia đình một người dân có hai bé sinh đôi, một trong hai bé đã tiêm phải liều vắc-xin hết hạn (hiện chưa xác định được bé nào đã tiêm mũi vắc-xin hết hạn). Do đó, gia đình đã đưa cả hai cháu bé sinh đôi cùng 3 cháu còn lại nhập viện để theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng trạm Y tế xã Thăng Bình thừa nhận sai sót nói trên là do sơ suất của cán bộ tiêm chủng đã không thực hiện theo đúng quy trình tiêm chủng an toàn, không kiểm tra, đối chiếu kỹ các hạn sử dụng trên vỏ hộp thuốc và lọ vắc-xin, trong khi đây là một quy trình bắt buộc.

Lãnh đạo và cán bộ Trạm y tế xã Thăng Bình đã trực tiếp nhận lỗi với gia đình các trẻ và sẽ đồng hành cùng các gia đình trong quá trình theo dõi sức khỏe cho cháu.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, các liều vắc-xin này lấy từ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nông Cống về tiêm dịch vụ cho gia đình các trẻ có nhu cầu.

Được biết, 4 liều vắc-xin hết hạn nói trên nằm trong tổng số 165 liều vắc-xin mà đơn vị đã mua từ Công ty Thiết bị y tế Hà Nội vào ngày 23/5/2022 để tiêm dịch vụ. Lô vắc-xin này được sản xuất vào tháng 4/2020 và hết hạn vào tháng 3/2023.

Sau khi xảy ra sự cố trên, đơn vị đã cho tiến hành rà soát lại và khẳng định 4 lọ vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim tiêm cho trẻ ngày 9/5 tại Trạm Y tế Thăng Bình là những lọ vắc-xin cuối cùng của lô hàng trên.

Hiện tại, cơ sở đang phối hợp với Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tập trung chăm sóc sức khỏe cho các cháu bé; đồng thời rà soát lại quy trình tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Thăng Bình và sẽ xử lý trách nhiệm theo đúng quy định.

Về sức khỏe bệnh nhi, theo đại diện Bệnh viện Nhi Thanh Hóa các trẻ có triệu chứng sốt nhẹ, trong đó, có hai cháu xuất hiện tình trạng men gan cao nhưng không nguy hiểm. 

Hà Nội: Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ phòng, chống dịch

Sở Y tế Hà Nội có Công văn số 1979/SYT-NVD gửi UBND các quận/huyện/thị xã; các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, yêu cầu chủ động đảm bảo nhu cầu thuốc phòng, chống dịch và thuốc điều trị bệnh trong thời điểm hiện nay.

Thực hiện Văn bản số 4446/QLD-KD ngày 28/4/2023 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh, đặc biệt là các thuốc điều trị Covid-19 và thuốc điều trị các dịch bệnh khác. 

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn xây dựng, triển khai kế hoạch cung ứng thuốc, đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở khám chữa bệnh và người dân, không lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá thuốc.

UBND các quận/huyện/thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá thuốc đối với cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn quản lý.

Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, vắc xin cho phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố để biết và thực hiện.

Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, số ca nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng trở lại. 

Mặt khác, mùa hè với thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều thuận lợi cho các vi rút và vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển có thể gia tăng các ca bệnh hoặc chuyển thành dịch đối với một số bệnh ở cả người lớn và trẻ em như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả... nếu như không triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng chống.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nối thành công ngón tay và chân đứt rời

Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin, ngày 7/5 bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân H.G.B (9 tuổi quê Thanh Hóa) trong tình trạng vết thương đứt rời hoàn toàn mạch máu, thần kinh tại vị trí nền đốt 1 bàn ngón II tay phải, gẫy xương nền đốt 1 ngón II tay phải.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bé đã cho tay vào lồng máy giặt cửa đứng trong lúc máy đang hoạt động, sau khi bệnh nhân được phát hiện được người nhà đưa vào viện sơ cứu và chuyển tuyến cho bệnh nhân.

Hiện bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xử lý ngay bằng thủ thuật xuyên kim Kirschner, cố định đốt ngón 1 vào xương bàn ngón II tay phải. Sau đó, đã thực hiện nối vi phẫu dưới kính hiển vi động mạch riêng ngón II bên trụ, thần kinh riêng ngón II bên quay và tĩnh mạch mu tay ngón II bàn tay phải bằng chỉ beer 10-0.

Đây là một ca phẫu thuật khó, vì thời gian từ khi tổn thương tới khi phẫu thuật kéo dài (trên 10 tiếng đồng hồ), bệnh nhân bị tổn thương mạch đứt rời ngón phức tạp, dạng tổn thương dập nát, xoắn vặn; trong khi mạch máu nuôi ngón trỏ rất nhỏ, ở trẻ em còn nhỏ hơn, nên rất khó khăn cho các bác sĩ trong thao tác tìm động mạch nuôi, động mạch nhận, tĩnh mạch.

Cũng trong ngày 7/5, các bác sĩ Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận, nối trồng ngón tay và ngón chân bị đứt rời cho một bệnh nhân N. G. T, 22 tuổi từ Thanh Hóa chuyển đến.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: Vết thương bàn tay phải đứt rời ngón I. Vết thương bàn tay trái có đứt hoàn toàn thần kinh giữa, gãy hở xương mác phải. Vết thương bàn chân phải đứt gân duỗi ngón I, II, III, đứt gần rời ngón V. Vết thương lóc da gối phải. Vết thương khuyết da cẳng chân phải. Vết thương cẳng chân trái đứt chày trước. Vết thương lưng trái.

Sau khi bệnh nhân được các bác sĩ nối vi phẫu trồng ngón I tay phải, bệnh nhân được phẫu thuật cố định xương mác phải; nối gân duỗi ngón I, II, III chân phải; cố định, bảo tồn ngón V chân phải; … Nối thần kinh giữa, cung động mạch gan tay nông bàn tay trái.

Là người thực hiện liên tiếp cả hai cả mổ trên, bác sĩ Hoàng Hồng cho biết, tất cả những bệnh nhân bị đứt mạch máu, thần kinh, đứt rời hoàn toàn hay bán phần toàn bộ hay một phần chi thể phải xử lý nhanh, sớm để sớm phục hồi tái thông mạch máu nuôi dưỡng, phục hồi thần kinh, bảo tồn tối đa trồng lại chi thể đứt rời nếu có chỉ định. Điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới đúng địa chỉ để được chữa trị sớm nhất.

Tiêm vắc-xin để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm
Cả Covid-19 và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác đã có vắc-xin phòng bệnh, do vậy người dân không nên thờ ơ với việc bảo vệ sức khỏe...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư